Vạn Lý Trường Thành

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 25 - 27)

Ngày 3, tức ngày 11/9/04

Hôm nay, sau khi ăn điểm tâm ở khách sạn, đoàn ngồi hai chiếc xe buýt để đi thăm Vạn Lý Trường Thành. Đoàn đến nơi khoảng 9 giờ 30 sáng. Xe chạy mất khoảng 1 tiếng rưởi đồng hồ. Thành cách thành phố Bắc Kinh khoảng 80 cây số. Khi chúng tôi đến, nhìn thấy rất nhiều du khách đã có mặt nơi đây. Nhiều đoàn du lịch đến đây từ khắp mọi nơi, nhứt là đối với người Tây phương. Trong số đó, chúng tôi được biết có vài đoàn du lịch đến tham quan từ Việt Nam. Họ đến sớm hơn chúng tôi. Thời tiết hôm nay rất tốt khoảng 25 độ. Cảnh người cười nói xôn xao qua lại, xuống lên tấp nập dập dìu, như hội chợ Tết không khác. Về truyền thuyết của thành nầy, hầu hết mọi người đều biết qua về công trình sáng tạo của nó. Ở đây, chúng tôi chỉ xin được trình bày một cách vắn tắt vài nét về kỳ công thành tích vĩ đại của thành nầy. Thành dài khoảng 5000 cây số và tất cả đều làm bằng sức người. Phần đầu của thành được xây vào thời chiến quốc, khoảng 2500 năm trước đây.

“Theo nhiều tài liệu, thì công trình nầy bắt đầu xây dựng trong khoảng giữa thế kỷ thứ 8 và thứ 5 trước Tây lịch. Đến đời Chiến Quốc (457 - 221) nó được các nhà vua thời đó tiếp tục tu bổ để phòng vệ chống rợ hung nô và các bộ lạc Tây Vực. Trung Quốc được Tần Thủy Hoàng thống nhất năm 221 trước Tây lịch, ông là người cho xây dựng Trường thành trở nên một dãy liền lạc dài trên 5 ngàn cây số. Dưới thời nhà Hán (Khoảng 200 năm trước Tây lịch và năm 200 Tây lịch) Trường thành được phát triển đến 10 ngàn cây số. Trong đời nhà Minh (1368 - 1644 TL) Trường thành được tu bổ thêm và giữ hình thể đó đến ngày hôm nay. Qua thời gian, Trường thành đã hư hại nhiều, nhưng công trình to lớn nầy cho thấy ý chí ghê gớm của các vương triều cũng như công lao đầy mồ hôi và xương máu của người dân Trung Quốc”. 2

Được biết, Trường Thành hiện nay, dài khoảng 6.700 cây số. Nó chạy bao bọc qua các nơi như: Hồ Bắc, Thiên Tân, Bắc Kinh, Sơn Tây, Nội Mông, Ninh Hạ, Thiểm Tây và Cam Túc. Phần đầu của Vạn lý trường thành được Tần Thủy Hoàng xây dựng. Công trình nầy đã huy động đến 500 ngàn nhân công trong khi dân số toàn Trung Quốc lúc bấy giờ khoảng 20 triệu người. Có thể nói nó đã được xây dựng bằng chính xương máu của nhơn dân thời bấy giờ. Phần thứ hai, được xây dựng chống lại giặc Hung Nô. Phần ba được xây dựng bởi khoảng một triệu nhân công. Phải nói đây là một công

trình kiến trúc độc đáo đại quy mô, mà người dân Trung Quốc phải đổ ra không biết bao nhiêu xương máu mới được hoàn thành. Vì lẽ đó, nên năm 1984 chính phủ bắt đầu chương trình bảo vệ với ngân sách tài trợ của nhà nước cũng như các tổ chức nước ngoài để Vạn Lý trường thành khỏi bị phá hủy tiêu mòn bởi thời gian. (Theo tài liệu của Sở Du Lịch trên trang Website)

Khi nhìn thấy quang cảnh nầy, chúng tôi có cảm tác hai bài thơ lưu niệm:

Niềm Đau

Công trình kiến tạo một kỳ quan Nô dịch lao công khổ ngút ngàn! Ngăn giặc Hung Nô tràn chiếm cứ Dân tình khốn khổ lắm than van Người xưa đau khổ, người nay ngắm Nghĩ đến mà thương lệ ướt tràn Văn Vật ngàn năm còn để lại Ngắm nhìn khen ngợi lắm bi tang!

Vịnh Cảnh Trường Thành

Trường thành vạn lý quá dài cao Du khách tham quan cảnh rộn xao Kẻ mệt than chân ngồi nghỉ khỏe Người đau bước mỏi đứng nhìn cao Già nua trọng tuổi lên không nổi Trẻ nhỏ leo lên thở hển hào Cảnh đẹp kỳ quan ai chẳng ngắm

Công trình kiến tạo ngập tràn đau!

---o0o---

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 25 - 27)