Để Văn phòng khu vực miền Bắc nói riêng, Tổng công ty hàng không Việt Nam nói chung có thể thực hiện và phát huy được các giải pháp Marketing một cách hữu hiệu và thành công nhất, nâng cao được năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì không thể không có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, cụ thể:
a. Tăng cường hợp tác và thu hút đầu tư của Nhật Bản
Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho ngành hàng không thông qua việc tăng cường hợp tác bằng các hiệp định song phương, đa phương của Chính phủ với các nước, trong đó có Nhật Bản. Nhà nước cần duy trì và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Nhật Bản, hợp tác không chỉ về về kinh tế, mà còn về văn hóa xã hội. Nhà nước cần có những chính sách mở cửa hợp lý nhằm thu hút Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, khuyến kích nguồn vốn ODA cũng như đầu tư trực tiếp FDI từ Nhật Bản. Những chính sách này của Nhà nước sẽ giúp tăng lượng khách Nhật bản đi lại giữa hai nước Nhật Bản-Việt Nam, và đây là cơ hội tốt cho ngành hàng không phát triển, trong đó có Vietnam Airlines.
b. Chính sách bảo hộ hãng hàng không trong nước của Nhà nước
So với các hãng hàng không lớn trong khu vực, năng lực cạnh tranh của Vietnam Airlines còn yếu. Chính vì vậy, trước mắt Nhà nước cần có chính sách bảo hộ hãng hàng không quốc gia với các nội dung sau:
Bảo hộ đối với thị trường hàng không quốc tế: Thể hiện ở việc giới hạn số lượng hãng hàng không được chỉ định khai thác; xác định mức tải cung ứng được phép trên mỗi đường bay phù hợp với năng lực khai thác của hãng, tránh việc các hãng lớn có tiềm lực mạnh tung tải cạnh tranh với hãng hàng không quốc gia; xác định thương quyền được phép và hoạt động bán (Doing Business Rights).
Bảo hộ về giá cước vận tải hàng không: Nhằm hạn chế sự cạnh tranh về giá giữa các hãng hàng không, hạn chế phân biệt đối xử về giá cước và chống tình trạng cạnh tranh một hãng áp dụng giá cước thấp hơn chi phí để loại bỏ hãng khác. Việc
bảo hộ giá cước này hiện nay Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện rất chặt chẽ và gắt gao để bảo vệ các hãng hàng không trong nước mình. Với tất cả các hãng hàng không xuất hiện tại thị trường Nhật thì giá cả phải được họ đồng ý thông qua.
Bảo hộ về giá thành vận tải hàng không: Hiện này Vietnam Airlines đang sử dụng chủ yếu là máy bay thuê, vì vậy cần sự hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước về các khoản thuê máy bay, các lệ phí liên quan nhằm tạo điều kiện cho Hãng giảm giá thành sản phẩm để cạnh tranh với các hãng khác.
Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập quốc tế, chính sách bảo hộ của Nhà nước cần được thực hiện có lộ trình. Sau khi năng lực cạnh tranh của Hãng có thể sánh ngang bằng với các hãng hàng không lớn khác trong khu vực và trên thế giới thì Nhà nước cần từng bước giảm bớt sự bảo hộ để phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế.
c. Cải tiến quy trình và đơn giản hóa các thủ tục cấp thị thực nhập cảnh
Hiện nay thủ tục xin thị thực nhập cảnh vào Việt Nam mất khoảng 2-3 tuần và lệ phí cao nên lượng khách du lịch vào Việt Nam còn hạn chế so với các nước khác trong khu vực. Để thu hút khách du lịch đến Việt Nam, Nhà nước cần thực hiện việc cấp thị thực nhập cảnh theo hướng đơn giản hóa thủ tục và quy trình nhưng vẫn đảm bảo được sự chặt chẽ trong quản lý.
Chính phủ có thể đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh cho khách du lịch nước ngoài theo hướng cấp thị thực nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế cho du khách. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi rất nhiều bước chuẩn bị từ khâu kỹ thuật cũng như các bước khác để đảm bảo an ninh nên không thể thực hiện ngay được mà phải đi từng bước, và phải có sự kết hợp nhịp nhàng của nhiều cơ quan quản lý Nhà nước. Để thu hút nguồn khách du lịch vào Việt Nam, đặc biệt là nguồn khách du lịch Nhật Bản, Chính phủ cũng nên linh hoạt áp dụng các chính sách miễn lệ phí làm thị thực nhập cảnh nhân các sự kiện, các chương trình khuyếch trương, phát động du lịch trong nước. Chính sách này cần phải được Nhà nước có hướng dẫn cụ thể và phải làm dài hạn thì mới có hiệu quả tốt.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nên miễn thị thực nhập cảnh đối với một số đối tượng khách Nhật Bản như khách đi công vụ, khách thương nhân có dự định làm ăn lâu dài, có tần suất đi lại thường xuyên giữa Việt Nam-Nhật Bản.., nhằm tạo điều
kiện thuận lợi nhất để thu hút các đối tượng khách này sang tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, góp phần phát triển đường bay Việt Nam -Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu thực hiện việc miễn thị thực cho các đối tượng này, Nhà nước cũng cần xây dựng những quy định, hướng dẫn rõ ràng, minh bạch, cụ thể để tránh các trường hợp lợi dụng vào chính sách ưu đãi của Chính phủ để nhập cảnh bất hợp pháp.
d. Sự hậu thuẫn của Nhà nước về mặt tài chính
Theo định hướng và mục tiêu của Tổng công ty hàng không Việt Nam đến năm 2020 sẽ cố gắng để trở thành hãng hàng không lớn thứ hai trong khu vực. Để đạt được mục tiêu này, hãng cần có sự đầu tư nhiều hơn nữa về cơ sở vật chất, hiện đại hóa tàu bay và tăng số lượng máy bay, nâng cấp đội ngũ phi công…Vì thế, VN cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về nguồn tài chính. Nhà nước có thể giúp sức bằng cách cấp tín dụng dài hạn với những ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi cho VN chủ động phát triển với nguồn vốn được vay. Bên cạnh đó, Nhà nước có thể phê duyệt cho phép VN mua máy bay bằng nguồn tiền ngân sách…
Nhà nước cũng cần hỗ trợ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các sân bay nhằm nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ tại sân bay đạt tiêu chuẩn quốc tế, biến sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất thành sân bay trung chuyển tốt trong khu vực, tạo điều kiện cho Vietnam Airlines phát động các nguồn khách qua Việt Nam đi tiếp các nước khác.
Tổng kết lại, chương 3 đã phân tích khá cụ thể mục tiêu, định hướng của Vietnam Airlines đối với đường bay Việt-Nhật. Từ mục tiêu, định hướng đó, và từ thực trạng hoạt động Marketing của VPMB được phân tích ở chương 2, chương 3 đã đề xuất 9 giải pháp nhằm giúp VPMB đẩy mạnh hoạt động Marketing đối với nhóm khách hàng Nhật Bản, thu hút họ sử dụng sản phẩm của VN ngày càng nhiều hơn, đó là giải pháp về nghiên cứu sâu hơn nhóm khách hàng Nhật bản thông qua phiếu điều tra hay điều tra trực tiếp, hoàn thiện phân đoạn thị trường, giải pháp về sản phẩm, về giá, về phân phối, về xúc tiến thương mại, về con người, về sử dụng cơ sở vật chất, về quản lý quy trình. Và cuối cùng, chương 3 cũng đưa ra một số kiến nghị đối với Tổng công ty như đầu tư nghiên cứu cải tiến sản phẩm dịch vụ trên máy bay, phát triển áp dụng công nghệ vé điện tử để tăng cường khả năng bán hàng. Chương 3 cũng đưa ra một số kiến nghị đối với Nhà nước như tăng cường thu hút đầu tư từ Nhật Bản, bảo hộ hãng hàng không trong nước, cải tiến theo hướng đơn giản hoá quy trình thủ tục cấp thị thực nhập cảnh cho khách Nhật Bản hay là sự hậu thuẫn về mặt tài chính…Những kiến nghị này sẽ giúp hỗ trợ VPMB có thể thực hiện được các giải pháp Marketing được đề xuất một cách hiệu quả nhất.
KẾT LUẬN
Có thể nói, khách hàng người Nhật bản đang sinh sống và làm việc tại khu vực miền Bắc nói riêng và trên toàn lãnh thổ Việt nam nói chung đều có đặc điểm là đoàn kết, có tinh thần dân tộc cao và có bản sắc văn hóa riêng biệt. Sinh sống xa nhà và có thu nhập cao nên họ thường xuyên đi lại giữa Việt nam và Nhật Bản. Chính vì vậy, họ là tiềm năng lớn đối với các hãng hàng không khai thác đường Việt- Nhật, trong đó có Vietnam Airlines.
JL và VN là hai hãng hàng không khai thác chính trên đường bay Việt Nam- Nhật bản. Tuy nhiên, đối với nguồn khách cộng đồng Nhật, họ vẫn đang ưu ái sử dụng sản phẩm của JL nhiều hơn, là hãng hàng không quốc gia của họ. VN chưa xâm nhập và chưa thu hút được nhiều đối tượng nguồn khách này. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu tìm hiểu đặc điểm hành vi của các khách hàng cộng đồng Nhật Bản, cũng như đối thủ cạnh tranh chính JL, có thể thấy rằng VN vẫn còn nhiều cơ hội để khai thác tốt nguồn khách cộng đồng Nhật.
Trong các giải pháp đưa ra nhằm thu hút khách hàng Nhật bản, việc nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ là quan trọng nhất. Tiếp đến là các giải pháp về phân phối nhằm giúp cho khách hàng có thể tiếp cận với sản phẩm ở mọi nơi, mọi lúc, tiếp theo là chương trình xúc tiến khuyến mại hỗn hợp nhằm truyền tài thông tin, thông điệp quan trọng tới họ. Bên cạnh đó, là chính sách giá với sự điều chỉnh hợp lý, cạnh tranh và linh hoạt. Và cuối cùng là sự phối hợp các chính sách về quản lý con người, quản lý và sử dụng cơ sở vật chất, quản lý quy trình nhằm nâng cao năng suất lao động của đơn vị, giúp đơn vị hoạt động hiệu quả hơn trong kinh doanh dịch vụ, nâng cao vị thế và hình ảnh của văn phòng nói riêng và của Vietnam Airlines nói chung trên thị trường quốc tế.
Với việc thực hiện các giải pháp trên, hy vọng rằng thị phần khai thác cộng đồng khách hàng Nhật Bản của Văn phòng Khu vực miền Bắc – VN sẽ ngày một tăng trưởng hơn, tương xứng với tiềm năng của mình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1].Ellchi Aoki, Nhật Bản đất nước và con người, Nhà xuất bản văn học, Hà Nội 2006.
[2].Ngô Xuân Bình, Trần Quang Minh, Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản quá khứ, hiện tại và tương lai, Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà Nội 2005. [3].PGS.PTS. Trần Minh Đạo, Giáo trình Marketing căn bản, Nhà xuất bản
Giáo dục, Hà Nội 2002.
[4].PGS.TS. Nguyễn Thành Độ, TS. Nguyễn Ngọc Huyền, Giáo trình Chiến lược kinh doanh và Phát triển doanh nghiệp, Nhà xuất bản Lao động-Xã hội, Hà nội 2002.
[5].Philip Kotler, Quản trị Marketing, Nhà xuất bản thống kê, Hà Nội 2003. [6].Philip Kotler, Những nguyên lý tiếp thị, Nhà xuất bản thống kê, Hà Nội
2000.
[7].PGS. TS. Lưu Văn Nghiêm, Marketing dịch vụ, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội 2008.
[8]. TS. Nguyễn Thượng Thái, Quản trị Marketing dịch vụ, Học viện công nghệ Bưu chính viễn thông, Hà Nội 2007.
[9].Nguồn số liệu xuất nhập cảnh do Ban Kế hoạch Thị trường - Tổng công ty Hàng không Việt Nam cung cấp.
[10].Nguồn thông tin điều tra khách hàng cộng đồng Nhật Bản của VPMB [11].Trang web của Bộ kế hoạch đầu tư: www.mpi.gov.com.