Hóa Thành Tự

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 141 - 145)

XVI. Cửu Hoa Sơn

01.Hóa Thành Tự

Đầu tiên, đoàn đến tham quan ngôi Tam Bảo Hóa Thành Tự. Hòa Thượng và mọi người đều đi thẳng vào ngôi điện chánh. Sở dĩ hôm nay khác hơn thường lệ, là vì Hòa Thượng muốn cần phải tranh thủ thời gian để tụng một thời kinh ngắn cầu siêu cho cô Diệu Ngọc. Nên sau khi đến nơi, Hòa Thượng đi thẳng một mạch vào ngôi Bảo Điện. Ngôi điện chánh nầy thờ Tam Tôn Phật: Thích Ca, Di Đà Và Dược Sư.

Sau khi cúng dường Tam Bảo và xin phép thầy trụ trì cho đoàn tụng thời kinh, thầy trụ trì đồng ý. Hòa Thượng liền bảo chúng tôi nói vài lời về lý do của buổi lễ nầy. Tôi chỉ vắn tắt vài lời, cho mọi người biết, đây là tôn ý của Hòa Thượng, chúng ta nên hết lòng cùng với Hòa Thượng và chư tôn đức Tăng Ni, để tụng kinh cầu siêu cho cô Diệu Ngọc. Sau đó, Hòa Thượng và mọi người đều quỳ xuống niệm hương cầu nguyện. Thời kinh tuy ngắn gọn, nhưng hết sức thành kính trang nghiêm. Vì mọi người đem hết tâm tư lắng lòng nhiếp tâm cầu nguyện. Thật là trang trọng!

Sau khóa lễ cầu siêu, mọi người đi chung quanh chùa để tham quan. Được biết, nơi đây, xưa kia có một vị Hàn Quốc (Triều Tiên) tên là Kiều Giác (tiền thân của Bồ Tát Địa Tạng) như đã nói ở trên, đến đây tu hành và Ngài còn lưu lại ba bảo vật: Đôi giày, đôi dép, và cái mão, cả ba thứ đều to lớn. Theo người hướng dẫn cho biết, thì thân hình của ngài rất to lớn, cao 2 mét. Phía sau Bảo điện là Tạng Kinh lầu, nơi để Tạng Kinh từ thời nhà Minh. Cách thờ phượng thiết trí nơi đây, hình thức giống như một số chùa ở Việt Nam. Nghĩa là hai bên: một bên thì thờ Đức Bồ Tát Quán Âm và bên kia là Đức Địa Tạng. Phía bên phải là tượng Bồ tát Văn Thù cỡi con sư tử bằng gỗ rất xinh đẹp, và phía bên trái là Bồ tát Phổ Hiền cởi con voi trắng cao lớn.

Toàn cảnh chùa nơi đây không mấy gì rộng rãi, vì chu vi đất hẹp, vả lại chung quanh có những ngôi nhà của dân chúng ở san sát nối liền nhau, trông rất là chật chội. Do đó, nên cảnh chùa không mấy gì thoáng khí và dĩ nhiên cảnh trí không được đẹp, nhìn cảnh chùa đượm chất thành thị hơn là ở trên núi.

Rời khỏi chùa Hóa Thành, mọi người đến khách sạn để nhận phòng. Nhận phòng xong, đúng 7 giờ tối và sau đó, mọi người dùng cơm cũng ở trong khách sạn nầy.

Dùng cơm xong, số người nào mệt, thì ở khách sạn nghỉ ngơi, còn người nào cảm thấy khỏe khoắn và muốn mua sắm chút đỉnh đồ để làm quà tặng, thì đi bái shop. Nói bái shop, hẳn mọi người nghe hơi lạ tai. Sở dĩ có danh từ nầy, là do chúng tôi đặt ra. Bởi lẽ, trên đường đi, có một số quý vị hay ghé lại hai bên dãy shop ở hai bên đường vào chùa, làm cho chú hướng dẫn phải kêu gọi nhắc nhở hoài. Chú kêu gọi: yêu cầu mọi người phải đi theo cho kịp đoàn. Nhân đó, chúng tôi có làm một bài thơ với tựa đề là: “Bái chùa hay bái shop”, để tặng cho quý vị nào hay thích ghé vào shop để mua sắm và hay gây ra sự trễ nải cho đoàn.

Bái Chùa Hay Bái Shop

Bái chùa bái shop bái nào hay? Khỏi nghĩ chi lâu xin đáp ngay Bái shop bao giờ cho biết chán Bái chùa phước báo hưởng lâu dài

Khuyên ai khôn kiếm vào chùa bái Chớ bái shop hoài sẽ hết tài (tiền) Thăm thẳm đường dài khuyên phải nhớ

Đồ nhiều xách nặng khổ mang thay!

Từ đó về sau, danh từ bái shop được mọi người nhắc đến luôn. Hòa Thượng và quý thầy cũng hay nhắc đến. Cứ mỗi lần đi vào chùa lễ bái, thì thường là hai bên đường vào chùa họ bày biện bán những món hàng mà khách du lịch thường hay ghé mua để làm quà kỷ niệm. Vì vậy cho nên trên đường đi, ít ai không ghé lại ngắm nghía nhìn tới nhìn lui, rồi cò kè trả giá bớt một thêm hai. Do đó, mà thường gây ra sự trở ngại cho đoàn rất nhiều. Nói gì thì nói, đó là cái nghiệp của quý cô, quý bà. Người hướng dẫn có hối thúc cỡ nào, thì quý cô cũng không thể nào bỏ qua cho được. Chân bước đi mà đôi mắt đã gởi trọn vào hai bên shop mất rồi. Thật là những món đồ, nó có một sức hút mãnh liệt còn hơn là nam châm hút sắt nữa. Nghĩa là quý cô đã bị hoa mắt, mỗi khi đi ngang qua chỗ bán hàng. Nói như thế không có nghĩa là Ban tổ chức quá khắc khe trong việc mua sắm. Mà Ban Tổ Chức chỉ lo sợ, thứ nhứt là mất thời giờ rất nhiều trong việc đi tham quan chiêm bái. Vì thời gian đi thì ngắn, mà chỗ chiêm bái thì nhiều. Cho nên Ban Tổ Chức cần phải tranh thủ thời gian để đi cho đúng theo chương trình đã quy định. Thứ hai, vì sợ cho quý vị phải nhọc nhằn trên đường di chuyển khó khăn, cũng như khi trở về vì quá nặng tải, rất là phiền phức. Ban Tổ Chức chỉ lo ngại có hai điều đó thôi.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin mở ngoặc nói thêm: trong khoảng thời gian mấy ngày đầu, nhứt là ngày viếng thăm Thạch Động Vân Cương ở Đại Đồng, mặc dù lúc đó có đi ngang qua dãy shop bán cũng khá nhiều đồ, nhưng mọi người còn tuân hành kỷ luật một cách rất nghiêm chỉnh, không một ai ghé lại mua bất cứ thứ gì, chỉ đến khi ra xe, thì mấy người bán họ mang tới, bấy giờ trên xe cũng có một vài người xuống mua. Nhưng càng về sau, thì máu mua sắm càng nổi lên, nên không ai có thể dừng lại được. Tuy rằng, Hòa Thượng cũng muốn cho đoàn đi có trật tự, nhưng ngài cũng rất thông cảm cho quý bà, quý cô trong việc mua sắm nầy. Lý do là vì khi đi xa về, ít ra ai cũng có một vài món quà nào đó để tặng cho những người thân hay bạn bè của mình. Điều đó, không thể nào không có. Tuy nhiên vì đi trong tập thể, cần phải có sự nhắc nhở, và cần phải tôn trong kỷ luật chung. Vì không phải ai cũng đi mua sắm hết. Muốn tránh cho những người không

thích mua sắm, họ khỏi sanh lòng phiền. Đó là trách nhiệm của Ban tổ chức phải làm như thế thôi. Nếu không có sự nhắc chừng, thì chắc chắn rất phiền phức xảy ra trên đường di chuyển thường xuyên và như thế, thì cũng rất trở ngại cho chương trình thăm viếng, như đã nói rõ ở trên.

Mong quý vị cũng thông cảm cho việc làm của Ban tổ chức. Nhưng phải công tâm thừa nhận, chuyến đi nầy, mọi người đều có một ý thức và tinh thần chung cao độ. Nghĩa là rất tôn trọng việc thức nhắc của Hòa Thượng cũng như những điều luật của đoàn. Nhờ thế, mà kết quả rất tốt đẹp. Hòa Thượng và Ban tổ chức, xin chân thành gởi lời cám ơn toàn thể quý vị trong chuyến đi lịch sử nầy. Bây giờ, chúng tôi xin được trở lại vấn đề trên. Đặc biệt hôm nay, sau khi ăn cơm rồi có chút thời giờ rảnh rỗi, hơn nữa, gần khách sạn có nhiều cửa hàng bày bán nhiều vật phẩm rất hấp dẫn, làm sao mà không đi dạo cho được. Thế là, có một số quý cô và quý thầy, quý chú, trong số đó có tôi. Hôm nay, nhân rảnh rỗi, tôi cũng muốn đi dạo qua một vòng cho biết sự tình ở nơi đây, xem họ chuyên bán những thứ gì. Đã đi, thì ít nhiều gì cũng phải vướng vào mua sắm. Ở đây, họ nói thách giá rất cao. Khách hàng dù trả giá cỡ nào, trước sau gì cũng bị dính chấu. Họ có một cái thuật dương bẫy rất hay, phải nói rất là cao tay ấn trong nghề nghiệp của họ.

Thí dụ họ muốn bán một món hàng là 25 đồng (tiền địa phương) thì họ phải nói giá là 120 đồng chẳng hạn. Thế là người mua không trả quá thấp, sợ coi không được. Họ gày cho mình trả giá nào cũng bị sa lưới của họ. Cho nên có rất nhiều cô chưa biết rõ cái mánh khóe của họ, đa số đều bị vướng bẫy. Khi biết được, bắt đầu có kinh nghiệm, bấy giờ nhìn lại túi tiền, thì chao ôi! Nó đã cao bay xa chạy hết rồi! Thật là khổ khổ!.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người già dặn kinh nghiệm hơn, nên không vội mua liền. Họ phải dọ giá rà soát thật cẩn thận. Tương đối, những người nầy, phải nói họ ít bị sập bẫy. Như hôm nay, tôi đi chung với một vài cô: Diệu Huyền, Nguyên Định, Diệu Hương1, Tâm Hoa, Hạnh Thắng v.v.. Bên cạnh đó còn có quý Thầy quý chú như: Thầy Phước Trí, Phước Lạc. Chú Phước Từ, Huệ Chiếu. Nói về quý thầy quý chú, khỏi phải nói, nghĩa là bị mắc bẫy dài dài. Thí dụ, một món đồ, họ bán 5 đồng, thì họ bán cho quý thầy khoảng 40 đồng. Bởi vì họ biết, quý thầy ít có trả giá cò kè bớt một thêm hai. Do đó, mà họ chém thật ngọt sớt! Như trường hợp Thầy Phước Lạc bị họ chém rất ngon lành.

Đi dạo một lát, mọi người đều trở về khách sạn để nghỉ ngơi. Mọi người an giấc để lấy sức ngày mai tiếp tục cuộc hành trình.

Ngày 18, tức ngày 26/9/04

Thông thường, trưóc khi lấy chìa khóa nhận phòng ngủ, hướng dẫn viên sẽ thông báo cho mọi người biết qua về chương trình hành hương của ngày kế tiếp. Hôm nay cũng thế. Sáng nay, mọi người thức dậy sớm vào lúc 6 giờ. Đúng 6giờ 30, tất cả hành lý đều mang xuống để ở phòng lê tân. Xong rồi, ăn điểm tâm. Đúng 7 giờ, mọi người ra xe để tiếp tục đi chiêm bái một vài nơi khác.

---o0o---

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 141 - 145)