Chùa Long Tuyền

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 40 - 42)

III. Ngũ Đài Sơn

02.Chùa Long Tuyền

Chùa Long Tuyền cách khách sạn chúng tôi tạm trú không xa lắm, xe chạy mất khoảng 10 phút. Chùa được xây dựng vào thời đại nhà Tống (960) và đã trải qua nhiều lần trùng tu, nhứt là ở vào hai thời đại Minh, Thanh. Từ dưới lên đến cổng chùa phải đi qua 108 bậc thang, giống như chùa Bồ Tát Đảnh. Con số 108 là tượng trưng cho 108 phiền não. Người nào cố gắng vượt qua được 108 nấc thang nầy, được coi như người đó đã vượt thắng hay tiêu diệt 108 phiền não và đạt được Niết Bàn an lạc. Đây là tượng trưng thôi, chớ kỳ thật đoạn trừ phiền não không phải được dễ dàng như thế. Nếu dễ như thế, thì mọi người đã thành Phật tác Tổ hết rồi. Dù mệt mỏi, nhưng tất cả mọi người đều lên đến nơi.

Cổng chùa kiến trúc theo kiểu Tam quan bằng loại đá Hán ngọc. Người ta chạm khắc rất tinh xảo, gồm có 108 con rồng. Trên cổng có 4 chữ : “Phật quang phổ chiếu”. Bên phải có 4 chữ: “Cộng đăng bỉ ngạn”; bên trái cũng có 4 chữ: “Phó Hội Long Hoa”. Cảnh chùa nằm lưng chừng núi, bốn bên đều bao bọc bởi núi đá, phong cảnh chung quanh rất đẹp. Hai bên chùa chánh có hai dãy nhà ngang đối diện song song nhau. Mỗi bên có khoảng 5 gian, mỗi gian đều được dùng cho mỗi công dụng khác nhau. Chùa hiện đang trùng tu. Húy danh của vị trụ trì ở chùa nầy là Thượng Tọa Bi Minh. Thầy Bi Minh giới thiệu sơ qua một vài chi tiết về lai lịch của ngôi chùa nầy. Thầy cho biết cái tháp ở bên hông chùa là của Hòa Thượng Phổ Tế, vị nầy là thầy của bà Từ Hy Thái Hậu. Tháp nầy có hơn trăm công nhân làm, thời gian sáu năm mới hoàn thành. Toàn tháp đều làm bằng đá Hán ngọc, và điêu khắc thật tỉ mỉ, tinh xảo, đòi hỏi công trình phải thực hiện khá dài lâu. Tháp là một lối kiến trúc có những đường nét sáng rỡ, sắc xảo, trong kho tàng quý giá đặc thù của Phật giáo Ngũ Đài Sơn. Từ thời Bắc Ngụy đến nay, tháp được kiến tạo qua nhiều chất liệu, như: chuyên tháp (tháp xây bằng gạch) mộc tháp (tháp xây bằng gỗ) thạch tháp (tháp xây bằng đá) đồng tháp (đúc

bằng đồng) ngọc tháp v.v… Về hình thể của các ngôi tháp lớn nhỏ, cao thấp không giống nhau.

Ở Ấn Độ thời xưa, người ta xây tháp (phù đồ) bằng gạch, mục đích là để tôn thờ Xá Lợi Phật, nhưng về sau người ta xây tháp bằng nhiều loại. Truy nguyên về nguồn gốc xây tháp, ta thấy trong Luật Thập Tụng 56 có ghi: “Trưởng giả Tu Đạt từng xin tóc và móng tay Phật để xây tháp cúng dường”. Trong Luật Ma Ha Tăng Kỳ 33 cũng có ghi: “Vua Ba Tư Nặc vâng lời Phật dạy, xây dựng tháp Phật Ca Diếp để lễ bái cúng dường”. Sau khi Phật nhập diệt có tám nước như Ba Bà, Nhân già la, La ma già tranh giành xá lợi, được Bà la môn Hương Tánh chia Xá Lợi Phật ra làm tám phần cho tám nước, mỗi nước đều mang xá lợi về xây tháp cúng dường, đây là những ngôi tháp được xây dựng đầu tiên. Ngoài ra, theo A Dục Vương truyện một, Thiện Kiến Luật Tỳ bà Sa một có ghi: “khoảng 200 năm sau khi Phật nhập diệt, vua A Dục nước Ma Kiệt Đà có xây 84.000 ngôi tháp báu ở các nơi trong lãnh thổ. Về kiểu loại tháp, có nhiều lối kiến trúc và tên gọi mỗi tháp khác nhau, như: Tháp Đa Bảo, có nguồn gốc từ tháp Phật Đa Bảo, trong phẩm Hiện Bảo Tháp trong Kinh Pháp Hoa. Tháp Du Kỳ, Tháp Ngũ Luân” v.v…

Những loại kiểu tháp nầy, phần nhiều là các kiểu tháp đặc thù chỉ Nhật Bản mới có. Trong Kinh Vô Lượng Thọ, hạ cho rằng xây tháp tạo tượng là nhân hạnh vãng sanh Tịnh độ. (Tự Điển Phật Học Huệ Quang tập 9 trang 7706) Kinh Thí Dụ nêu 10 quả báo thù thắng của việc tạo tháp như sau:

1. Không sanh nơi biên quốc. 2. Không bị bần cùng khốn khổ. 3. Không thọ thân ngu si, tà kiến. 4. Có thể được làm vua 16 nước lớn. 5. Thọ mạng lâu dài.

6. Được sức mạnh như Kim Cang Na La diên. 7. Được phước đức rộng lớn không ai sánh bằng. 8. Được chư Phật, Bồ tát từ bi thương xót.

9. Đầy đủ Tam minh, Lục thông, Bát giải thoát. 10.Được vãng sanh về tịnh độ.

Trên đây, chúng tôi nêu ra dẫn chứng một số dữ kiện về nguyên ủy của việc xây tháp để tôn thờ Xá Lợi Phật cũng như linh cốt của các bậc Tôn Đức… Bây giờ xin trở lại vấn đề chùa Long Tuyền.

Về Tăng chúng trong chùa, tính chung có khoảng 17 vị, kể cả thầy trụ trì. Đời sống cơm áo, phần lớn là nhờ sự ủng hộ của các phái đoàn hành hương. Ở đây, theo vị trụ trì cho biết, hằng năm có rất nhiều phái đoàn hành hương thường đến đây để tham quan chiêm bái.

Sau khi tham quan xong, đoàn trở về khách sạn dùng cơm tối và ngủ nghỉ.

Ngày 6, tức ngày 14/9/04

Hôm nay, đoàn đã bước sang ngày thứ 6 của chương trình hành hương. Đoàn khởi hành rời khách sạn để đi thăm viếng các ngôi già lam vào lúc 8 giờ sáng. Theo hướng dẫn viên cho biết lịch trình hôm nay phải thăm viếng tất cả là mười chùa. Cần nói thêm, ở núi Ngũ Đài nầy, thời xưa có hơn 300 ngôi chùa. Nay hiện còn khoảng độ hơn 100 ngôi. Diện tích khoảng hơn hai cây số vuông, dân số có khoảng 10 ngàn người. Trước kia, họ sống phần lớn là nhờ hái nấm để bán kiếm tiền độ nhựt qua ngày. Cho nên đời sống của họ rất cực khổ vất vả, thiếu thốn đủ mọi bề. Ngày nay thì có khác, phần nhiều họ sống nhờ vào các phái đoàn hành hương, bằng cách là họ buôn bán.

---o0o---

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 40 - 42)