Thăm chùa Hoa Nghiêm

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 33 - 34)

Đoàn đến thăm chùa Hoa Nghiêm vào lúc 3 giờ 30 chiều. “Chùa Hoa Nghiêm ở cửa Tây thành phố Đại Đồng, thuộc tỉnh Sơn Tây, là một trong những ngôi chùa quan trọng của Tông Hoa Nghiêm ở vào thời đại Liêu, Kim.

Trong chùa thờ những tượng Thiên Đế bằng đá, hoặc đồng, mang tính chất Tổ miếu của Hoàng thất nhà Liêu đương thời.

Từ giữa đời Minh Đế về sau, chùa chia làm hai phần: Hoa Nghiêm thượng và Hoa Nghiêm hạ, mỗi chùa dựng sơn môn và tự thành nề nếp riêng.

“Chùa Hoa Nghiêm thượng, còn gọi là chùa thượng, bắt đầu xây dựng vào đời nhà Liêu, kiến trúc theo lối cổ, trang nghiêm hùng vĩ. Năm 1112, chùa bị binh hỏa làm hư hoại, di tích chùa Hoa Nghiêm thượng hiện còn, chính là ngôi Đại Hùng Bảo Điện được xây dựng lại trên nền chùa cũ vào đời Kim, tức vào năm 1140. Mặt trước chánh Điện rộng 9 gian, sâu vào 5 gian, tổng diện tích 1559m2, là ngôi Phật điện lớn nhứt vào đời Liêu, Kim còn tồn tại đến ngày nay.

Trong điện thờ kim thân của 5 vị Phật, bộ tượng gỗ Tam Tôn do thiền sư Liễu Nhiên tạo vào đời Minh năm 1427. Gương mặt của các pho tượng có trán rộng và bằng, cằm thon thả, trên đảnh đầu có viên bảo châu hình trái đào nhô lên, gần giống với kiểu tượng Phật Tây Tạng. Hai bên bệ thờ có 20 vị Tiên đứng hầu, thần sắc khác biệt, mỗi tượng một vẻ, 4 vách tường đều có những bức họa của nước Kim, to lớn vuông vức khoảng 887m2. Trong chùa có bia đá được lập vào năm 1465 và năm 1581 đời Minh (1368 - 1661). Trước điện có trụ đá Đà la ni được dựng vào năm 1076 đời Liêu.

Chùa Hoa Nghiêm hạ còn gọi là chùa Hạ, chánh điện xây dựng vào đời Liêu năm 1038, được kiến trúc theo lối cổ bằng gỗ và cũng là Giáo Tạng xưa nhất hiện còn ở Trung Quốc. Phía trong điện có 31 tượng Phật, Bồ tát Kim Cang lớn nhỏ, đều được đắp từ đời Liêu. Lầu Kinh phía sau chánh điện có lan can, chạm trổ hoa văn, trên mái có hình tứ linh, đường nét tinh tế xảo diệu, như đang biến hóa, đây là kiến trúc bằng gỗ rất tinh xảo của đời Liêu còn lại ở Trung Quốc. Bên trong có hơn 1700 hòm Kinh tạng của đời Minh và đời Thanh, chứa hơn 18000 quyển”. 4

Đặc biệt nơi đây, đoàn đã tụng hai thời kinh ngắn (ở chùa hạ và chùa thượng, hai nơi cách nhau đi bộ khoảng 100m), do Hòa Thượng Trưởng phái đoàn làm chủ lễ. Sau khi hành lễ, đoàn cúng dường tịnh tài lên Tam Bảo. Cả hai ngôi chùa nầy, đều không có tăng, ni trụ trì lãnh đạo, chỉ có những vị cư sĩ điều hành mà thôi.

---o0o---

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 33 - 34)