Sau khi tham quan Vạn lý trường thành, đoàn đi ăn trưa tại nhà hàng Golden Celestial Restaurant vào lúc 2 giờ. Dùng cơm xong, đoàn đi tham quan Ung Hòa Cung, vào lúc 3giờ 20 chiều.
Ung Hòa Cung là nơi du khách tới lui nhộn nhịp đông như hội. Nó là một đền thờ rực rỡ nhứt ở Bắc Kinh. Người ta chú ý nhứt là pho tượng Phật Di Lặc tuyệt đẹp. Được biết, tượng Phật Di Lặc nầy có mối quan hệ sâu xa giữa Trung Quốc và Tây Tạng về ý nghĩa và sự tích. Nhìn vào sự thiết kế thờ phụng, ta thấy nó pha trộn màu sắc chịu ảnh hưởng Phật giáo Tây Tạng khá nhiều. Trong quyển Mùi Hương Trầm, ông Nguyễn Tường Bách có nêu ra vài nét đơn sơ về tiểu sử của cung nầy như sau:“Đây là một cung điện hay một ngôi chùa? Cả hai! Thời nhà Thanh (1662 -1911) có một vị hoàng tử tên là Dận Chân. Năm 1694 Dận Chân cho xây một cung điện. Về sau, năm 1723 Dận Chân lên ngôi thành vua Thế Tôn Ung Chính, dời cung về Tử Cấm thành. Từ đó không ai được vào cung điện cũ mang tên Ung Hòa của hoàng tử Dận Chân nữa. Sau đó, vua Thế Tôn tặng cung Ung Hòa cho Phật giáo Tây Tạng, thời đó được gọi là Lạt ma giáo. Lý do của sự hiến tặng đầy hào phóng đó là lòng nhiệt tâm tôn giáo trộn lẫn với tính toán chánh trị”
Từ cổng ngoài đi vào, du khách phải trải qua thứ tự 5 điện: Điện Di Lặc, Điện Ung Hòa, Điện Tam Thế Phật, Điện Vĩnh Hưu, Điện Pháp Luân. Ở điện Pháp Luân thờ tượng đại sư Tông Khách Ba ( Tsongkhapa 1357- 1419) ông là người cải cách Phật giáo Tây Tạng ở vào thế kỷ thứ 14, và cũng là Thầy dạy của các vị Đạt lai lạt ma. Cuối cùng là Vạn Phúc Các, thờ tôn tượng Di Lặc cao 18 mét, bằng gỗ trầm hương.
Cảm khái quang cảnh nơi đây, chúng tôi có ghi lại bài thơ:
Ung Hòa Cảm Tác
Đoàn đến tham quan cảnh Thánh Hòa Dập dìu du khách tới vào ra
Cổng lớn Tam Quan biển Ung Hòa Điện Báu bên trong thờ Thánh tượng Dược Sư, Giáo Chủ, Phật Di Đà Thành tâm chiêm bái đồng qui hướng Bát Nhã hòa quang dứt lụy sa
---o0o---
II. Đại Đồng
Sau khi thăm viếng Cung Ung Hòa, đoàn đến nhà hàng gần Thiên An Môn ăn cơm để chuẩn bị tối đi Đại Đồng. Vì tới nhà hàng còn sớm, nên đoàn đến quảng trường Thiên An Môn để chụp vài bôi hình kỷ niệm. Chúng tôi nghe danh Thiên An Môn đã lâu, nay mới có dịp chứng kiến tận mắt. Quảng trường rất rộng lớn. Có thể nói quảng trường nầy rộng lớn nhứt thế giới, dung chứa khoảng 1 triệu người. Đưa mắt nhìn chung quanh, chúng tôi thấy, phía đông là Đài Kỷ Niệm Mao Trạch Đông. Nghe nói, nơi đây cũng còn là nơi bảo tồn tài liệu cách mạng Cộng Sản và thi hài họ Mao. Phía Tây là Đại Sảnh Nhân Dân, tức tòa nhà Quốc Hội có thể dung chứa khoảng 10 ngàn người vừa ăn ở và có chỗ hội họp. Phía trước Thiên An Môn, trong khu vực Hoàng Thành có Đàn Tế Trời (Temple of Heaven) xây dựng cách đây khoảng 500 năm, kiến trúc độc đáo, nhà hình trụ, mái tròn trên một nền cao 3 từng, bằng đá cẩm thạch, bên trong có cột.
Trong khi quan sát cảnh trí chung quanh Thiên An Môn, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi và thán phục phong trào nổi dậy đấu tranh của sinh viên vào khoảng tháng 5 năm 1989. Họ là những con người đầy can trường, anh dũng dám hiên ngang đứng lên để đối kháng đòi hỏi tự do dân chủ trước một bạo quyền cai trị của tập đoàn Cộng Sản Trung Quốc. Trong cuộc chạm trán đụng độ nầy, theo báo chí loan tin thời đó cho biết, số người bị thiệt mạng khoảng 800 và tổng số bị thương có hơn 10.000 người. Quả nơi đây là một quảng trường đẩm máu có biết bao người đã hy sinh một cách vô tội, chỉ vì cái tội đòi quyền sống tự do dân chủ. Trong niềm hoài cảm thán phục và tiếc thương đó, chúng tôi chỉ biết thành tâm thầm cầu nguyện cho những hương linh quá cố đã bỏ mình vì lý tưởng Tự Do nơi đây, sớm được tiêu diêu nơi miền lạc cảnh.
Trước Thiên An Môn là Đại Lộ Trường An. Nơi đây, du khách tới lui dập dìu đông đúc. Khi đoàn đứng chụp chung những bôi hình kỷ niệm, thiên hạ bu quanh xem thật đông. Có lẽ, lần đầu tiên, họ rất đổi ngạc nhiên khi nhìn thấy chư Tăng Ni và Phật tử đông đảo ở đây. Chụp hình xong, đoàn vội vả trở lại nhà hàng Cung Đình Ngự Thiện để dùng cơm. Dùng cơm xong, mọi người ngồi xe buýt ra ga xe lửa Bắc Kinh để đi Đại Đồng.
Chúng tôi ra đến ga xe lửa vào lúc 7giờ 30 tối, để chuẩn bị đi chuyến xe lửa lúc 8 giờ. Tuy nhiên, khi đến nơi, hướng dẫn viên cho biết, vì lý do kỹ thuật, xe lửa đến trễ nên đoàn phải ngồi chờ đợi ở nhà ga hơn 2 tiếng đồng hồ. Đoàn bắt đầu lên xe lửa vào lúc 10 giờ tối. Suốt đêm trên xe lửa, người nào dễ ngủ, thì họa may còn ngủ được, ngược lại, những ai khó ngủ, thì phải thức suốt đêm. Dù vậy, mọi người vẫn khỏe mạnh. Đó cũng là điều đáng mừng. Điều rất tiếc, là đoàn đi xe lửa ban đêm, nên không nhìn thấy được cảnh trí hai bên mênh mông của đất nước nầy. Chúng tôi đến Đại Đồng vào lúc 6 giờ sáng. Vừa tới nhà ga Đại Đồng, thì các hướng dẫn viên đã có mặt tại đây và các vị đó hướng dẫn chúng tôi lên 2 chiếc xe buýt đã chực sẵn để đưa chúng tôi về khách sạn Đại Đồng. Đại Đồng là một thị trấn, thuộc tỉnh Sơn Tây. Tổng diện tích là 6 ngàn cây số vuông, dân số có khoảng 1 triệu ba trăm ngàn người.
Đại Đồng cách thành phố Bắc Kinh khoảng 350 km về hướng tây và được bao bọc bởi Vạn lý trường thành. Theo sử liệu, nơi đây xưa kia khoảng thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, là trung tâm Phật giáo Bành Thành. Đây là một trong ba trung tâm nổi tiếng của Phật giáo: “Bành Thành, Lạc Dương và Luy Lâu”. Hai trung tâm Bành Thành và Lạc Dương là của Phật Giáo Trung Quốc, nhưng trung tâm “Luy Lâu” đặc biệt lại là của Phật giáo Việt Nam. Theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của giáo sư Nguyễn Lang, thì ông cho rằng, trung tâm Luy Lâu có trước hai trung tâm Bành Thành và Lạc Dương. Vấn đề nầy, xin được miễn bàn thêm, vì không phải trong phạm vi nghiên cứu ở đây. Đặc sản ở nơi đây chủ yếu là ngành kỹ nghệ sản xuất than đá.
---o0o---
01.Thạch Động Vân Cương
Sau khi ăn sáng, chúng tôi đi tham quan Thạch Động Vân Cương. Từ khách sạn đến Thạch động xe chạy khoảng 15 phút. Đến nơi, chúng tôi xuống xe đi bộ vào Thạch động. Trên đường vào Thạch động, phải đi ngang qua một dãy phố nhỏ, họ bày bán một số hàng lặt vặt để cho khách du lịch mua làm quà kỷ niệm. Kỷ luật của đoàn rất nghiêm khắc, cấm tuyệt đối không một ai đang đi mà dừng lại mua đồ. Nhờ thế, mà đoàn đi rất trang nghiêm và trật tự. Trước khi vào bên trong động, đoàn dừng lại trước tảng đá thật to, trên đó có khắc 4 chữ lớn là “Thạch Động Vân Cương”, để chụp bôi hình lưu niệm. Vị trí của Thạch Động nầy tọa lạc dưới chân núi Vũ Châu, thuộc thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây. Thạch động nầy được xem là một di sản văn hóa thế giới và cũng là một di tích Phật giáo lớn nhất, đẹp nhất, lâu đời nhất có từ thời Bắc Ngụy (439 STL).
Chụp hình xong, mọi người đến trước bảng chỉ dẫn để nghe hướng dẫn viên giải thích về bản đồ toàn động. Sau đó, mọi người đi vào bên trong lần lượt xem qua các động. Nơi đây, có tất cả là 53 hang động lớn nhỏ. Trong mỗi động đều có đục khám thờ Phật. Đây là tiêu biểu cho chuyên ngành nghệ thuật điêu khắc Phật giáo ở vào thời đại Nam Bắc Triều. Tất cả các động nầy được khởi công thực hiện vào thời đại Bắc Ngụy có ước khoảng 51.000 bản điêu khắc trên đá và đã được hoàn tất cũng vào thời đại nầy (460 - 494) . Đây là một công trình vĩ đại, một kỳ công tuyệt tác của ngành nghệ thuật điêu khắc thời xưa. Mọi người vào đây, ai nấy đều tham quan ngắm nghía một cách rất say mê thích thú, như lạc vào mê hồn trận. Những tượng Phật đục khắc bằng đá, thật rất công phu tinh xảo. Khi chúng tôi tới đây, đã có rất nhiều phái đoàn du lịch đến trước, người người qua lại tới lui tấp nập thật đông đảo như một ngày Hội lớn.
Nói về Thạch động nầy, theo sử liệu ghi lại: “Trong động có đục khám thờ Phật, Tháp. Động nầy và động Long Môn tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Phật giáo thời Nam Bắc triều. Vào thời Bắc Ngụy (420 TL) vua Thái Vũ Đế hủy Phật, tạo ác nghiệp, là nguyên do khiến Ngài Đàm Diệu đến thuyết phục vua Văn Thành Đế tạo năm tượng Phật lớn trong động đá Đại Đồng để sám hối, truy điệu và cúng dường 4 vị Tiên Đế, đồng thời cũng là bằng chứng để đời sau ghi nhớ công đức vua. Vào năm 460 bắt đầu khởi cung, đến niên hiệu Thái Hòa thứ 17 (493 TL) khi dời đô về Lạc Dương, công trình vẫn chưa hoàn thành.
Về kiến trúc, các động đều khác nhau. Phật Bổn Tôn được thờ chính giữa trong ngôi song tháp, trên vách và phía lầu gác đều có khám thờ Phật và 4 tôn tượng chư Phật, Bồ tát.
Dưới chân núi Vũ Chu có một đoạn đường rất hẹp, dài khoảng 2km có 42 động đá, đều có đục các tượng đá cao khoảng 5 đến 6 mét, phần nhiều làm theo dạng thức Kiền đà la và Cấp đa, Ấn Độ. Về sau trải qua nhiều thời đại, dần dần trở thành kiểu dáng Trung Quốc. Trong đó, từ động thứ 16 đến 20, bên trong là hình bầu dục, rất quy mô hùng vĩ. Các động: Lăng, Giá, Kỳ, Tha và Đại Đồng được suy đoán là 5 động có sớm nhất”.3
Một tài liệu khác nói về lịch sử của hang Thạch động nầy xin được ghi lại nguyên văn như sau:
“Hang bắt đầu được đục khắc vào năm thứ hai Hưng An thời Bắc Ngụy (năm 453), hoàn thành vào năm 494, trước khi triều đình Bắc Ngụy dời đô đến Lạc Dương.
Công trình tạc tượng kéo dài cho mãi đến giữa những năm Chính Quan (từ năm 520 đến năm 523) mới hoàn thành. Hang đá đục tạc theo sườn núi dài khoảng ? km từ đông sang tây, nội dung phong phú, khí thế hoành tráng, pho tượng cao nhất 17m, tượng nhỏ nhất chỉ vài cm. Các pho tượng Bồ tát, lực sĩ, Phi thiên, rất sinh động và hoạt bát. Hang đá Vân Cương cùng với hang Mạc Cao Đôn Hoàng tỉnh Cam Túc và Hang Đá Long Môn tỉnh Hà Nam được coi là ba hang đá lớn Trung Quốc, là một trong những kho tàng nghệ thuật khắc đá quý giá nổi tiếng trên thế giới.
Trong hang hiện còn lại 45 động chính, 252 khám động lớn nhỏ, 51.000 pho tượng đá. Đường nét điêu khắc trên thân cột tháp rất tinh xảo và tỉ mỉ, đã kế thừa tinh hoa nghệ thuật hiện thực của thời nhà Tần và thời nhà Hán (221 TCN – 220)”.
Đoàn người cứ theo hướng dẫn viên xem hết hang động nầy tới hang động khác. Có khi hai động dính liền nhau, không có khoảng cách. Thạch động tuy nhiều, chạy dài khoảng một cây số từ đông sang tây, nhưng những động còn có thể tham quan thích thú được, khoảng chừng 20 động là cùng. Công trình điêu khắc nghệ thuật nầy, xuất phát từ tấm lòng sám hối của Văn Thành Đế, vì các vị Tiên Đế mà tạo thành. Tuy nhiên, nếu không có những bàn tay nghệ nhân điêu luyện tinh xảo, thì làm gì thành tựu được những tác phẩm nghệ thuật trác tuyệt vượt thời gian như thế nầy. Đây cũng là một thành tích đánh giá cao độ của một tấm lòng sùng mộ Phật giáo qua hiện tướng vật thể để đời cho hậu thế, bằng chứng là ngày nay mọi người đến tham quan chiêm bái một cách rất sùng tín ngưỡng mộ. Có lẽ, mọi người chú ý nhứt là động số 3, vì động nầy có tượng Phật và hai vị Bồ Tát lớn nhứt. Kế
tiếp là động số 5 với bức tượng thật lớn cao 17 mét. Động số 6, có một cột đá cao 6 mét, trong đó, trình bày về cuộc đời của đức Phật. Động thứ 17 có tượng Phật Di Lặc với tư thế ngồi Kiết Già và nụ cười hoan hỷ thật tươi . Cuối cùng là động thứ 20, trong động có tượng Phật Thích Ca, cao 13 mét 7, trông thật trang nghiêm đẹp mắt.
Chúng tôi chỉ xin nêu ra một vài động đại khái nổi bật qua cái nhìn của chúng tôi. Ngoài ra, còn biết bao động khác cũng có những tượng Phật qua nghệ thuật điêu khắc kỳ công tuyệt hảo. Tùy theo trình độ nghệ thuật qua cái nhìn thẩm mỹ của mỗi người mà có những đánh giá dị biệt. Tuy nhiên dù nhìn qua góc độ khía cạnh nào, theo tôi, cũng không thể phủ nhận được một công trình sáng tạo nghệ thuật thẩm mỹ tuyệt vời của người xưa. Đối với tôi, động nào cũng tuyệt đẹp cả. Có thể mượn câu thơ của Cụ Tiên Điền Nguyễn Du diễn tả trong truyện Kiều rằng: “Mỗi động một vẻ, mười phân vẹn mười”.
Trong khi xem qua từng hang động một, chúng tôi có nhã hứng cảm tác một bài thơ để lưu niệm. Dù rằng, chúng tôi không phải là một thi sĩ, nhưng vì quá cảm xúc mà đánh bạo để dệt vài dòng thơ kỷ niệm cho vui. Cần nói rõ để quý độc giả thông cảm, tất cả những bài thơ mà chúng tôi sáng tác trong tập sách nhỏ nầy, chúng tôi chỉ có hai mục đích chính: Một, sáng tác để đọc lên cho đoàn nghe vui, gọi là cống hiến mua vui cho mọi người trong lúc mệt mỏi. Hai, để ghi lại cho dễ nhớ những nơi đã đến. Ngoài hai ý nầy ra, tuyệt nhiên, chúng tôi không có ý gì khác. Mong rằng, khi quý độc giả xem qua, nếu thấy có chỗ nào sai sót về hình thức lẫn nội dung, xin quý vị vui lòng bỏ qua và chỉ giáo cho. Người viết xin hết lòng tri ân đa tạ.
Vân Cương Cảm Niệm
Vân Cương Thạch Động mấy ngàn năm Đá đục tạc hình nổi tiếng tăm
Mỗi động bên trong nhiều Phật tượng Không đồng lớn nhỏ mấy thiên trăm Khen ai khéo tạo kỳ công tích
Ai nấy xem qua đều thích thú
Hết lòng quy ngưỡng tận thâm tâm.
Tham quan xong, chúng tôi rời nơi đây vào lúc 12 giờ 30 đến nhà hàng Cửu Long Tửu Gia để dùng cơm trưa. Nhà hàng nầy gần Thạch động, chỉ mất khoảng 10 phút lái xe.
Sau khi dùng cơm, đoàn trở về khách sạn nghỉ ngơi, vì khách sạn ở gần nhà hàng. Vả lại, khi sáng, chúng tôi đến khách sạn còn quá sớm, nên khách sạn không có đủ phòng để cung ứng cho chúng tôi. Họ bảo sau 12 giờ trưa, du khách trả phòng lại, khách sạn mới có phòng trống cho chúng tôi vào. Vì vậy, Hòa Thượng Trưởng Phái Đoàn quyết định phải trở về khách sạn, trước là để chia phòng và sau cho mọi người nghỉ ngơi một chút cho khỏe để chiều lại đi thăm chùa Hoa Nghiêm và Cửu Long Bích.
---o0o---