Bích Sơn Tự

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 47 - 51)

III. Ngũ Đài Sơn

09.Bích Sơn Tự

Tham quan và lễ bái ở đây xong, đoàn đến chiêm bái chùa Bích Sơn, nói đủ là: “Hộ Quốc Bích Sơn Thập Phương Phổ Tế Thiền Tự”. Vừa bước vào cửa là gặp ngay điện thờ tượng Phật Di Lặc thật to và phía sau Ngài Di Lặc là đức Hộ Pháp. Về tượng Phật Di Lặc, thì mọi người đều biết qua. Người ta tạc tượng Ngài để tôn thờ, tất cả đều mang một ý nghĩa sâu sắc. Thân hình Ngài ngồi mập mạp, bụng phệ, miệng thì cười toe toét, với một gương mặt, ai nhìn vào cũng thấy Ngài rất hoan hỷ. Có tượng, người ta còn cụ thể hóa ra có sáu đứa con nít, cỡi trên thân hình Ngài. Đứa thì móc mắt, đứa thì móc tai, đứa thì chọc tay vô miệng v.v… Đó cũng là một biểu trưng rất lý thú. Sáu đứa con nít là tượng trưng cho sáu căn: mắt, tai, mũi lưỡi, thân và ý của mỗi người chúng ta.

Khi còn là phàm phu như chúng ta, thì sáu căn nầy, cũng chính là sáu giặc. Hằng ngày, chúng ta bị chúng nó khuấy nhiễu luôn luôn, không lúc nào yên cả. Vì sao? Vì tâm ta luôn bị dính mắc với sáu trần, rồi theo đó mà tạo nghiệp bất thiện. Đã có tạo nghiệp bất thiện, tất nhiên là phải có thọ khổ. Bởi thế, lòng ta luôn luôn bất an. Lý do bất an, vì ta thiếu tu hạnh hỷ xả như Ngài. Cái gì cũng bám víu chấp chặt cả. Như thế, thì thử hỏi làm sao tâm ta an vui như Ngài được? Muốn có được một niềm vui an ổn thoải mái như Ngài, thì ta nên tập tu theo hạnh hỷ xả của Ngài. Cho nên, mỗi khi chúng ta đảnh lễ Ngài phải nhớ đến hạnh tu của Ngài. Từ đó, ta cố gắng áp dụng vào đời sống hằng ngày. Có thế, thì việc đảnh lễ Ngài mới thực sự có lợi ích. Cho nên hôm nay mọi người chiêm ngưỡng hình tượng Ngài, ai nấy đều cảm thấy có một niềm vui mát dịu trong lòng.

Đức Di Lặc ngồi trơ bụng đá Bao bụi trần bám đã rồi rơi Mặc cho thế sự đầy vơi

Dững dưng như một nụ cười an nhiên.

Còn tượng Hộ Pháp mà ta nhìn thấy, xem tướng mạo của Ngài thấy có vẻ hung tợn dữ dằn, chắc là ta sanh nghi. Tại sao trong chùa mà thờ tượng dữ dằn như thế? Làm sao ta dám đảnh lễ Ngài? Xin thưa, đó cũng là một tượng mang ý nghĩa tượng trưng. Tên của vị Hộ Pháp nầy, là Vi Đà. Xin đừng lầm lẫn đức Phật Di Đà. Vi Đà, tiếng Phạn là Skanda, Pali: Khanda. Ngài nầy có rất nhiều tên gọi khác nhau. Người ta hay gọi là Vi Đà Thiên Tướng. Theo Kinh điển ghi lại, Ngài vốn là vị thần của Bà la môn giáo, cũng vốn là vị chiến thần, có sáu đầu mười hai tay, tay cầm cung tên, cỡi chim khổng tước.

“Việc sùng bái vị thần nầy đầu tiên lưu hành ở Nam Ấn Độ, sau thế kỷ V truyền đến Bắc Ấn Độ, được Phật giáo Đại Thừa tiếp thu và biến thành vị thần giữ gìn già lam (chùa), là 1 trong 8 vị tướng quân của trời Tăng Trưởng ở phương Nam, đứng đầu 32 vị tướng quân dưới Tứ thiên vương. Vị thần nầy sanh ra đã thông minh, sớm lìa ngũ dục thế gian, tu phạm hạnh đồng chơn thanh tịnh, được đức Phật phó chúc trấn giữ 3 châu: Đông thắng thần châu, Tây ngưu hóa châu và Nam thiệm bộ châu. Tương truyền, khi đức Phật Niết bàn thì Tốc Tật quỷ đã trộm lấy một chiếc răng Phật, Vi đà thiên bèn cấp tốc đuổi theo lấy lại. Về hình tượng nầy, Vi đà thiên thân mặc kim giáp, đầu đội mũ trụ, 2 tay nâng thanh kiếm báu. Hầu hết các chùa ở Trung Quốc, kể từ sau khi Luật sư Đạo Tuyên thời sơ Đường cảm được hình tượng Vi đà thiên thì già lam ở các nơi đều có lập tượng để thờ”. 8

Vào bên trong, thì có Tỳ Hộ Điện. Điện nầy còn gọi là Lôi Âm Bảo Điện. Chùa đã trùng tu vào năm thứ 18, đời Thanh, Khang Hy. Tổng diện tích là 25.3, chiều sâu 18.7. Chùa có nhiều gian nhà hai bên. Trong Điện có tấm biển 4 chữ: “Hương Lâm Ngọc Minh”, do vua Càn Long sắc tặng. Ở hai bên có hai vị đứng hầu: Đại Phạm Thiên Vương và Đế Thích Thiên Vương. Đa số các chùa ở đây đều có điện Tứ thiên vương. Tứ thiên vương là ai? Người đời quen gọi là Tứ Đại Kim Cang, cũng gọi là Hộ Quốc Thiên Vương. Trong Kinh nói, bốn vị nầy ở bốn nơi lưng chừng núi Tu Di. Thuộc về một trong 6 cõi trời dục, nghĩa là: Tứ thiên vương, Đao lợi thiên, Dạ ma thiên, Đâu suất thiên, Hóa lạc thiên và Tha hóa tự tại thiên. Mỗi vị nầy trấn ở

mỗi phương cai trị. Ở phương Đông thì có Thiên Vương Đa La Đà (Trì Quốc Chủ). Ở phương Nam, thì có Tỳ Lưu Ly (Tăng Trường Chủ). Ở phương Tây, thì có Tỳ Lưu Bạt (Quảng Mục Chủ). Ở phương Bắc, thì có Thiên Vương Tỳ Sa Môn (Đa Văn Chủ).

Những vị nầy tay cầm pháp khí phát nguyện ủng hộ chốn già lam, tồi tà phụ chánh, khác với các vị thần thường mà nhơn gian thường hay thờ cúng. Chùa là nơi tôn nghiêm thanh tịnh, nên các vị Hộ Pháp đã phát nguyện bảo vệ. Nếu kẻ nào ngang tàng phá phách, thì sẽ bị các Ngài trừng phạt. Điều nầy là chuyện có thật chớ không phải là đe dọa. Đối với chư Phật, Bồ tát thì các Ngài đầy lòng từ bi, dù ai đó có ác tâm muốn phá hoại chùa chiền, các Ngài cũng vẫn thương xót tìm phương hóa độ họ, cho họ hồi tâm tỉnh thức mà cải tà quy chánh. Ngược lại, đối với các vị Hộ Pháp, các Ngài không có từ bi như thế. Kẻ nào chọc đến oai phong các Ngài, khi các Ngài nổi trận lôi đình, thì kẻ đó khó hòng thoát khỏi sự trừng phạt của các Ngài.

Năm đã lâu, một buổi tối, sau giờ tụng kinh, tôi nấu nước pha trà cho thầy tôi, xong rồi, thầy tôi bảo tôi và một vài huynh đệ ngồi xuống, để nghe thầy tôi kể một câu chuyện về những kẻ ngang tàng phá phách chùa chiền hủy hoại tượng Phật bị Hộ Pháp nổi giận trừng phạt họ. Thầy tôi sợ chúng tôi nghi ngờ câu chuyện hoang đường, nên thầy nhấn mạnh đây là câu chuyện có thật. Câu chuyện là: “Huyện trưởng Họ Vương hủy tượng Phật, thần Hộ Pháp nổi cơn lôi đình”. Đây là câu chuyện xảy ra ở Trung Quốc. Sau khi uống xong chung trà nóng, thầy tôi rót tiếp một chung khác, vừa rót vừa kể cho chúng tôi nghe.

Thầy nói: Vào khoảng năm Chính Đức Triều Minh, có một ông Quan huyện họ Vương ở huyện Giang Âm, ông là một con người tánh tình nóng nảy thô bạo. Do tánh ngang bướng, nên ông không bao giờ tin tưởng trời Phật. Một hôm, có chuyện ông bèn ra lệnh triệu tập các quan viên dưới quyền ông đến để bàn việc, nhưng không ai đến cả. Ông hậm hực bực tức lắm. Lý do, các vị nầy không đến, là vì hôm đó ở chùa Quán Âm gần đấy, người ta có tổ chức Pháp hội Quán Âm. Mọi người đến dự rất đông. Tin đồn là ở trong chùa đó, có một bức Tượng Quán Âm bằng gỗ trầm hương linh thiêng lắm. Bởi cớ đó, nên các ông quan viên chức nầy muốn biết sự linh thiêng như thế nào, nên cùng nhau kéo đến để xem.

Chuyện đó tới tai ông Huyện, ông bèn nổi xung thiên lên, liền đi đến chùa phá phách đốt tượng Phật, Bồ Tát. Vì ông ỷ vào quyền lực, nên hành

động tàn bạo như vậy. Mọi người nhìn thấy ông nổi giận hành hung như cọp dữ, không một ai dám thốt ra lời. Họ nhìn thấy rất đau lòng! Thế rồi, thời gian trôi qua không lâu, cách vài hôm sau, ông đang làm việc tại công sở của ông, bỗng nhiên ông thấy ngực ông đau nhói, rất là khó chịu. Ông rên la rất là thảm thiết. Ông đấm vào ngực, nhào lăn lộn, người ta đem thuốc gì cho ông uống cũng đều vô hiệu quả. Không cách nào làm giảm được cơn đau của ông. Các thầy thuốc giỏi cũng đều bó tay. Bấy giờ, ông trực nhớ lại hành động của mình do đốt phá tượng Phật Quán Âm mà nay phải bị trừng phạt như thế. Ông bèn sai người nhà đi thỉnh một vị cao tăng đến làm lễ để ông xin ăn năn sám hối. Thầy đó giải thích: ông đã chọc giận các vị Hộ Pháp rồi, nên các Ngài muốn cho ông biết cái quả báo hiện tiền đó thôi! Từ đó, bệnh ông càng ngày càng nặng thêm, dù ông đã hết lòng chạy chữa. Không bao lâu ông nhắm mắt lìa đời trong một cơn bệnh hoành hành ác liệt.

Kể đến đây, trông gương mặt thầy tôi lộ vẻ đăm chiêu rất buồn! Thầy buồn, vì trên đời sao có kẻ lòng dạ quá hiểm độc hung ác, làm tôi mọi cho tham sân si, vì một giây phút nóng giận không kềm chế được, mà kết quả phải lãnh lấy một cái quả báo quá đau thương khổ sở như thế! Đây là do các vị Hộ Pháp trừng phạt kẻ ác. Thầy tôi ngừng lại trong giây phút, từ từ hớp một hớp trà rồi nhìn thẳng vào mặt chúng tôi nói tiếp: “Ở đời có lắm kẻ ngang bướng chẳng biết trời Phật là gì, cho nên họ làm càng không sợ tội lỗi, đến khi trả quả, dù họ có ăn năn cải hối thì cũng đã muộn màng rồi. Cho nên trong kinh thường nói: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả” là vậy. Thầy tôi còn dạy thêm: “Ở trong chùa mấy chú phải cẩn thận. Phật, Bồ Tát thì thương mấy chú rồi đó, nhưng đối với các vị Long Thần Hộ Pháp, các Ngài không nể nang thương xót các chú đâu. Nếu như các chú làm những điều sái quấy xằn bậy tổn hại đến ngôi già lam, thì các chú sẽ bị các Ngài trừng phạt. Chừng đó đừng có than van trách móc. Các chú phải hết sức cẩn trọng. Vì đó là nhiệm vụ của các Ngài”. Lời kể chuyện và nhắc nhở của thầy tôi năm nào, giờ đây như đã hiện rõ trong tâm trí tôi. Nhớ lại câu chuyện xưa, tôi nghĩ đến, sở dĩ đạo pháp được trường tồn mãi trên thế gian nầy, phần lớn cũng nhờ các Ngài Hộ Pháp luôn luôn ủng hộ.

Trở lại ngôi chùa Bích Sơn, nhìn lên trên trần của điện thấy toàn là những tấm gỗ từng miếng lớn ráp lại, trong mỗi tấm gỗ đều có chạm những hình con rồng và con phụng, trông rất sắc xảo tuyệt đẹp. Không phải chỉ riêng chùa nầy mà đại đa số các ngôi chùa ở núi Ngũ Đài Sơn, trên trần của các ngôi Bảo Điện đều là như thế.

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 47 - 51)