Quốc Thanh Tự

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 132 - 136)

XIII. Phổ Đà Sơn

02.Quốc Thanh Tự

Chùa Quốc Thanh nằm ở chân núi phía nam ngọn Phật lũng, thuộc núi Thiên Thai, miền Bắc huyện Thiên Thai, tỉnh Chiết Giang. Đây là nơi phát tích Tông Thiên Thai.

“Năm 596, Tùy Dạng Đế đã xây cất chùa nầy cho Đại Sư Trí Khải. Lúc đầu, Thiền sư Định Quang ở ngọn núi nầy, đã có lần nói với hàng đệ tử rằng: “Chẳng bao lâu sẽ có bậc đại thiện tri thức thống lãnh đồ chúng đến ở núi nầy”. Sau đó, quả nhiên, có ngài Trí Khải đến đây hoằng truyền giáo pháp, Tổ muốn xây chùa ở phía nam ngọn Phật lũng, ý định chưa thực hiện thì Tổ thị tịch. Tấn Vương Dương Quảng vô cùng thương tiếc, nên mới vì Tổ mà thiết đại lễ cúng dường một ngàn vị tăng và xây cất thêm nhiều điện đường.

Sư Định Quang từng tiên liệu 3 nước “Bắc Chu, Bắc Tề, Trần” hợp lại làm một, người nhiều thế lực có thể xây dựng chùa nầy, nếu chùa được xây cất xong thì trong nước được thanh bình, nên đặt tên chùa là Quốc Thanh. Năm 605 đời Tùy, vua ban cho chùa tấm biển Quốc Thanh Tự.

Chẳng bao lâu có ngài Quán Đảnh đến ở chùa nầy. Về sau, chùa trở thành đạo tràng chính của Tông Thiên Thai.

Từ năm 785 về sau, các tăng sinh Nhật Bản du học đến chùa nầy rất nhiều, như các vị Tối Trừng, Nghĩa Chân, Viên Tái, Viên Trân, Thành Tâm, Tuấn Nhưng, Trọng Nguyên, Vinh Tây… các vị nầy đều đến đảnh lễ tháp thờ Tổ Trí Khải, hoặc có vị làm Phật sự, hoặc có vị đem Kinh Luận và tượng Phật về nước, nhờ đó mà Tông Thiên Thai của Phật giáo Nhật Bản được mở mang.

Theo Viên Nhân Nhập Đường cầu pháp Tuần Lễ Hành ký 1, chùa nầy thường có 150 vị tăng thường trụ, mùa an cư có đến trên 300 vị, do đó chúng ta có thể thấy được sự hưng thịnh của Phật giáo thời bấy giờ.

Khoảng năm 841- 846 đời Đường Vũ Tông, chùa bị binh lửa làm hư hoại. Năm 851, chùa được trùng tu. Năm 1005, đời Tống, chùa được đổi tên là Cảnh Đức Quốc Thanh Tự. Về sau lại gặp binh lửa, sách của các vua 3 triều, mấy trăm quyển mất hết, chỉ còn Liên Kinh của Tổ Trí Khải và Tây Vực Bối Diệp Kinh 1 quyển, tượng Phật bằng gỗ chiên đàn đời Tùy và Răng Phật.

Năm 1128 đời Nam Tống, vua ban sắc lệnh trùng tu, chùa được sửa lại đẹp gấp bội phần so với ngày xưa. Năm 1130, vua hạ chiếu đổi Giáo thành Thiền, từ đó về sau, chùa Quốc Thanh trở thành Thiền Tự.

Sau nầy trải qua nhiều lần xây cất thêm, chùa được xem là một trong tứ tuyệt của thiên hạ từ xưa đến nay, 2 bên chùa có 5 ngọn núi (Bát Trụ, Linh Cầm, Tường Vân, Linh Chi và Ánh Hà) Bao vòng xung quanh chùa, phía trước có 2 dòng suối chảy vòng hợp lại, chùa có cây cầu tên Phong can, tương truyền vào đời Đường đây là nơi mà Thiền sư Phong Can dạo chơi với các ngài Hàn san, Thập Đắc. Lại do nhân duyên của Thiền sư Phong can với chùa nầy mà có thể biết rằng tuy sau đời Tống chùa mới đổi thành Thiền Tự, nhưng chùa đã sớm được Thiền hóa từ đầu đời Đường.

Ngày nay các Tăng đường hoàn bị, trước chùa có ngôi tháp gạch 9 tầng, tương truyền, tháp nầy do vua Tùy Dạng Đế sai Tư Mã Vương Hoằng kiến tạo để thờ ngài Trí Khải, tháp cao khoảng 7 mét, mặt phẳng 6 góc, quy mô rộng lớn, đường nét tháp hiện còn, như được xây cất lại từ đời Tống. Bảo vật được cất giữ trong chùa có tháp Xá Lợi bằng đồng do Ngô Việt Vương Tiền Hoàng Thục tạo, đó là một trong 8 vạn 4 ngàn tháp, là vật đã đào được trong khu vực chùa nầy, cao 19cm, dưới phần cuối tháp bên trong có khắc chữ.

Cảnh chùa có 2 nơi di tích của ngài Nhất Hạnh (673 - 727) Ngài Nhất Hạnh là vị cao Tăng đời Đường, là nhà thiên văn học nổi tiếng từng hiệu đính Đại Diễn Lịch.

Người đời sau lập mộ xây bia sau tháp Thất Phật ở trước chùa, trên bia đề tháp của Thiền sư Nhất Hạnh đời Đường.

Lại truyền rằng khi ngài Nhất Hạnh đến đây, núi Bắc mưa lớn, giòng suối chảy mạnh ở núi Đông trước chùa, rót vào khe núi phía Tây. Nay, bên cầu Phong Can có 1 bia đá vuông, trên đó ghi 7 chữ Nhất Hạnh Đáo Thử Thủy Tây lưu”. 17

Khi Hòa Thượng và mọi người vào trong Chánh Điện, tôi nhìn đồng hồ tay lúc đó đúng 3 giờ chiều. Sau khi đảnh lễ Tam Bảo, Hòa Thượng hỏi một thầy về chỗ thờ của Tổ trí Khải. Vị thầy đó hướng dẫn đi đến nơi điện thờ. Vào điện thờ, nhìn lên bàn thờ, chúng tôi nhìn thấy chính giữa điện là thờ pháp tướng của Tổ Trí Khải. Trên bàn thờ Tổ, còn có nhiều vị đệ tử đắc pháp cũng được thờ chung những long vị trên đó. Sau khi đảnh lễ Tổ, Hòa Thượng nói sơ lược về nguyên ủy và sự truyền thừa của Tông Thiên Thai.

Hòa Thượng nói: Tông Thiên Thai là một Tông phái lớn của Phật giáo Trung Quốc, do Tổ Trí Khải khai sáng. Quốc Thanh là trụ sở chính hay Tổ đình của Tông phái nầy. Ngài Trí Khải vốn thờ Ngài Nam Nhạc Huệ Tư làm thầy, tu tập pháp Tam chủng chỉ quán, ngài Huệ Tư từng thọ học yếu chỉ “Nhất tâm tam trí” với ngài Huệ Văn đời Bắc Tề. Còn về sự truyền thừa của Tông phái nầy đại khái như sau: Học trò của Tổ Trí Khải rất đông, đệ tử đắc pháp có 32 vị. Trong đó, ngài Quán Đảnh là người rất có khả năng vượt trội hơn hết và được kế vị làm Tổ thứ 2. Từ ngài Quán Đảnh truyền xuống ngài Trí Uy là Tổ thứ 3, thứ 4 là ngài Huệ Uy, thứ 5 là ngài Huyền Lãng, thứ 6 là ngài Trạm Nhiên. Đến ngài Trạm Nhiên thì Tông Thiên Thai càng được mở rộng thêm và những vị đệ tử xuất sắc của sư gồm có các vị: Đạo Thúy, Hành Mãn, Nguyên Hạo, Đạo Xiêm, Minh Khoáng... Mãi về sau cứ tiếp nối truyền thừa cho đến ngài Đế Nhàn. Ngài Đế Nhàn truyền xuống mang chữ Hiển, sau chữ Hiển truyền xuống chữ Liễu, sau chữ Liễu truyền xuống chữ Đạt và sau Đạt truyền xuống chữ Tắc…

Song song với bàn thờ Tổ có thờ hai pháp tướng của hai vị đệ tử của Tổ, một vị húy danh là Chương An và một vị là Hành Mãn. Đặc biệt trên trán của ngài Chương An có hình hoa sen nổi lên.

Chiêm bái xong nơi đây, đoàn đi bộ trở lại khách sạn để theo dõi tin tức cô Diệu Ngọc. Theo chương trình, thì buổi chiều nay, đoàn sẽ tới Hàng Châu để đi xem Hồ Tây. Nhưng vì cô Diệu Ngọc lâm trọng bệnh, đang điều trị tại bệnh viện, nên Hòa Thượng hủy bỏ không đi tham quan Hồ Tây. Tất cả đều ở lại nơi đây. Không nói ra, hẳn ai cũng có thể đoán biết, nỗi lòng của mọi người và khung cảnh nơi đây như thế nào rồi. Khách sạn vẫn sinh hoạt bình thường. Nhưng tất cả mọi người trong đoàn, mỗi người ngồi một nơi trong thầm lặng, hoặc có khi vài ba người ngồi gần bên nhau, khác hơn mọi khi, không ai nói năng đùa giỡn gì nhau cả. Một sự im lặng trong nỗi niềm ưu tư lo lắng cho một người bạn đồng hành của mình. Trong không khí trầm lặng đó, tôi nhìn qua những khuôn mặt, mới hồi sáng nầy mọi người vẫn còn vui đùa chuyện trò bên nhau thật là vui vẻ, nhưng bây giờ, thì cũng những gương mặt đó mà nhìn thấy đã đổi khác quá nhiều. Ai nấy đều lộ vẻ đăm chiêu, nhìn về hướng bệnh viện như đang sốt ruột nóng lòng trông đợi từng giây phút về tin của cô Diệu Ngọc.

Dù ai cũng biết đời là vô thường, không một ai có thể biết trước được những gì sẽ xảy ra cho chính mình. Biết thế, nhưng trong tình cảnh nầy, không một ai mà không đau lòng. Người xưa nói: “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”. Loài thú vật còn biết chia sẻ niềm đau với nhau như thế, hà tất

gì là loài người, nhứt lại là người con Phật đang đi chung một tuyến đường, một hành trình hướng về cõi Phật. Họ muốn có những phút giây lặng lẽ âm thầm để cầu nguyện, để chia sẻ phần nào với bạn mình. Đoán biết được phần nào tâm trạng của họ, nên khi đi ngang qua mỗi người, tôi cũng vẫn lặng lẽ âm thầm không nói với ai một lời. Thật là chưa có một buổi chiều nào buồn bã ảm đạm thê lương như buổi chiều hôm nay. Và suốt trong những ngày qua, tôi cũng chưa từng thấy trên gương mặt của ai mà lộ vẻ buồn rầu như bây giờ.

Có chứng kiến cảnh nầy, tôi mới nhận ra được thế nào là tình bạn khi cùng chung cảnh ngộ. Trong khi đó, Hòa Thượng cùng quý thầy trong Ban Tổ Chức họp nhau bên trong khách sạn. Mục đích là để tìm cách giúp phần nào về vấn đề tài chánh cho cô Diệu Ngọc trị bệnh. Thật là một thâm tình không phải có tiền bạc nhiều mà mua được. Khi ghi lại những dòng chữ nầy, tôi thật vô cùng khâm phục những người bạn thân thương quý kính của chuyến hành hương nầy.

---o0o---

XV. Hàng Châu

Đoàn dừng lại nơi đây chờ tin tức cô Diệu Ngọc cũng khá lâu, đến gần 6 giờ chiều, Hòa Thượng cho biết chuẩn bị đi Hàng Châu. Được tin đó, mọi người đều lên 2 chiếc xe buýt lớn, và trước khi đi Hàng Châu, xe chạy ngang bệnh viện của cô Diệu Ngọc đang nằm điều trị, xe ngừng lại, Hòa Thượng và quý thầy trong Ban Tổ Chức vào bệnh viện thăm cô Diệu Ngọc và đưa một số tiền cho đạo hữu Minh Hiền tạm mượn khi cần đến. (Khi chúng tôi đọc và coi lại bài viết nầy, thì Hòa Thượng có cho tôi biết là số tiền mà Ban Tổ Chức cho đạo hữu Minh Hiền tạm mượn, sau khi về Úc, đạo hữu đã hoàn lại rồi).

Đoàn dừng lại nơi đây chờ đợi cũng khoảng hơn nửa giờ. Sau đó, đạo hữu Minh Hiền có ra xe lấy ít đồ hành lý cần thiết và cám ơn mọi người về sự quan tâm hết lòng lo lắng giúp đỡ cho cô Diệu Ngọc. Nhân đó, mọi người có hỏi thăm về tình trạng sức khỏe của cô Diệu Ngọc thế nào. Minh Hiền cho biết, hiện giờ cô đã có phần nào tỉnh lại và tình trạng cũng chưa được khả quan lắm. Sau khi từ giả cám ơn mọi người xong, Minh hiền trở vào bệnh viện và khi ấy Hòa Thượng cùng quý thầy cũng đang trở ra xe. Thế là, xe bắt đầu lăn bánh đến Hàng Châu.

Hàng Châu xưa kia, trước Tây Lịch có tên là Tiền Đường, là tên của một con sông chảy qua Hàng Châu. Vào thời nhà Tùy, khoảng 589, thành phố nầy mới có tên là Hàng Châu. Được biết, thành phố nầy là nơi phồn vinh nhứt trải qua nhiều triều đại, nhứt là thời nhà Tống. Thành phố nầy cũng có nhiều thắng cảnh thơ mộng, như Hồ Tây với ngọn Cô Sơn, rộng gần 6 cây số vuông. Rất tiếc, nơi nầy, đoàn không có đến tham quan, như đã nói rõ lý do ở trên. Hơn nữa, vì thời gian thăm viếng nơi nầy quá ngắn, chỉ có một buổi tối thôi, thì thử hỏi làm sao biết được những gì ở nơi đây. Dù nghe nói thành phố nầy có nhiều cảnh đẹp, nhưng đoàn đã thiếu duyên. Xin hẹn lại một dịp khác, đủ duyên sẽ trở lại viếng thăm thành phố có nhiều cảnh đẹp thơ mộng nầy. Thôi! Xin Tạm biệt giả từ nàng công chúa Hàng Châu!

---o0o---

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 132 - 136)