Trên Máy Bay

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 162 - 165)

XVI. Cửu Hoa Sơn

06.Trên Máy Bay

Ngồi trên máy bay, có thể mỗi người có mỗi nếp suy tư khác nhau. Cũng có người, vì quá mệt mỏi, hôm nay như đã trút đi một gánh nặng, không cần phải suy nghĩ gì thêm cho mệt, cứ nhắm nghiền đôi mắt lại rồi từ từ thả hồn phiêu lưu theo mây gió, cho nó sướng cuộc đời, để bù lại những ngày dài thắm mệt. Rồi đến khi mở đôi mắt ra, thấy mình đang ở Úc. Mọi người thân đang chờ đợi tiếp đón mình, tay bắt mặt chào niềm nở tươi cười vui vẻ, bao nhiêu ngày trông đợi nay gặp mặt nhau thì còn gì vui sướng bằng.

Càng nghĩ đến cảnh tượng đó, tôi lại càng cảm thấy thương buồn cho gia đình cô Diệu Ngọc hơn. Rồi ngày mai đây, gia đình của cô cũng ra phi trường Sydney đón cô, nhưng họ chỉ đón cái xác không hồn của cô. Nhớ lại, ngày cô ra đi, những người thân vui vẻ chúc mừng cô và đạo hữu Minh Hiền thượng lộ bình an, trải qua nhiều cảnh đẹp, rồi sau đó, mang về cho những

người thân, những bạn bè một vài món quà lưu niệm, ở nơi Tứ Đại Danh Sơn của những vùng sơn cước ấm áp tận phương trời xa xôi Trung Quốc. Ngày trông, đêm đợi, bây giờ, cũng trông đợi mà trông đợi một cách bi thương não nề, đau buốt tâm can ngước mặt thở than trong bầu trời trống vắng ảm đạm.

Càng nghĩ đến tình cảnh đó, tôi không thể an tâm yên ngủ. Vẫn biết rằng, luật vô thường, mình không thể trốn chạy được. Nhưng rồi, sau đó, tôi lại nghĩ, biết đâu mình còn nặng nghiệp hơn cô. Cô đã tròn nguyện ước, đã bỏ thân tứ đại huyễn hóa, mà tâm thức của cô đã về với Phật Tổ, và với nguyện lực đó, cô lại tiếp tục chuyển thân làm lợi ích cho chúng sanh. Trong khi đó, thì mình vẫn còn mang cái hình hài nặng ký lô thịt nầy, để tiếp tục trả cho hết nghiệp.

Nghĩ vậy, bỗng tôi lại mừng cho cô mà tự cảm thương cho mình. Tại sao mình cứ nhìn trên cái xác thân hư giả nầy mà đánh giá cho sự sống chết? Hễ mất cái thân giả tạm nầy, mình cho là chết. Đó là một ý nghĩ thật quá đơn giản thường tình. Chứng tỏ mình chưa hiểu được lý lẽ của sự sống chết. Theo Phật giáo, chết chỉ là sự hoại diệt của một hiện tượng. Vì đã có sanh tất nhiên là phải có diệt. Sanh diệt chỉ là trò ảo thuật huyễn hóa, không thật. Hiện tượng thì có sanh diệt, nhưng bản thể thì không. Lâu nay, vì dính mắc chấp chặt trên hình tướng nên chúng ta rất đau khổ, vì không thấy được cái Vô Tướng của sự vật. Hiểu và chứng nghiệm được lý sanh diệt rồi, tất nhiên, chúng ta sẽ không còn lo âu sợ hãi nữa.

Ngày nào mà ta chưa hiểu thấu được cái “Vô Tướng” của vạn hữu, thì chắc chắn ngày đó ta còn phải chịu khổ đau dài dài. Nhìn thấu được cái lý Vô Tướng là ta đã nhận ra được cái lý duyên sinh vô ngã. Nhìn theo lý duyên sinh, thì không có một vật gì thường còn tồn tại. Khi đủ duyên, thì tạm gọi là còn sống. Khi nhân duyên tan rả, thì tạm gọi là chết. Sống chết chỉ là hiện tượng hoa đốm giữa hư không. Nói rõ hơn, sáng và tối chỉ là hiện tượng sanh diệt đối đãi trong hư không. Hư không thì không có sanh diệt. Nhưng hoa đốm thì có sanh có diệt. Bản chất của hoa đốm thì không, nhưng vì mắt bị bệnh nhặm mà thấy có. Khi mắt hết bệnh, thì hoa đốm kia cũng không còn. Khi giác ngộ được chân lý rồi, thì mọi hiện tượng chỉ là trò đùa mà thôi. Chúng nào có thật đâu mà mình phải đau khổ?

Căn cứ trên lý duyên sinh như huyễn giả hợp nầy, thì rõ ràng khác nào như bọt tan về biển. Đã thế, mất bọt chớ nào mất biển. Biển nước bao la sao ta không chịu nhận mà chỉ nhận một cái bọt nhỏ xíu trôi nổi trên đại dương.

Ta nên nhớ rằng, khi đủ duyên thì chúng hội tụ lại thành bọt, đã là bọt làm sao khỏi tan? Duyên hợp, duyên tan đó là chuyện của bọt nước. Nhưng thể của nước biển bao la kia nào có tan có hoại đi đâu? Cũng thế, cái xác thân tứ đại nầy, có khác nào như bọt nước nổi trên đại dương bao la kia. Ngay khi bọt nổi, đã có mang chất nước trong đó. Nên khi bọt biển tan ra, thì hòa tan về biển nước. Như vậy, tuy có mất bọt, nhưng thể nước kia vẫn còn.

Thế nhưng, thông thường, người ta chỉ nhìn trên bọt nổi phập phều, mà quên mất đi cái biển cả bao la của đại dương. Cái mê lầm của chúng ta là ở chỗ đó. Rồi tôi lại nghĩ thêm, xác thân của chúng ta khác nào như chiếc xe. Xe chạy lâu năm, thì phải hư hoại. Mỗi lần hư, thì mỗi lần đem sửa, khi sửa hết được, thì phải quăng. Thân nầy cũng thế. Đã xài lâu rồi, thì nó phải hư hoại. Muốn nó còn hoài sao được? Tuy nhiên, xe tuy hư hoại, tan biến đi, nhưng anh tài xế làm gì có mất. Tại sao dại dột, cứ một bề nghĩ thương tiếc chiếc xe hư mục, mà không nghĩ gì đến anh tài xế? Đã lâu rồi, mình quá nặng chấp thân, sâu hơn nữa, là cho những thứ vọng tưởng suy nghĩ vẫn vơ là thật mình, trong khi đó, mình lại quên mất đi cái bản tâm sáng suốt chơn thật thường hằng. Cũng như nhận chút xíu bọt nổi trên biển cả, mà quên đi mặt biển đại dương bao la. Nhận chiếc xe, mà quên mất đi anh tài xế. Thật là đáng thương xót và tôi nghiệp cho mình quá! Chính vì vậy, mà trong Kinh Phật thường quở chúng sanh ngu si là như thế!

Nghĩ nhớ đến những lời Phật Tổ dạy trong kinh điển như vậy, tôi tự cười thầm, và rồi tự nhủ thầm chính mình rằng, trong chuyến đi nầy, quả cô Diệu Ngọc đã vượt xa hơn mình rồi. Cô ta đã có chiếc xe mới hơn nhiều chiếc xe mình và cô ta đang nhìn lại mình mà thương xót cho bọn mình. Tôi nhìn thấy cô thật có một tấm lòng quảng đại hơn, và có một tình thương rộng lớn hơn, nên cô đã tâm nguyện quyết xả bỏ thân trược uế, nhận thân khác tinh anh hơn! thù thắng hơn! để có đủ phương tiện trong công việc tiếp sanh độ chúng. Có thể giờ nầy, linh hồn cô đang an lạc phơi phới nhẹ bỏng thanh thoát như chiếc máy bay đang bay trong bầu trời cao rộng giữa mây trắng bạt ngàn, không một chút vướng bận vào đâu. Cầu nguyện linh hồn cô được tiêu diêu tự tại nơi miền lạc cảnh. Nguyện xong, tôi nhắm nghiền đôi mắt lại để dưỡng thần, và rồi niệm Phật, mệt quá ngủ thiếp đi khi nào không hay biết, đến khi giật mình mở mắt ra thì trời đà gần sáng…

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 162 - 165)