Ca Diếp Điện

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 85 - 90)

IX. Kê Túc Sơn

02.Ca Diếp Điện

Trên đường trở xuống núi, lúc đó tôi nhìn đồng hồ tay, cũng khoảng ba giờ chiều. Mọi người ai nấy đều lộ vẻ mệt mỏi, vì đi từ sáng sớm cho tới giờ không có ăn gì cả, nên đa số vừa đói bụng lại vừa mệt, nhứt là leo dốc đá núi mau đói bụng lắm. Vì thế, đa số đều muốn xuống núi cho mau để còn kịp giờ trở về Đại Lý nữa. Tuy nhiên, dù đang mệt đói như thế, nhưng đoàn người vẫn không bỏ qua tham quan điện Ca Diếp. Vì nơi đây, theo truyền thuyết, là xưa kia Tổ Ca Diếp có đến đây và Ngài ngồi thiền trên một tảng đá to. Do đó, mọi người muốn đến trông coi cái tảng đá mà Tổ đã ngồi.

Khi vào chùa, có một vị sư hướng dẫn mọi người đi vòng quanh ra phía sau chùa, đến nơi, chúng tôi nhìn thấy một tảng đá thật to khoảng chừng ba mét vuông, vì tảng đá ở ngoài trời nằm dưới tàn cây không có gì che phủ, nên rêu phong đóng dầy, trông rất là xưa. Sau khi xem xong, đoàn người trở ra phía trước sân chùa, chúng tôi thấy có một vài người trong đoàn ở đó. Tôi nghe cô Tâm Quang, một người trong Ban Tổ Chức, đang tức giận nói hơi lớn tiếng với anh hướng dẫn đại diện cho công ty ở Úc. Anh nầy tên là Sam. Anh theo suốt chương trình hành hương của chúng tôi. Hỏi ra mới biết, là cô Tâm Quang muốn đi tham quan chiêm bái hang động của Tổ Ca Diếp.

Theo truyền thuyết cho rằng, Tổ Ca Diếp nhập định ẩn thân nơi đây chờ Ngài Di Lặc hạ sanh truyền trao lại y bát. Do đó, mà cô Tâm Quang muốn đến nơi đây. Cô đã đến đây một hai lần, nhưng chưa lần nào cô đến nơi hang động đó để chiêm bái. Vì thế, nên hôm nay cô quyết tâm đi cho kỳ được, không thể bỏ lỡ cơ hội. Nhưng anh hướng dẫn nầy nói, từ đây đi đến đó phải mất khoảng một tiếng đồng hồ đi bộ. Nghe nói thế, đa số người không ai muốn đi, vì họ quá thắm mệt. Vả lại, ai cũng đói bụng quá rồi. Hơn nữa, những người nầy sợ rằng, Hòa Thượng ở dưới núi chờ đợi lâu, nên họ quyết định trở lại cáp treo để đi xuống núi.

Trong khi đó, thì cô Tâm Quang, Thầy Phước Đạt và Thầy Phước Trí, còn ở trước sân chùa đang bàn thảo với anh hướng dẫn. Cuối cùng, thầy Phước Đạt có điện thoại cho Hòa Thượng biết sự tình như thế. Bấy giờ, Hòa Thượng ra lệnh cho phép đoàn người cứ việc đi tham quan cho thỏa mãn. Hòa Thượng và những người ở lại sẵn sàng chờ đợi. Được lệnh của Hòa Thượng, Thầy Phước Trí xuống nơi trạm cáp treo lặp lại lời Hòa Thượng nói như thế, nhưng mọi người đều nhứt quyết đi xuống núi không ai đi cả. Chỉ có cô Tâm Quang, anh hướng dẫn viên và hai thầy Phước Đạt, Phước Trí đi thôi. Việc đó, làm mất vui giữa cô Tâm Quang và anh hướng dẫn cũng như đoàn người không đi. Tuy nhiên, việc nầy, trước khi về Úc, trong một buổi họp chúng, Hòa Thượng Trưởng Phái Đoàn có nêu ra và Hòa Thượng cũng xin lỗi về việc không vui đã xảy ra.

Chuyến đi nào cũng vậy, người đông, con nhiều cha, mỗi người một ý khác nhau, thì làm sao tránh khỏi những khúc mắc buồn vui trong đó. Dù vậy, phải công tâm mà nói chuyến đi nầy, nhờ đức độ của Hòa Thượng nên mọi việc không có gì khó khăn mà không giải quyết được cả.

Sau khi xuống núi, lúc đó là vào khoảng 4 giờ chiều. Số người ở lại không đi, thì đã ăn cơm trưa rồi, còn số người trở xuống núi ăn trưa mà coi như ăn chiều. Thật tình mà nói, từ ngày đầu bước chân đến xứ Trung Hoa cho đến hôm nay và còn mãi cho đến ngày đoàn trở về Úc, không nói ra, chắc hẳn ai cũng biết thức ăn của Trung Quốc món nào món nấy đều rất đậm nồng tình “Dầu” ăn. Như có lần chúng tôi đã có nói qua. Tất cả đều mướt rượt, không một món nào mà không nhìn thấy dầu, chỉ trừ cơm và cháo.

Thú thật, cứ mỗi lần nghĩ đến nhà hàng ở đây, thì tôi phát run sợ, dù rằng các món ăn họ làm rất trịnh trọng nhiều món. Song có điều, ở cái xứ Cộng Sản nầy, việc ăn chay đối với họ là một điều rất xa lạ. Nên tất cả nhà hàng từ những nhà hàng sang trọng có tầm cỡ, cho đến những nhà hàng kém sang trọng hơn, những món ăn mà họ dọn ra cũng chỉ có một thứ một kiểu giống nhau. Đến đổi mà Thầy Phước Độ hay nói đùa cho vui là “Đảng” đã chỉ thị xuống nhứt trí là như vậy đó. Thường thì khi bước vào bàn, trông thấy phải nói là sang trọng lắm. Đầu tiên, họ để sẵn trên đó gồm có 4 món ăn chơi. Ăn chơi thôi mà còn ăn không vô, thì nói chi đến ăn thiệt. Ăn chơi mà món nào cũng dầu láng mướt cả. Dù rằng, Ban Tổ Chức đã có yêu cầu họ nấu bớt dầu và bớt bột ngọt, nhưng vẫn còn mướt rượt như thế. Như bữa ăn hôm nay ở đây, món nào món nấy không ai muốn gắp cả. Nhứt là Hòa Thượng, dù rất đói, mà không có món ăn nào ngài cảm thấy ăn được. Họ nấu ăn theo kiểu địa phương, nào là rễ cây loại gì đó, tôi không rõ, họ xắt thái

mỏng đem xào. Có thể đối với họ là món ăn sang quý, nhưng đối với mình thì thật là khó nuốt. Tất cả cũng chỉ do tập quán mà thôi.

Có lần tôi hỏi anh Tiêu, (người hướng dẫn viên bên xe tôi) có phải người Hoa khi họ biết ăn là họ đã ăn những món ăn có dầu mướt rượt rồi phải không? Anh ta cười khà và nói: Đúng vậy. Anh còn nói thêm, người Hoa mà thiếu dầu, không thể nào chịu nổi. Thà thiếu vợ hơn là thiếu dầu ăn. Vì dầu là một loại nhu yếu tối cần thiết cho người đầu bếp nấu ăn. Gần như không có dầu là người ta không thể nào nấu ăn được. Đó là nói dầu ăn, còn nước tương thì sao? Nước tương của họ cũng khác hơn nước tương của mình. Nó đen kẹo như dầu hắc và lạt, mùi vị khó ăn. Còn đậu hủ thì đượm mùi hôi khói. Không biết họ bỏ chất gì mà gắp lên miếng nào cũng có mùi hôi khói cả. Thật là khó nuốt. Cũng may, nhờ có những chay xì dầu nhỏ và muối tiêu, do một vài Phật tử mang theo, họ đem đến cúng dường cho Hòa Thượng và quý thầy. Nhờ vậy, nên có nước tương chấm và xịt vào cơm ăn cũng tạm được. Điều đáng khen ngợi là cả đoàn đều ăn chay. Dù thức ăn không mấy hạp khẩu vị, nhưng tất cả đều quyết chí ăn chay không một ai ngã mặn.

Tóm lại, bữa cơm hôm nay ở đây, vì đói bụng mà phải cố nuốt cho qua bữa, chớ thật ra không món nào cảm thấy ăn được cả. Nói thế, là để chúng ta có thêm kinh nghiệm trong vấn đề ăn chay ở xứ nầy.

Còn một việc nữa cũng không kém phần khôi hài buồn cười. Khi đoàn đến Hàng Châu, không biết giữa công ty và nhà hàng họ bàn thảo với nhau sao đó không biết, nhưng khi đoàn đến nơi thì trời đã tối lúc đó khoảng 8 giờ, vào nhà hàng trông thấy rất sang trọng. Trên mỗi bàn, họ đã dọn sẵn một vài món ăn chơi trông thấy cũng khá hấp dẫn. Lúc nầy, bụng vừa đói lại thấy đồ ăn tuy nó có mướt rượt thật, nhưng vì quá đói nên không ai để ý đến việc láng mướt đó nữa. Nhưng than ôi! mọi người mới vô được vài đủa, thì bỗng có người phát hiện la lên: “đồ mặn! đồ mặn!” Thế là, mọi người đành phải ngưng đủa lại. Có người còn nghi ngờ, đang ngon miệng, tại sao lại là đồ mặn, thật hay giả đây? Cứ hỏi người đầu bếp thì biết ngay. Hỏi ra họ cho biết quả thật đó là đồ mặn. Bấy giờ, có người liền ứng khẩu ngâm hai câu thơ trêu đùa cho vui:

Thôi rồi một kiếp đời hoa

Thế là, sau đó, họ bưng ra toàn là đồ chay dã chiến, không món nào ăn được cả. Bởi vì họ chuẩn bị là chuẩn bị đồ mặn, bây giờ vỡ lẽ ra là cả đoàn ăn chay, thì thử hỏi họ chạy đâu cho ra mà có đồ ăn chay liền ngay được. Thế là họ quơ trong tủ lạnh có món gì không phải đồ mặn thì họ mang ra. Ăn cái kiểu nầy, thà nhịn đói còn tốt hơn. Cuối cùng, có người bảo họ, thôi cho mỗi người một gói mì cũng được. Mì gói họ cũng đâu có sẵn. Họ phải chạy đi tiệm kiếm mua. Trong khi đó, một số người vừa mệt lại vừa đói phải ra xe ngồi đợi. Còn lại những người khác, sau khi nhà hàng dọn dẹp hết đồ mặn rồi, thì mọi người chỉ biết nhìn nhau ngó cười cho đỡ đói. Nhìn thấy cảnh nầy, tôi có làm bài thơ kỷ niệm.

Mì Gói

Mỗi người phân phát một bao mì Chờ mãi trên xe chẳng chịu đi

Chẳng hiểu đồ chay sao chẳng book Book toàn đồ mặn biết ăn chi!

Ngồi nhìn cảnh ấy ôi! nghe đói Uể oải nhìn nhau hưởng được gì? Vẫn biết trên đời ai chẳng lỗi Mong rằng khi book nhớ tư duy

Trở lại vấn đề ở Kê Túc Sơn, sau khi dùng cơm xong, những người nầy lần lượt ra xe. Khi ra đến xe, tôi thấy đã có một số người ngồi sẵn trên xe. Lúc đó, là đúng sáu giờ chiều. Không bao lâu, mọi người đều có mặt và lên xe đầy đủ. Nhưng khổ nổi là hai chú tài xế không có mặt. Thế là mọi người phải ngồi chờ. Mãi cho đến 6giờ 30, hai chú tài xế mới đến và rồi chú tài xế bên chiếc xe chúng tôi, đề máy xe rồi chạy đến chỗ bôm bánh xe để bôm. Cứ cà rịch cà tang, cho đến khi xe bắt đầu thực thụ lăn bánh để trở lại Đại Lý, lúc đó là đúng 7giờ tối.

Trước khi đến khách sạn Phượng Hoàng Ôn Tuyền ở Đại Lý, đoàn ghé lại nhà hàng ăn cơm tối. Đến nơi, mọi người để hành lý lớn ở trên xe buýt, chỉ xách những hành lý xách tay mà thôi. Sau khi nhận chìa khóa, mới

biết là xe nhỏ chỡ mọi người đến những tòa nhà khác để ngủ. Chắc chắn đêm nay mọi người sẽ ngủ ngon giấc, vì suốt cả ngày đi quá mệt mỏi.

---o0o---

X Côn Minh

Ngày 12, tức ngày 20/9/04

Chương trình hôm nay phải đi đến Côn Minh, nên sáng nay, mọi người đều phải thức dậy sớm. khoảng 5 giờ sáng, xe nhỏ đến mỗi tòa nhà chở mọi người trở lại khách sạn Phượng Hoàng Ôn Tuyền để chuẩn bị ra sân bay. Vì thời gian quá gấp, nên buổi ăn điểm tâm sáng nay, khách sạn phát cho mỗi người một vài thức ăn cầm tay, như bánh bao, chuối, bôm v.v… để lên xe ăn.

Vài nét về thành phố Côn Minh

Thành phố Côn Minh là thủ phủ của tỉnh Vân Nam, thuộc cao nguyên Vân Quý. Thành phố nằm ở độ cao 1.893m so với mặt nước biển. Nhiệt độ trung bình trong năm là 15 độ C, bốn mùa đều như mùa xuân nên Côn Minh còn có tên là “Xuân Thành” ( tức thành phố mùa xuân). Với lợi thế thiên nhiên, khí hậu và có nhiều công trình kiến trúc cổ kính và hiện đại, Côn Minh đang thu hút khách du lịch khắp thế giới.

Do khí hậu ôn hòa quanh năm nên khắp nơi trong thành phố Côn Minh tràn ngập hoa đủ loại, đủ màu sắc. Hoa trên tường rào các dãy phố, hoa trồng giữa dải phân cách trên đường. Trên hè phố, trong các ô vuông trồng cây lấy bóng mát người ta cũng để các chậu hoa nhỏ, màu sắc rất sặc sỡ. Sản xuất hoa là một ngành chủ chốt của Côn Minh – nơi cung cấp 70% hoa tươi cho Trung Quốc. (Theo tài liệu Vòng Quanh Thế Giới Du Lịch Trung Quốc NXB Thanh Niên, in năm 2003 trang 127 – 128)

Xét về lịch sử kinh tế ở Côn Minh sách sử ghi lại: “Từ thời Hán Tần, miền tây nam đã xuất hiện con đường giao thông quốc tế qua Côn Minh để đi đến các nước phía nam được gọi là “Trục thân độc đạo” là con đường tơ lụa quan trọng ngày xưa, điều đó cho thấy Côn Minh đã có lịch sử phát triển kinh tế xã hội lâu đời”.

Côn Minh còn có nhiều ngôi chùa đẹp nổi tiếng như Viên Thông, Hoa Đình, Kim Điện… Trong các ngôi chùa nầy, chỉ có chùa Kim Điện là lớn

nhứt. Chẳng những lớn nhứt ở Côn Minh thôi mà nó còn lớn nhứt ở Trung Quốc nữa. Ngoài ra, Côn Minh còn có nhiều thắng cảnh du lịch khác như hòn Ngọc, núi Tây Sơn, lầu Đại Quan, suối nước An Minh v.v… Những thắng cảnh nầy đã thu hút nhiều du khách đến đây tham quan.

---o0o---

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 85 - 90)