Tháp Viện Tự

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 44 - 45)

III. Ngũ Đài Sơn

04.Tháp Viện Tự

Sau khi chiêm bái xong, đoàn bước qua ngôi chùa Tháp Viện, còn gọi là Đại Bảo Tháp Viện Tự, một ngôi bảo tháp thật lớn. Tháp nằm phía sau chánh điện. Trong tháp thờ Xá Lợi Phật và tóc Bồ Tát Văn Thù do vua A Dục thiết trí, nhờ đó mà nổi tiếng.

Sử liệu ghi lại: “Vào năm 1407 đời Minh, vua Thành Tổ ban sắc cho quan Thái Giám là Dương Thăng trùng tu đài tháp, bắt đầu xây chùa. Năm 1578, Thái hậu ban sắc lệnh cho Trung Tướng Phạm Giang, Lý Hữu xây dựng lại, tự quán nguy nga tráng lệ đứng đầu Ngũ Đài. Xá Lợi tháp còn gọi là Bạch tháp, cao đến 54.37 mét, chu vi rộng 83 mét”.6

Sau khi chiêm bái ngôi bảo tháp, đoàn bước sang qua chánh điện. Ngoài chánh điện có bức tường cao, trên đó có họa bức tranh tuyệt tác. Bức tranh vẽ hình ảnh vài vị sư ngồi trên chiếc thuyền đang căng bườm chạy lướt sóng, diễn tả cảnh ngày xưa muốn đến Ngũ Đài Sơn chiêm bái, người ta phải trải qua nhiều gian nan khổ cực như thế. Trong khi mọi người dừng lại chăm chú nhìn bức tranh nầy, nhân đó, Hòa Thượng nói, thời xưa những vị hành cước tầm sư học đạo, hay đi chiêm bái ở nơi đây, các ngài phải lặn lội rất khó khăn vất vả, trải qua nhiều gian lao khổ cực lắm mới được tới đây, còn ngày nay, mình tới đây đường đi quá sướng, nào là máy bay, xe hơi, cáp treo…, đâu có khổ cực gì, chỉ có mắc mưa chút thôi, mà mưa thì có áo mưa che phủ rồi. Như vậy, cuộc hành trình của chúng ta ngày nay, so với các ngài khi xưa, thì cực khổ vất vả không bằng một phần mười đối với các ngài. Phương tiện chuyên chở di chuyển và nơi ăn chốn ở bây giờ thật là quá tiện nghi đầy đủ.

Khi vào trong chánh điện, Hòa Thượng và mọi người đảnh lễ Tam Bảo. Điều rất vui và thú vị, là tất cả đều mặc áo mưa màu vàng đảnh lễ, đứng ngoài nhìn vào, trông cũng nghiêm trang đẹp mắt lắm. Trường hợp nầy, thật là hiếm có, không dễ mấy khi nhìn thấy. Tôi cứ ngỡ là những người từ hành tinh khác đến. Lễ Tam Bảo xong, đoàn đi bộ qua chùa Hiển Thông. Vì các chùa ở nơi đây đều nằm cạnh bên nhau, nên đoàn chỉ đi bộ là tới. Người ta thường gọi nơi đây là xóm chùa. Vì chùa nằm trong hẻm quanh co, nên khi từ chùa nầy qua chùa kia, chỉ cần thiếu chú ý một chút không đi sát với đoàn, thì sẽ đi lạc ngay. Trường hợp, như thầy Phước Lạc và chú Huệ Chiếu chẳng hạn, ghé shop mua chút đồ, nên đi lạc, phải vòng vo lâu lắm mới tìm gặp lại đoàn. Trước khi vào chùa Hiển Thông, bên ngoài có một cái cái cổng lớn, trên có 4 chữ: “Ngũ cơ thắng cảnh”.

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 44 - 45)