7. Cấu trúc của luận văn
3.1.2.3. Vốn sống, vốn hiểu biết
Vốn sống, vốn hiểu biết hay nói cách khác là kinh nghiệm sống, “là những hiểu biết do tiếp xúc với thực tế, do từng trải, do tiếp thu ở người khác mà có được. Cũng có thể hiểu đó là những tâm trạng, tư tưởng về một vấn đề nào đó trong xã hội” (Nghiên cứu văn học - Tạp chí nghiên cứu lí luận, phê bình và lịch sử văn học - 3/2010). Vốn sống, vốn hiểu biết do bản thân cá nhân mỗi người tự tích lũy, tự trang bị cho mình; cũng có thể vì những nguyên nhân nào đó mà con người phải trải nghiệm nhiều, đi nhiều. Vốn sống, vốn hiểu biết càng phong phú thì cá nhân đó càng tự khẳng định được mình và dễ dàng thành công hơn trong cuộc sống.
Bêlinxki từng phát biểu: “Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”, hay một tác giả khác cũng từng cho rằng “Thơ từ cuộc đời mà nở hoa, sau đó trở về cuộc đời mà kết trái”. Thật vậy, thơ nói riêng, văn chương nói chung là tiếng nói về cuộc đời và với cuộc đời. Và chính nhà văn là học trò của cuộc đời như Đặng Thai Mai đã từng nói: “Điều quan trọng của những nhà văn vĩ đại ấy là cuộc sống, trường đại học chân chính của thiên tài. Họ đã biết đời sống xã hội của thời đại, đã sâu sắc cảm thấy mọi nỗi đau đớn của con người trong thời đại, đã rung động tận đáy tâm hồn với những nỗi đau, bực bội, tủi hổ và những ước mong tha thiết nhất của loài người. Đó chính là cái hơi thở sự sống của những tác phẩm vĩ đại”. Đã là nhà văn thì anh phải đi nhiều, trải nghiệm nhiều; biết những điều người khác không biết, hoặc người khác biết một anh phải hiểu mười. Và muốn là một nhà văn có phong cách thì yếu tố này cần thiết hơn bao giờ hết. Lẽ tất nhiên một phong cách nghệ thuật sẽ rất độc đáo và đặc sắc nếu phong cách ấy nói đúng về cuộc đời
và nói hay về cuộc đời và nói có ý nghĩa với cuộc đời. Chính vốn sống, vốn hiểu biết không chỉ làm sâu sắc và phong phú về nội dung trong sáng tác của nhà văn, mà còn giúp nhà văn có được phương tiện nghệ thuật hiệu quả để truyền đạt những vấn đề tác giả muốn nói. Văn học bản thân nó là tổng hòa của tất cả các mặt trong đời sống xã hội, vì thế nhà văn càng có nhiều kinh nghiệm thực tế, am hiểu về nhiều lĩnh vực và biết vận dụng vào sáng tác của mình thì càng thành công. Người đọc chắc hẳn sẽ rất ngưỡng mộ trước một phong cách uyên bác của những trang văn giàu kiến thức thực tế với những am hiểu đa lĩnh vực. Và bạn đọc sẽ đọng mãi những dòng kí ức về chiến tranh, về những tháng ngày khói lửa đạn bom của những cây bút từng xông pha trận tuyến; cảm giác bồi hồi, như cháy ruột, lòng đầy băn khoăn, như thắc mắc muốn biết vì sao nhà văn viết đúng, viết thật như thế….Thực tế, những nhà văn lớn đều là những người có vốn sống, vốn hiểu biết sâu sắc. Mác đã từng nói Bandắc là một người “hiểu biết sâu sắc kỳ lạ những quan hệ thực tế”, Lênin nói L. Tônxtôi “hiểu biết một cách tuyệt diệu nước Nga nông thôn, đời sống của địa chủ và nông dân”,…
Từ xưa, ông bà ta đã đúc kết: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, càng đi càng trưởng thành hơn. Và đối với nhà văn, đi và trải nghiệm là công việc vô cùng cần thiết. Đi, để có cảm hứng viết, đi để có chất liệu sáng tạo, đi để trang văn sâu sắc hơn, hay hơn. Thật vậy, các bậc thầy của văn chương thế giới đều là những người đi rất nhiều: “Huy Gô đi du lịch Tây Ban Nha, Xécvantéc đã sống bảy năm ở Italia, Bairơn cũng đi Hy Lạp và nhiều nơi khác, Sê - Khôp đã thực hiện một chuyến gian khổ, vượt qua Xibêri đến tận đảo Xakhalin, Gorki đã đi hầu hết khắp nước Nga…”. Song, ngoài việc đi, có một cách khác rất hiệu quả để tăng vốn sống, vốn hiểu biết là đọc. Phạm Phú Thứ cho rằng: “Không đọc hết muôn cuốn sách…không thể đạt đến chỗ sâu rộng để cho văn thơ làm ra có thể lưu truyền đời sau”, hay Nguyễn Tư Giản khẳng định: “Đọc nát vạn cuốn sách, cảm thấy như có thần ở bên mình, thì thể cách văn sẽ lớn lao và đúng đắn”. Quả thật, sách là kho tàng tri thức vô tận mà loài người đã tích lũy được. Nhà văn phải biết quý trọng và tận dụng tài sản quý báu ấy để làm giàu thêm vốn sống, vốn hiểu biết của mình. Trong Tôi đã
học tập như thế nào, M. Gorki đã nói rất hay: “Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên tôi tách khỏi con thú để lên tới gần con người…”. Nhà văn là người viết về cuộc đời và trong cuộc đời ấy, còn gì hơn là tiếng nói với con người. Chính việc đọc sách giúp nhà văn càng hiểu về đời, về người… và tiếng nói với con người chắc hẳn càng sâu sắc, chân thật và ý nghĩa hơn. Đó là những điều cần thiết của một nhà văn có phong cách.
Ngoài ra, việc trải nghiệm qua những nghề khác nhau giúp cho nhà văn học hỏi những kinh nghiệm quý báu cho nghề văn của mình. Thật vậy, Hải Thượng Lãn Ông, Lỗ Tấn,… đã vận dụng con mắt của một thầy thuốc vào nghệ thuật và biến chúng thành những trang văn thật ý nghĩa, sâu sắc.
Điều đặc biệt, nhà văn phải “tham gia trực tiếp vào công cuộc đấutranh cải tạo xã hội”. Nhà văn không đứng bên lề cuộc sống mà nhìn, mà ngắm, họ phải thâm nhập vào từng thay đổi, từng diễn biến hàng ngày của dân tộc, của cộng đồng. Giống như Phạm Văn Đồng từng nói: “Người làm văn học nghệ thuật phải sống cuộc chiến đấu, sống sự nghiệp cách mạng của dân tộc”.
Việc hiểu biết những tri thức văn hóa khác cũng vô cùng quan trọng đối với mỗi nhà văn. Lỗ Tấn nói: “Chỉ chuyên xem sách văn học cũng không tốt lắm. Các bạn nhà văn thanh niên trước đây thường ghét môn toán, lý, hóa, sử, địa, sinh vật, cho rằng những môn ấy chả đâu vào đâu. Về sau thậm chí đến những tri thức thông thường cũng không có. Do đó, tất nhiên khi đi sâu vào nghiên cứu văn học sẽ không sáng rõ, rồi bản thân cũng hồ đồ nốt”. Những tri thức văn hóa sẽ làm những trang văn hoàn thiện hơn, sâu sắc hơn, văn học vốn dĩ là nghệ thuật tổng hòa của các bộ môn khoa học khác.
Điều quan trọng là nhà văn phải có vốn hiểu biết đặc thù nghề nghiệp. Đã làm bất cứ nghề gì thì những kiến thức thuộc chuyên môn nghề nghiệp có vai trò to lớn đối với sự thành công. Sáng tác văn học thì phải biết được những vấn đề của văn chương, của sáng tạo. Nào là đặc trưng văn học, vai trò của nhà văn với cuộc đời, mối quan hệ giữa nhà văn - độc giả, sáng tác một bài thơ, một truyện ngắn, một tiểu thuyết thì phải dựa những nguyên tắc gì, những thủ pháp, những nghệ thuật xây
dựng để tác phẩm hay, hấp dẫn…Vô vàn kiến thức về nghề nghiệp mà nhà văn phải tự tích lũy, tự học hỏi.
Vốn sống, vốn hiểu biết như một minh chứng cho một nghệ sĩ thực thụ. Đó là một yếu tố không thể thiếu cho người nghệ sĩ ngôn từ có phong cách [40; tr.21 - 23].
Vốn sống – vốn hiểu biết góp một phần quan trọng trong việc hình thành các biểu tượng nghệ thuật trong thơ Xuân Quỳnh. Nói tới vốn sống, vốn hiểu biết của Xuân Quỳnh, như trên đã đề cập, chúng ta phải kể đến những ngày ấu thơ Xuân Quỳnh được sống với bà nội với vùng đất sinh ra là làng La Khê, xã Văn Khê, thị xã Hà Đông (nay thuộc quận Hà Đông, Hà Nội), chính những gắn bó với vùng quê bồi đắp cho Xuân Quỳnh tình yêu quê nhà và những hiểu biết về thiên nhiên . Điều đó giải thích vì sao trong sáng tác của Xuân Quỳnh có các biểu tượng ngọn lửa, tiếng, hoa - cỏ dại,... Ngoài ra tình cảm vun đắp từ người bà, sự thiếu hụt tình thương của mẹ từ thuở nhỏ đã giúp Xuân Quỳnh các biết quý trọng tình thương gia đình, ruột thịt hơn. Hơn nữa, là diễn viên múa, được tham gia biểu diễn ở nước ngoài và dự Đại hội thanh niên sinh viên thế giới tại Áo, Xuân Quỳnh hấp thụ những hiểu biết về nghệ thuật và tình yêu đối với nghệ thuật. Điều đó mở đường cho việc chị trở thành nhà thơ dễ dàng hơn. Đặc biệt là học viên của trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ khóa đầu tiên của Hội Nhà văn, biên tập viên báo Văn nghệ, Nhà xuất Tác phẩm mới, thành viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam,… Xuân Quỳnh có dịp đọc, tìm hiểu, nghiên cứu tiếp xúc với các sáng tác nghệ thuật. Hơn nữa, những tác phẩm được chị kiểm duyệt, biên tập là nguồn tư liệu phong phú để chỉ mở mang tầm nhìn, chính kiến của mình về nghệ thuật. Đồng thời, là người chồng đầu tiên và người chồng thứ hai của Xuân Quỳnh cũng là những người làm nghệ thuật, Xuân Quỳnh chắc hẳn ảnh hưởng ít nhiều. Tiếp xúc trong một môi trường nghệ thuật từ nhỏ đến lớn, từ đồng nghiệp đến người thân là môi trường tốt nhất cho hồn thơ Xuân Quỳnh tỏa sáng. Học tập và rèn luyện từ môi trường trong nước và nước ngoài (Áo, Đức, Matxcova) tạo cho Xuân Quỳnh tư duy nhạy bén, sắc sảo như vậy. Bên cạnh đó, khoảng thời gian đặt dấu chân tình nguyện
trên khắp nẻo quê hương Việt Nam, những tháng ngày lửa đạn cùng gắn bó trong tình đồng chí, quân dân,…càng khắc sâu tình yêu quê hương, đất nước cho Xuân Quỳnh. Những địa danh đi qua, Xuân Quỳnh ghi lại dấu ấn và cảm xúc bằng những vần thơ. Đó là Đà Nẵng (Ngũ Hành Sơn), biển Diêm Điền, Vĩnh Giang, Lĩnh Nam, Thôn Đào, Thượng Thanh, Phố Huế, Hải Phòng, Bảo Ninh, ……và dĩ nhiên không thể thiếu Hà Nội. Tất cả đều là cảnh thật, người thật, cảm xúc thật. Biểu tượng thuyền - biển, sóng - gió (nước) cũng từ đó mà hình thành.