Kim Đỉnh Tự

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 83 - 85)

IX. Kê Túc Sơn

01.Kim Đỉnh Tự

Đến Kim Đỉnh, trước Tam Quan Điện, có một sân tráng xi măng cũng khá rộng. Mọi người lên đến đây ai cũng reo lên ôi! sao đẹp quá! khỏe quá! như đang ở trên cảnh Tiên. Vì chung quanh toàn mây là mây, tất cả đều mây trắng bao phủ, đứng xa nhìn nhau không thấy. Khi ẩn, khi hiện, thật là một phong cảnh nên thơ tuyệt mỹ. Mọi người thi nhau nhiếp ảnh lưu niệm. Không ai còn nghĩ đến mệt mỏi nữa. Điện đầu tiên đoàn bước vào là Tam Quan Điện. Trong Điện thờ ba vị: Địa Quan, Thiên Quan và Thủy Quan. Điện thứ hai là Kim Đỉnh Tự. Vẫn theo thường lệ như Hòa Thượng thường làm, cứ đến mỗi nơi già lam Phật Điện, Hòa Thượng đều có hướng dẫn đoàn tụng một thời kinh ngắn. Hôm nay, tuy không có Hòa Thượng, quý thầy xin phép thầy trụ trì ở đây để tụng thời kinh ngắn. Trước khi tụng, tôi đại diện đoàn cúng dường tịnh tài cho thầy trụ trì. Tụng kinh xong, đoàn đi dạo xung quanh, nhìn phía sau điện là một bảo tháp cao. Bảo tháp như đang ẩn mình trong làn sương mù dầy đặc bao phủ.

Tham quan chiêm bái xong, đoàn người trở xuống chỗ cáp treo để đi xuống núi. Cáp treo chỉ đưa mọi người xuống một phần ba đường mà thôi, còn lại hai phần là phải đi bộ. Như đã nói ở trên, một số người lên xuống núi bằng kiệu khiêng, tức là mướn hai chuyến.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin nói sơ qua về việc khiêng kiệu nầy. Kiệu ở đây, nếu so với kiệu ở Ngũ Đài Sơn, thì họ làm đơn giản hơn nhiều. Họ không có trang trí vải sồ màu mè rườm rà gì cả, chỉ một cái ghế vừa đủ một người ngồi ngã lưng. Có hai cây dài ra, rồi họ cột cây ngang 2 đầu. Một người trước một người sau để khiêng. Tôi thấy số người khiêng kiệu như là một nghề nghiệp của họ. Tức là họ chuyên sống về nghề nầy. Người ngồi trên kiệu, nếu là nhỏ con trọng lượng ít ký lô, thì người khiêng thấy đỡ khổ hơn một chút. Ngược lại, nếu là người to béo mập phì, nặng khoảng trên 80

kí lô, thì chao ôi! người khiêng rất mệt nhọc, ì ạch, trông thấy rất là tội nghiệp!

Vẫn biết rằng, đây là nghề nghiệp sinh sống của họ, nhưng trông thấy họ khiêng leo lên từng bước dốc đá, rất là mệt nhọc cực khổ. Thỉnh thoảng, họ phải dừng chân nghỉ mệt để thở. Xong rồi, đi tiếp, cứ từng chập như thế. Như tôi đi bộ, không mang gì theo trong mình, mà còn cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Có thể họ đã quen rồi. Tuy nhiên, dù sao họ cũng vẫn là con người, mà sức người thì đương nhiên có hạn. Dù không hỏi kỹ về việc làm của họ, nhưng tôi đoán định là họ làm như một hợp tác xã. Nghĩa là mọi người cùng khiêng, rồi chia tiền đều ra. Cho nên họ đổi ca nhau mà khiêng.

Có người nói, nếu mình không đi, thì họ không có tiền. Như thế, mình đi cũng là cách giúp họ. Lý luận nầy, không có gì sai trái, hợp lý một trăm phần trăm. Nhưng, với cái nhìn của riêng tôi, thì tôi không nỡ ngồi trên đó để cho họ khiêng mình. Tôi nghĩ, nếu không may, tôi là họ, thì chắc tôi cũng đau khổ lắm! Dù biết rằng, đây là cách kiếm sống. Kiếm sống bằng cách khiêng người nầy, theo tôi, là do nghiệp dĩ đời trước vụng tu, nói rõ hơn, là những người đời trước do tu hành lôi thôi, cứ mãi lo hưởng thụ những tài vật do đàn na tín thí dâng cúng mà không lo tu hành, nên nay phải vương nợ nần đành phải làm cái nghề khiêng kiệu nầy để đền trả nợ trước.

Càng nghĩ đến thương họ chừng nào, thì tôi lại càng lo sợ thương mình nhiều hơn. Dù biết rằng, mình bỏ tiền ra mướn họ. Nhưng nếu chiếu theo luật nhân quả mà nói, thì hôm nay, họ nghèo đói, vì kiếm tiền độ nhựt qua ngày, nên họ phải khiêng mình, rồi biết đâu mai kia mốt nọ, mình hết phước trở lại nghèo đói như họ, họ biết lo tu hành làm phước giàu có hơn mình, bấy giờ mình lại phải khiêng họ lại.

Khi ấy, tôi trực nhớ đến câu chuyện trong Kinh Vị Tằng Hữu diễn tả về việc năm thầy Tỳ kheo khiêng kiệu cho bà hoàng hậu Đề Vi, mà càng phát ớn lạnh ghê sợ hơn nữa. Câu chuyện kể lại: Xưa kia có năm vị Tỳ kheo không thật tu hành, chỉ phô trương khoe khoang giả trá bề ngoài, để mọi người lầm tưởng các vị đó tu hành chơn chánh đua nhau cúng dường. Trong số những vị tín chủ đó, có một người phát tâm cung kính ngày đêm hầu hạ dâng lên những món ngon vật lạ cúng dường. Kết quả, năm vị Tỳ kheo kia, do không thật tu hành, mà thọ dụng của cúng dường nhiều quá, mắc phải cái tội lường gạt của người, nên trải qua nhiều đời thọ khổ, hết khổ địa ngục, rồi đến ngạ quỉ, súc sanh v.v... Cho đến kiếp sau cùng được làm người, nhưng phải chịu cảnh nghèo khổ và phải làm kẻ tôi đòi khiêng kiệu cho bà hoàng

hậu. Ngược laị, còn bà Đề Vi hôm nay được làm hoàng hậu, là do cái phước báu xưa kia bà đã hết lòng cung phụng cúng dường những phẩm vật cho các vị đó thọ dụng, nên nay bà mới được như thế. Câu chuyện Phật kể lại dài dòng, nhưng chúng tôi nhớ lại đại khái như thế. Đây là một bài học thật đáng sợ, một tấm gương đáng ghi nhớ để lòng mà gắng công lo tu niệm.

---o0o---

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 83 - 85)