Khái quát về ý nghĩa tinh tấn.

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 179 - 180)

D. Nhìn li ạ

1/Khái quát về ý nghĩa tinh tấn.

Tinh tấn có nghĩa là tinh chuyên ròng rặt, một mặt tiến tới. Tinh tấn theo chiều hướng thiện, thì chính nó là một động lực thúc đẩy con người tiến đến thành công tốt đẹp. Dù ở bất cứ lãnh vực địa hạt nào, ngoài đời hay trong đạo cũng thế. Một người có siêng năng thì mới chịu khó làm việc. Muốn đạt được kết quả tốt đẹp, mà không chịu nỗ lực siêng năng làm việc hoặc học hỏi, thì chắc chắn người đó sẽ không bao giờ có được. Ở đây, chỉ xin nói đến phạm vi tinh tấn trong lãnh vực tu hành theo công hạnh của Bồ tát mà thôi. Theo Kinh Hoa Nghiêm, tinh tấn là tiêu biểu cho hạnh Bồ Tát Phổ Hiền. Vì thế, người thật hành hạnh tinh tấn, tức là tu theo công hạnh của Bồ Tát Phổ Hiền. Mà hạnh Phổ Hiền, là làm mọi điều lành phổ độ khắp cả chúng sanh. Ở chính mình phải diệt trừ phiền não, ở những kẻ khác phải khắp độ thoát ly. nhờ vậy tâm đồng thể Đại bi muốn độ thoát chúng sanh của ta ngày một tăng tiến. Ấy mới là thắng hạnh của Đức Phổ Hiền.

Người Phật tử tập tu theo công hạnh nầy, trước tiên mỗi người chúng ta cần phải trang bị cho mình một chiếc áo giáp sắt tinh tấn. Khi mặc vào chiếc áo giáp tinh tấn nầy, chúng ta mới có đủ năng lực chiến đấu với bọn

ma quân phiền não : nội ma và ngoại ma. Trên bước đường hành hương chiêm bái những nơi tôn nghiêm của chúng ta, có khác nào chúng ta đang đi đến những nơi Thánh địa, tất nhiên, trên bước hành trình đó, không phải lúc nào chúng ta cũng gặp toàn những chuyện suông sẽ an vui , mà cũng có lúc chúng ta sẽ gặp những chướng ngại từ bên trong lẫn bên ngoài, nhứt là đối với giặc phiền não nội tâm, nếu chúng ta nỗ lực tinh tấn dẹp trừ chúng, thì giặc ngoại cảnh khó có thể tấn công ta được. Cho nên, muốn được mọi việc an ổn, thì mỗi đoàn viên cố gắng khắc phục chính mình và luôn luôn khoan dung hỷ xả kẻ khác. Chúng ta luôn tâm niệm, hằng nhớ đến công hạnh của Bồ tát Phổ Hiền, vì lợi ích rộng độ chúng sanh, không nên vì bản ngã cá nhân mà gây ra đau khổ cho mình và người. Như thế, thì sẽ mất hòa khí an vui trên bước hành trình tiến đến sự an lạc của ta. Thế nhưng, phải tinh tấn như thế nào mới đúng chánh pháp ?

Tinh tấn, cũng như bố thí và trì giới, đều có hai phương diện :

a/ Tinh tấn có chấp tướng. Có người trước mặt mọi người, thì rất tinh tấn, lăng xăng làm việc nầy việc khác, tỏ ra cần mẫn chăm chỉ để được tiếng khen, nhưng khi không có ai dòm ngó, thì lại rất giải đãi. Có người vì sợ người trên la rầy, quở phạt mà tinh tấn; nhưng khi được tự do, không ai kiểm soát thì lại buông lung. Có người tinh tấn với một tâm lý háo thắng, quyết hơn người để tự cao tự đại.

Tinh tấn với một dụng tâm bất chánh như thế, nên nói là tinh tấn chấp tướng, không đúng là tinh tấn Ba la mật.

b/ Tinh tấn không chấp tướng. Tinh tấn không chấp tướng tức là tinh tấn một cách rất chân thành, không vì dục vọng, lợi lạc, tiếng khen… cho riêng mình. Một lòng cương quyết tiến tu để đạt được giác ngộ giải thoát. Với tâm nguyện lợi mình, lợi người đến chỗ viên mãn mới thôi, đó là tâm nguyện quyết tinh tấn làm mọi việc lành mà không dính mắc vào việc làm nào hết, như thế mới thực sự là tinh tấn không chấp tướng.

---o0o---

II/ Thật Hành

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 179 - 180)