A Dục Vương Tự

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 127 - 132)

XIII. Phổ Đà Sơn

01.A Dục Vương Tự

Thời tiết sáng hôm nay rất đẹp. Khí trời tươi mát ánh nắng dịu hiền, rất thích hợp cho một ngày đi du ngoạn. Theo chương trình đã quy định, hôm nay, trước tiên, đoàn sẽ đi viếng thăm chùa A Dục nằm trong địa hạt Ninh Ba. Đoàn khởi hành vào lúc 7g45 sáng. Chùa tọa lạc trên núi A Dục Vương phía Đông huyện Ngân, thuộc tỉnh Chiết Giang.

Theo Pháp uyển Châu Lâm 38 ghi lại rằng: “Chùa nầy được xây dựng vào thời đại Tây Tấn, đời vua Vũ Đế năm 281 (có thuyết nói 282, hoặc năm 265) có người xứ Ly Thạch Tinh Châu tên là Lưu Tát Ha, trong lúc hôn mê, mộng thấy một vị Tăng người Ấn Độ nói tội của mình sẽ đọa vào địa ngục, phải đến Cối Kê đảnh lễ tháp A Dục Vương để sám hối các tội.

Sau khi tỉnh lại ông liền xuất gia, đổi tên là Huệ Đạt, đến huyện Mậu, xứ Cối Kê tìm tháp, nhưng tìm khắp nơi mà không gặp nên rất âu sầu buồn bã. Đêm ấy bỗng nghe dưới lòng đất có tiếng chuông vọng lên. Trải qua ba ngày, có tháp báu và xá lợi từ dưới đất vọt lên. Tháp nầy không phải vàng, ngọc, đồng, sắt, cũng không phải đất đá; hiện màu đen tím, chạm trổ khác hơn bình thường, bốn mặt đều có khắc 4 loại biến tướng: Biến tướng vương tử tát đỏa, biến tướng xả bỏ đôi mắt, biến tướng xuất não, biến tướng cứu chim bồ câu. Trên tháp không có lộ bàn (vật hình tròn giống như cái mâm đặt trên đỉnh tháp), chính giữa có chuông treo. Huệ Đạt liền xây tinh xá ở đây để cúng dường tháp nầy và hết lòng lễ bái sám hối. Đây là nguyên do của Điện Xá Lợi ở núi A Dục Vương.

Đời Đông Tấn 405 vua An Đế sắc chỉ xây tháp, đình, thiền thất, và thỉnh chúng tăng trụ trì giữ gìn.

Thời Lưu Tống 425, Đạo Hựu Phụng sắc sửa sang chùa nầy và xây tháp 3 tầng.

Năm 522 vua Lương Võ Đế xuống chiếu xây điện đường, phòng xá, hành lang và ban biển ngạch A Dục Vương Tự. Về sau, chùa nầy đều được sự kính ngưỡng của các vua: Giản Văn Đế, Trần Tuyên Đế, Đường Trung Tông, Đường tuyên Tông, Đường Ý Tông, và vua Thế Tông đời Hậu Chu v.v…

Chùa nầy vốn là Viện Luật Tông. Thời vua Tống Chân Tông ban biển ngạch Quảng Lợi Thiền Tự, từ đó trở thành thiền viện của 10 phương. Thời vua Anh Tông, Đại Giác Hoài Liễn trụ ở chùa nầy mở rộng tông phong. Về sau, được sự truyền giáo của các thiền sư như: Tông Cảo, Giới Thầm, Đức Quang, Sư Phạm v.v… nên đạo tràng Tông Lâm Tế hưng thịnh một thời.

Đời Minh năm 1382 chùa nầy được trùng tu và đổi tên là Dục Vương Thiền Tự, là sơn môn thứ 5 trong 5 sơn môn của Thiền Tông Trung Quốc. Hiện nay, còn Điện Xá Lợi, Điện Thiên Vương và Bảo Điện Đại Hùng. Trên bức tường chắn trước Điện Xá Lợi, có khảm bia gác Thần Khuê, bài minh suối Diệu Hỷ, bia ruộng thường trụ chùa A Dục Vương đời Đường v.v…”

Phía sau Đại Hùng Bảo Điện có thờ tôn tượng đức Quán Thế Âm đứng trên con cá cao khoảng 6 mét. Toàn thân Bồ tát có choàng bạch y trên có thêu hình hoa sen rất đẹp. Chung quanh đều có chạm đúc các hình tượng chư thiên, thần hộ pháp đứng xiêng người biểu lộ sự cung kính đối với Bồ tát.

Phía sau là phương trượng. Hòa Thượng và mọi người vào trong phương trượng và được thầy trụ trì hướng dẫn đi xem xá lợi Phật. Được biết, điện tôn thờ xá lợi Phật, giữ gìn rất nghiêm mật. Nếu không phải thầy trụ trì, thì không ai được phép mở cửa. Thật là một duyên phúc lớn cho đoàn, hôm nay, có thầy trụ trì hướng dẫn. Tới cửa, thầy trụ trì lên tiếng kêu gọi đôi ba lần, một hồi lâu mới có một vị thầy đến mở cửa. Như thế, mới thấy được sự bảo trọng nơi đây rất là cẩn mật. Khi vào, mọi người lần lượt quỳ xuống để chiêm bái xá lợi. Đầu tiên, là Hòa Thượng bái xem, kế đến quý thầy, quý sư cô và sau cùng quý Phật tử. Viên Xá Lợi rất nhỏ phải quỳ xuống nhìn kỹ mới thấy. Nơi bàn thờ xá lợi Phật, có tượng Phật Thích Ca và phía trên có tấm bảng với hàng chữ: “Tâm Pháp Nhãn Tạng”. Đứng từ cửa sổ ở Điện thờ Xá Lợi Phật nhìn ra ngoài, chúng tôi thấy cảnh trí chùa quá rộng lớn và có rất nhiều gian. Phía sau chùa có một bức tường rất cao, kiên cố. Sau bức tường là một đồi cao có cả một rừng tre cao suôn đuột trông rất ngay hàng thẳng lối. Nhờ thế, tạo cho cảnh chùa thêm nét đẹp thâm huyền tĩnh mịch, phải thế cảnh Đại Già Lam trang nhã.

A Dục Vương một vì vua chánh pháp Đã hết lòng ủng hộ Phật pháp rất vẻ vang Đất Ninh Ba một Phật Tự khá khang trang Tên A Dục đã trải qua hơn ngàn năm lịch sử Thời Tây Tấn chùa dựng xây càng phấn chấn

Trong điện thờ Xá Lợi đấng Trung Tôn Cảnh tịch liêu trong vùng núi hương thôn

Đầy tình tự bảo tồn lưu Tạng pháp. Xá Lợi Phật an toàn trong điện tháp

Người giữ gìn chu đáo thật nghiêm trang Duyên phúc xưa mới được chiêm bái tham quan

Nếu không có thì ôi thôi! muôn ngàn xa cách…

Sau khi chiêm bái Xá Lợi Phật xong, đoàn trở ra xe để chuẩn bị đi ThiênThai.

Khi trở ra ngoài cổng chùa, tôi nhìn thấy một vài người đang xúm xít bu xung quanh một người ngồi trên một ghế đá. Tôi vội bước nhanh tới, thì ra đó là cô Diệu Ngọc. Cô đang bị bịnh và những người khác kẻ đánh gió, người thì đấm bóp. Mọi người, Ai nấy đều tỏ ra rất là lo lắng. Có người còn nói lớn tiếng là cô Diệu Ngọc bị cảm gió nặng. Tôi nhìn thấy cô Diệu Ngọc ngồi với dáng vẻ mệt mỏi, mặc cho mọi người cạo gió, đấm bóp. Qua giây lâu, cô từ từ khỏe lại. Sau đó, mọi người mới lên xe. Đạo hữu Minh Hiền, (tức ông xã của cô Diệu Ngọc) dìu cô Diệu Ngọc lên xe. Cô Diệu Ngọc và đạo hữu Minh Hiền đi bên chiếc xe của chúng tôi.

Đoàn rời chùa A Dục vào lúc 10 giờ sáng. Trên đường đến núi Thiên Thai, tài xế chạy lạc đường mất gần cả tiếng đồng hồ. Trên xe, mọi người lúc đó ai cũng lo lắng bịnh tình của cô Diệu Ngọc. Bịnh trạng của cô càng lúc càng thêm nặng, thấy thế, mọi người kẻ thì bảo chú Tiêu phải mau liên lạc để tìm bác sĩ chở cô Diệu Ngọc đi khám bác sĩ. Còn người thì lo tiếp tục cạo gió đấm bóp cho cô. Khổ nỗi, xe đang chạy giữa đường mà lại ở vùng quê, hai bên toàn là rừng núi, không biết nơi đâu có bác sĩ. Mọi người đều quýnh quáng lên, ai cũng nóng lòng nên cứ hối thúc chú Tiêu liên lạc nhanh lên! Tôi và thầy Phước Tấn rất lo lắng. Nhưng biết làm sao hơn khi xe đang chạy. Hơn nữa, nơi xứ lạ quê người, mình có biết gì đâu, chỉ còn có cách là hối thúc người hướng dẫn và la ó chú tài xế. Cũng tội nghiệp cho chú Tiêu, cứ điện thoại với anh hướng dẫn viên địa phương hoài để tìm bác sĩ.

Sau khi liên lạc, chú Tiêu cho biết, nơi đây không có bác sĩ, phải về tới khách sạn mới biết được. Thế là, đành phải chịu. Xe vừa về tới khách sạn, thì kêu một chiếc tax xi ngay và chở cô Diệu Ngọc vào bệnh viện cấp tốc. Sau khi đưa cô Diệu Ngọc vào bệnh viện rồi, lúc đó là 2 giờ chiều, đoàn vào khách sạn Thiên Đài dùng cơm. Ăn cơm xong, không có nghỉ trưa (làm gì có thời giờ nghỉ trưa) mọi người liền đi viếng thăm chùa Quốc Thanh. Để diễn tả lại cảnh nầy, tôi có làm 2 bài thơ lưu niệm:

Lạc Đường

Đường đi xe chạy núi Thiên Thai Tài xế lạc đường cũng chẳng hay

Đồi núi hai bên im cảnh vắng Tin vào hướng dẫn thẳng đường ngay

Khi mà biết lạc mươi cây số Trở lại tìm đường tới núi Thai Cảnh lạ xứ người nào biết được Trên xe Diệu Ngọc mệt than dài

Bịnh

Trên đường xe chạy tới Thiên Thai Một việc xảy ra thật chẳng may Diệu Ngọc mệt nhoài ngồi khó thở Nghĩ rằng gió nhập nhức đau hoài Nào ngờ tim mạch đau cơn thắt Mệt lỏa nằm ngồi khó chịu thay!

Bệnh viện đưa vào toan cấp cứu Vô thường bệnh hoạn mấy ai hay?!

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 127 - 132)