Pháp Vũ Tự

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 119 - 122)

XIII. Phổ Đà Sơn

06.Pháp Vũ Tự

Rời Phạm Âm Động, đoàn đến tham quan chiêm bái Pháp Vũ Tự. Chùa nầy là một trong ba ngôi chùa lớn nhứt ở núi Phổ Đà. Chùa còn có tên là Hậu Tự (chùa sau). Tiền Tự là chùa Phổ Tế. Chùa được xây dựng vào thời Vạn Lịch đời Thanh, thật qui mô rộng lớn kiến trúc theo kiểu tân thời. Từ ngoài vào trong, chùa gồm có 5 điện:

1. Điện Tứ Thiên Vương. Trong Điện có thờ tượng Bồ Tát Di Lặc. 2. Phật ngọc Điện. Điện nầy hiện đang trùng tu.

3. Điện Quán Âm, còn gọi là Cửu Long Điện, vì trên Ngài có 9 con rồng. Trong Điện nầy rất rộng lớn, chung quanh là cột gỗ và có nhiều đôi liễn cũng bằng gỗ màu xanh óp lại, trông rất đẹp mắt.

4. Điện kế tiếp cũng là Điện Quán Âm. Ngài đứng với nhiều tay chiều cao khoảng 8 mét, Ngài đứng trong lồng kiến lớn, trong điện đều có chạm nhiều rồng quấn chung quanh.

5. Đại Hùng Bảo Điện, Điện nầy thờ Tam Thế Phật, hiện đang trùng tu.

Riêng Đại Hùng Bảo Điện còn gọi là Cửu Long Điện, vì phía trên chánh điện có khắc trổ chín con rồng vàng với tư thế nằm cuộn mình chầu về một hướng, chạm trổ rất công phu tinh xảo, tân kỳ, đường nét sáng rỡ thật là độc đáo. Người hướng dẫn cho biết, Thái Tổ Chu Nguyên Chương (Hồng Vũ) đã từng lên ngôi ở Điện Cửu Long nầy. (Chu Nguyên Chương đã từng xuất gia làm tăng ở chùa Hoàng Giác), cho nên có chín con rồng vàng cuộn mình trên bảo điện, đó là điển tích về Điện Cửu Long. Ngoài ra, chùa nầy cũng còn có nhiều chuyện lạ lùng được nhiều người biết đến. Như chuyện

chiếc nồi nấu cơm nặng một vạn cân. Mỗi lần nấu có sức dung chứa được 24 tạ gạo.

Như vậy, thời đó tăng chúng rất đông và chùa cũng rất thịnh hành. Nghe nói chiếc nồi “Ngàn Tăng” nặng vạn cân nay đã không dùng đến, lý do là vì tăng chúng quá ít, nên không thể dùng nồi to để nấu. Tục ngữ có câu: “Mổ gà không cần dùng đến dao giết trâu”. Thật là chẳng khác nào anh hùng không có đất dụng võ. Bây giờ khách hành hương chỉ đứng trước cái nồi để chiêm ngưỡng lễ bái mà thôi. Có người còn ném tiền vào đó, không biết có ý nghĩa gì. Ngoài cái nồi lịch sử nầy ra, chùa còn có những tấm long bào, áo tía thánh chiếu, sắc chỉ v.v… đều là những kỷ vật quý báu của Sơn môn. Chúng tôi được biết thêm cả hai chùa: chùa nầy và chùa Phổ Tế còn lưu giữ lại những kỷ vật vô cùng quý giá của các vua chúa thời xưa. Đặc biệt chùa nầy còn giữ đôi nến rồng do vua đời Càn Long ban tặng, dù trải qua thời gian khá lâu mà đôi nến vẫn không bị chảy. Tất cả những bảo vật đó, cho đến nay vẫn còn được bảo tồn đầy đủ. Rất tiếc, những bảo vật nầy, đoàn không được xem.

Tham quan xong, mọi người xuống chỗ bãi đậu xe đứng chờ xe để đi đến nhà hàng dùng cơm trưa. Lúc nầy, tôi nhìn đồng hồ tay là đúng 12g30.

Pháp Vũ Cảm Tác

Pháp Vũ tự giữa núi đồi cao rộng Cảnh lịch thanh trang trọng biết là bao

Điện Quán Âm Bồ tát đứng trên cao Nhiều điện Phật thanh tao ngàn trang nhã

Gương Phật ngự tòa sen ôi! cao cả Nụ cười tươi hỷ xả vạn sầu đau

Điện Thiên Vương Di Lặc ngự quá ngọt ngào Tam Thế Phật nhìn vào thêm hoan hỷ

Giữa biển đời nghiệp dĩ quá đau thương Con nổi trôi theo vọng nghiệp cảnh vô thường

Đời giả tạm như hạt sương trong nắng sớm Nhìn Bồ tát lệ trào dâng rơm rớm Tự hận mình lười ngợm quá ngu si

Con nhìn Ngài dưới ánh mắt từ bi Con cố gắng khắc ghi lời Ngài dạy Đường sanh tử nhiều đời con đã trải Bước chân đi trong khổ hải lắm tang thương

Duyên phúc xưa hồi giác trở lại đường Đường chánh giác thênh thang con cất bước

Đời lắm kẻ say mê trong ô trược Từng bước đi xuôi ngược mộng viễn du Mong chúng sanh thoát khỏi chốn ngục tù

Tỉnh giấc mộng mây mù tan biến dạng.

Phật ngồi Phật ngự ở trên tòa Ngài thấy đàn con ở tận xa Bái lạy mọp quỳ thương xót ruột

Phật rằng: Bái lạy chớ mong ta Lời vàng từ trước ta hằng dạy

Tỉnh lặng Phật lòng chớ kiếm xa Linh giác thường tri hằng luôn nhớ

Vọng cầu tìm kiếm ấy đạo tà.

Những người ở đây chờ đợi xe không bao lâu, thì có ba chiếc xe van của khách sạn đến chở mọi người về lại khách sạn để dùng cơm trưa. Thường những nơi khách sạn lớn, trong đó có nơi đãi ăn rất rộng rãi lịch sự. Ăn trưa xong, đoàn tiếp tục lên đường đi tham quan một vài nơi khác. Đoàn rời khách sạn Trung Tín Phổ Đà Đại Tửu Điếm vào lúc 1giờ 50 chiều.

---o0o---

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 119 - 122)