Kỳ Viên Tự

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 151 - 155)

XVI. Cửu Hoa Sơn

07.Kỳ Viên Tự

Sau đó, đoàn đến thăm Kỳ Viên Tự. Ngôi chùa nầy nằm phía trước mặt tiền của khách sạn Tụ Long Đại Tửu Điếm. Chùa nầy cũng như các ngôi chùa vừa thăm qua, tất cả đều thuộc về huyện Thanh Dương, tỉnh An Huy. Chùa nầy được xây dựng vào đời Minh khoảng năm 1522 - 1566, với tên là Kỳ Thọ Am. Kỳ Viên, vào đời Thanh, trải qua mấy lần trùng tu và xây dựng thêm, nên chùa có quy mô rất lớn, đứng đầu toàn núi Cửu Hoa. Khoảng năm 1796 - 1820, ngài Long Sơn khai đàn truyền giới tại đây, môn phong ngày càng thịnh, trở thành tùng lâm của thập phương.

Sau khi viếng thăm chùa nầy, đoàn trở lại khách sạn để chuẩn bị đi Nam Kinh. Đoàn rời khỏi nơi đây vào lúc 5 giờ chiều. Trên đường đi có ghé lại khách sạn Tân Nam Cảng Đại, nơi đây cũng là nhà hàng để dùng cơm. Ăn xong, đoàn tiếp tục lên đường, lúc đó, là 7giờ 20 tối.

Đến khách sạn Tân Thế Kỷ Đại Tửu Điếm vào lúc 10 giờ tối. Sau khi thu xếp hành lý, mọi người nhận phòng và rồi ngủ nghỉ.

---o0o---

XVII. Nam Kinh

Ngày 19, tức ngày 27/9/04/

Thăm Lăng Tôn Dật Tiên

Sáng nay, trời quang đãng, thời tiết rất tốt. Sau khi ăn điểm tâm, đoàn rời khỏi khách sạn vào lúc 8 giờ 20 để đi thăm lăng nhà cách mạng Tôn Trung Sơn hay Tôn Dật Tiên thuộc thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Trên đường đi, cô hướng dẫn có giới thiệu khái lược về thành phố nầy. Cô nói: Thành phố Nam Kinh là thủ phủ lâu đời của tỉnh Giang Tô. Tổng diện tích là 6.500 km2 và dân số có khoảng 680 vạn người. Để hiểu rõ thêm về

thành phố nầy, theo Hứa Hoành tác giả quyển Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Trung Hoa cho biết như sau: “Nam Kinh là Thủ đô phương nam, nằm phía hữu ngạn Trường Giang, là một trong những thành phố lâu đời nhất của Trung Quốc. Trước Tây lịch 600, Nam Kinh là một trung tâm đồ sắt và đồ đồng, là kinh đô của chúa Đông Ngô thời Tam Quốc, là Thủ đô nhà Nam Tống vào thế kỷ thứ 10, là trung tâm văn hóa Phật giáo sau Trường An.

Đầu thế kỷ 14, Nam Kinh là Yên Kinh, nơi Nguyễn Phi Khanh bị bắt giải về. Năm 1356, Chu Nguyên Chương chiếm Nam Kinh làm kinh đô cho nhà Minh, mãi đến năm 1400 mới dời về Bắc Kinh. Năm 1842 Hiệp Ước Nam Kinh được ký kết trên một chiến hạm đậu trước thành phố nầy, cắt 5 thành phố nhường cho Anh Quốc. Vào năm 1853 Hồng Tú Toàn nổi dậy chiếm 10 tỉnh Nam Hoa, chọn Nam Kinh làm thủ đô, đặt tên nước là Thái Bình Thiên Quốc, nhưng 11 năm sau bị nhà Thanh tiêu diệt. Khi cuộc cách mạng Tân Hợi thành công (1911), Tôn Dật Tiên được bầu làm Tổng Thống Lâm Thời, chọn Nam Kinh làm kinh đô, là nơi quân đội Nhật đã tàn sát hằng trăm nghìn lương dân già trẻ gái trai.

Thời nhà Đường thi hào Lý Bạch và Bạch Cư Dị đến cư ngụ tại Nam Kinh một thời gian. Mặc dầu thành lập rất lâu, Nam Kinh chỉ có hơn 5 triệu dân, chỉ còn những di tích lịch sử đổ nát, hầu như hoang phế, ngoài khu vực lăng tẩm của nhà Minh được giữ gìn, trong đó có lăng tẩm Đại Minh Hồng Võ, người sáng lập Minh triều và lăng Tôn Dật Tiên. Ngoài ra, di tích thời nhà Minh còn sót lại là một bức tường do Đại Minh Hồng Võ xây bằng gạch đất nung từ năm 1366 đến 1386 và phế tích cổ thành thời Đông Hán. Bức tường nầy bao bọc diện tích 41 km, là bức cổ tường thành lớn nhất thế giới, chỗ cao nhất 18m. Ở đây có lầu chuông xây dựng năm 1382, lầu trống xây dựng năm 1388.

Vào năm 1958 các nhà khảo cổ đã tìm ra ngôi cổ mộ của quốc vương xứ Bornero, Banajiana, đến triều cống vua nhà Minh năm 1408, mất tại đó năm 28 tuổi, yêu cầu chôn cất tại Trung Quốc. Nam Kinh còn có đài kỷ niệm thái Giám Trịnh Hòa, người Trung Hoa hải ngoại gọi là đền Ông Bổn (do tước hiệu Bổn Đầu Công) là người chỉ huy 62 chiến hạm, 27000 thủy thủ từ năm 1405 đến 1433 đến Mã Lai, Ấn Độ, Ba Tư, Á Rập, Đông Phi, Hồng Hải, tổng cộng 37 quốc gia, vào khoảng 100 năm trước khi nhà thám hiểm Bồ Đào Nha Vascode Gama đi vòng Hảo Vọng Giác và một thế kỷ trước khi Columus khám phá Mỹ Châu”.

Cô hướng dẫn còn cho biết thêm: Nhà cách mạng lão thành Tôn Trung Sơn, là người lãnh đạo Đảng Quốc Gia. Ông cũng là cha đẻ của Tân Hoa xã, trong thời đại Mãn Thanh. Ông là người chủ trương Tam Dân Chủ Nghĩa. Và ông ta đã thành công trong cuộc cách mạng năm 1911, tức năm Tân Hợi. Nhưng rất tiếc, ông cai trị không lâu, chỉ làm tổng thống được hơn 3 tháng. Kết thúc cuộc đời chánh trị của ông quá ngắn ngủi, nhưng ông là người có công trong việc lật đổ chế độ phong kiến nhà Thanh. Do đó, ông được mọi người dân Trung Quốc rất kính trọng.

Buổi sáng sớm hôm nay, khi đoàn đến đây, chúng tôi thấy đã có rất nhiều du khách vào ra tấp nập. Từ cửa cổng ngoài đi vào lăng của ông, kể ra cũng hơi xa và du khách phải bước lên từng bậc thang đá. Phong cảnh chung quanh rất nên thơ, có nhiều cây che mát và nhiều loại hoa tỏa hương khoe sắc. Lên đến lăng, tôi đi vào bên trong, nhìn thấy có hai bức tượng màu trắng ngà không rõ xây đắp bằng chất liệu gì, Vị thế của hai tượng, một ngồi và một nằm. Du khách đứng chung quanh lăng nhìn xem rất đông.

Nhân cảnh nầy, tôi có làm hai bài thơ lưu niệm:

Trung Sơn Lãm Mộ

Đường vào lăng mộ Tôn Trung Sơn Du khách tới lui tấp nập nhơn Cảnh trí núi đồi phong cảnh tuyệt

Đường lên dốc đá cấp cao hơn Tòa nhà kiến trúc xây kiên cố

Vách núi dựa vào thế kỷ hơn Tượng đá ngồi nằm oai cốt cách

Một nhà lãnh đạo chủ Tam Dân

Rợp bóng tùng che lối cửa vào Dập dìu du khách nối theo nhau

Đá xây từng bậc lên cao thấp Sừng sững dương cao cổng lớn chào

Phong cảnh núi đồi trang mỹ tuyệt Hoa tươi khoe sắc đẹp làm sao Cách mạng Tôn Tiên nêu vạn kỷ

Tri ân vì nước một tâm bào

---o0o---

XVIII. Vô Tích

Vài nét về thành phố Vô Tích.

Rời khỏi lăng Tôn Dật Tiên, đoàn đến nhà hàng Đảnh Sơn Mỹ Thuật Thành để dùng cơm trưa. Ăn xong, đoàn đi bộ ra xe để đi Vô Tích. Vô Tích, theo sử liệu ghi lại, thì tên gọi Vô Tích bắt đầu từ cuối thời Chiến Quốc, khi chiến tranh tàn khốc giữa 7 nước thất hùng tranh nhau đi vào giai đoạn kết. Ban đầu vùng nầy có tên là Tích Sơn. Năm 223 TCN, tướng nước Tần là Vương Tiễn đánh bại quân nước Sở, đi bình định đất đai nước Sở, xuống miền nam, đến núi Tích Sơn. Quân lính đào đất làm bếp, đặt nồi thổi cơm, tìm được cái bia đá, ở trong có khắc 12 chữ rằng:

“Hữu tích: bình, thiên hạ tranh; vô tích: ninh, thiên hạ thanh”.

Nghĩa là:

“Có thiếc thì đánh nhau, thiên hạ loạn; không có thiếc thì yên, thiên hạ thanh bình”.

Vương Tiễn cho đòi cổ nhân đến hỏi, thì biết từ khi vua Bình Vương nhà Chu dời sang đất Lạc (722 TCN), núi ấy sản sinh ra nhiều chì, thiếc nên gọi là Tích Sơn, đã 40 năm nay lấy dùng không hết nhưng gần đây thấy ít dần; tấm bia ấy cũng không biết người nào làm ra. Vương Tiễn than rằng:

Bia nầy lộ ra thiên hạ từ đây được yên ổn. Có lẽ người xưa đã thấy trước được điều nầy, nên chọn bia để báo cho người sau đó chăng! Từ nay nên đặt tên nơi này là Vô Tích ( không có thiếc).

Chỉ hai năm sau, các chư hầu hoàn toàn bị tiêu diệt dưới tay nước Tần. Nhà Tần thành lập, từ đó thiên hạ thống nhất, chấm dứt chiến tranh chia cắt Xuân Thu - Chiến Quốc kéo dài 550 năm trong lịch sử Trung Quốc.

Thành phố Vô Tích tổng diện tích là 4.787,61 km2. Nếu chỉ tính nội thành thì gồm có: 1.659 km2. Về dân số có khoảng 4.471.900 ngàn người và dân số trong nội thành là 2.235.700 ngàn người (2004) Dân tộc chính là người Hán. (Theo tài liệu của Sở Du Lịch đăng trên trang Website)

---o0o---

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 151 - 155)