Hoạt động đại diện

Một phần của tài liệu Đại biểu quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền (Trang 66 - 72)

Đại diện là chức năng quan trọng nhất của Quốc hội và là nhiệm vụ hàng đầu của đại biểu Quốc hội. Điều 97 Hiến pháp 1992 (sửa đổi), Điều 43 Luật tổ chức Quốc hội năm 2002 quy định Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước. Là người đại diện cho nhân dân, hạt nhân cấu thành nên cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri. Một trong những phương thức quan trọng để duy trì mối liên hệ chặt chẽ giữa đại biểu và các cử tri là thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri.

Tiếp xúc cử tri là một trong những hoạt động quan trọng của đại biểu Quốc hội, đã được quy định trong Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội. Tiếp xúc cử tri là hoạt động có tính thực tiễn rất cao, thể hiện thông qua hoạt động đối

thoại trực tiếp để đại biểu nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Các kiến nghị chính đáng của cử tri là hình thức phản ánh bản chất của quyền làm chủ trực tiếp và gián tiếp của nhân dân đối với công việc của đất nước. Chỉ có thể xây dựng được mối quan hệ tốt với nhân dân, đại biểu Quốc hội mới có khả năng hoà cùng hơi thở và nhịp đập của cuộc sống, đem được tiếng nói, tâm tư, ước nguyện của nhân dân vào các nghị quyết, các đạo luật và giám sát có hiệu quả việc thực hiện các nghị quyết, các đạo luật đó. Nếu không giữ mối liên hệ gắn bó với cử tri, đại biểu Quốc hội sẽ xa rời thực tiễn, trở nên quan liêu, không thể đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, không thể thay mặt nhân dân quyết định được những công việc quan trọng của đất nước. Vì vậy, không thể phản ánh đúng bản chất của Nhà nước ta là “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”.

Theo quy định tại Nghị quyết liên tịch số 06/2004/NQLT/UBTVQH11-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 10/9/2004 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban TW MTTQ Việt Nam “Hướng dẫn về việc đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri”, tiếp xúc cử tri có thể được thực hiện dưới hai hình thức: Hội nghị tiếp xúc cử tri và gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân hoặc nhóm cử tri.

Hội nghị tiếp xúc cử tri có 3 loại, được tổ chức định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội tại địa phương nơi đại biểu ứng cử; tổ chức tại nơi làm việc, nơi cư trú; tổ chức theo chuyên đề, lĩnh vực mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Thành phần Hội nghị tiếp xúc cử tri gồm: đại diện cấp uỷ Đảng, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ quốc và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan ở mỗi cấp; cử tri trực tiếp làm việc, học tập tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cơ sở sản xuất kinh doanh; cử tri ở thôn, buôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố.

Hội nghị tiếp xúc cử tri định kỳ được tổ chức vào trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội do Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với Uỷ ban

nhân dân, Hội đồng nhân dân và Mặt trận tổ quốc tổ chức. Trước kỳ họp Quốc hội 20 ngày, đại biểu tiếp xúc cử tri để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phản ánh với các cơ quan nhà nước. Sau kỳ họp Quốc hội khoảng 20 ngày, đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả kỳ họp và giải đáp những vấn đề mà cử tri nêu tại cuộc tiếp xúc lần trước. Trong trường hợp không thể tham gia tiếp xúc cử tri thì đại biểu Quốc Hội báo cáo với Trưởng đoàn đại biểu Quốc Hội. Đối với cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội gửi báo cáo về Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam chậm nhất là 05 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp. Đối với các cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, thời gian gửi báo cáo chậm nhất là 30 ngày.

Ngoài Hội nghị tiếp xúc cử tri định kỳ, đại biểu Quốc hội còn tiếp xúc cử tri qua các Hội nghị tổ chức tại nơi làm việc, nơi cư trú, theo chuyên đề, lĩnh vực mà đại biểu quan tâm. Mọi cử tri ở nơi làm việc, nơi cư trú hoặc ở nơi mà đại biểu chọn để lấy ý kiến về chuyên đề, lĩnh vực mà minh quan tâm, đều có quyền tham dự và phát biểu ý kiến. Vì đây không phải là cuộc tiếp xúc theo định kỳ, nên đại biểu phải chuẩn bị trước các vấn đề cần trao đổi phù hợp điều kiện làm việc và điều kiện sống của cử tri (đối với nơi làm việc, nơi cư trú) hoặc chuyên đề, lĩnh vực (đối với nơi tổ chức lấy ý kiến). Đại biểu Quốc hội phải báo cáo kết quả cuộc tiếp xúc cử tri với Đoàn đại biểu Quốc hội sau cuộc tiếp xúc cử tri chậm nhất là 05 ngày.

Các Hội nghị tiếp xúc cử tri này có ý nghĩa quan trọng, về nguyên tắc là hình thức tiếp xúc cử tri chính của đại biểu Quốc hội. Vấn đề là, việc tiếp xúc cử tri được đặt ra khi nào? Đại biểu Quốc hội là người chủ động, hay do yêu cầu công tác, hoặc xuất phát từ chính yêu cầu của cử tri? Chúng tôi cho rằng : việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội có thể xuất phát từ yêu cầu từ cả hai phía. Khi đại biểu Quốc hội thấy cần thiết, thì tự mình gặp gỡ, tiếp xúc cá nhân hay nhóm cử tri, hoặc đề nghị cơ quan hữu quan tổ chức để mình tiếp xúc cử tri với hình thức hội nghị, hội thảo. Nhưng cử tri cũng có

quyền đề nghị đại biểu Quốc hội trực tiếp tiếp xúc với mình, hoặc thông qua Mặt trận tổ quốc, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương đề nghị tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri. Có như vậy mới giải quyết được mối quan hệ giữa một bên “uỷ quyền” với một bên “được uỷ quyền”, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đại biểu Quốc hội và cử tri ở nơi đại biểu ứng cử.

Trong những năm qua, việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội bước đầu có những đổi mới, khắc phục được tính hình thức, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động chung của Quốc hội, được nhân dân ghi nhận. Tuy nhiên, qua thực tiễn cũng cho thấy, hoạt động này còn những hạn chế nhất định, chưa phản ánh đúng mối quan hệ giữa cử tri và đại biểu Quốc hội – với tư cách là cầu nối quan trọng giữa nhân dân với Nhà nước. Hoạt động tiếp xúc cử tri về cơ bản chưa đảm bảo tính minh bạch, công khai. Đa số người dân không được biết thông tin về thời gian, địa điểm tổ chức. Thành phần được mời tham dự chủ yếu là những người của chính quyền địa phương hoặc cộng tác viên của họ, dẫn tới hiện tượng tiếng nói cử tri ít hơn tiếng nói gián tiếp của cơ quan hành chính. Hình thức tiếp xúc cử tri chưa đa dạng, phong phú. Thời gian dành cho các cuộc tiếp xúc cử tri hạn chế, thường chỉ diễn ra trong một buổi. Khoảng thời gian ngắn ngủi đó chỉ đủ để đại biểu Quốc hội và cơ quan làm nhiệm vụ tổ chức tiếp xúc trình bày những vấn đề có tính chất nội dung và thủ tục, cử tri không đủ điều kiện bày tỏ đủ tâm tư, nguyện vọng của mình. Trong khi đó, các kiến nghị của cử tri lại rất đa dạng và phần nhiều tập trung và những vụ việc rất cụ thể, trong những trường hợp cần thiết, đòi hỏi cần có thời gian để trình bày hoặc trao đổi. Thành phần cử tri trong các buổi tiếp xúc vẫn mang nặng tính cơ cấu và đại diện theo công thức “đại cử tri”, chưa phản ánh đúng thành phần của các buổi tiếp xúc. Cách thức tiến hành các buổi tiếp xúc cử tri chưa thống nhất ở nhiều nơi. Việc giải quyết các kiến nghị của cử tri sau các buổi tiếp xúc chưa có chuyển biến mạnh mẽ.

Một số đại biểu có quan niệm rằng, khi tiếp xúc cử tri thì nội dung và chương trình đã được bộ máy giúp việc chuẩn bị trước, mà không chú ý tính hai mặt (chủ động, bị động) của hoạt động này. Tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội là một trong những hoạt động đòi hỏi phải có kỹ năng. Trong các buổi tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội có thể phải sử dụng nhiều kỹ năng như: đọc tài liệu, xây dựng chương trình kế hoạch, lắng nghe, ghi chép, diễn thuyết. Để thực hiện tốt các kỹ năng đó, đại biểu Quốc hội phải chủ động chuẩn bị trước các vấn đề thuộc nội dung trong các buổi tiếp xúc cử tri, nhất là nắm đầy đủ thông tin liên quan đến mặt của đời sống kinh tế xã hội ở nơi mà mình tiếp xúc cử tri. Khi cử tri trình bày, đại biểu cần tỏ thái độ lắng nghe, ghi chép đầy đủ những vấn đề mà cử tri kiến nghị và đến lượt mình, đại biểu phải biết trình bày từng vấn đề theo bố cục rõ ràng, mạch lạc. Đây cũng là những điểm yếu mà thời gian qua đại biểu Quốc hội làm chưa tốt.

Ngoài hoạt động tiếp xúc cử tri, với tư cách là người đại diện của nhân dân, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp công dân, xem xét, nghiên cứu các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân và kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người kiến nghị, khiếu nại, tố cáo biết. Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đó của cơ quan nhà nước có thẩm quyền [2]. Trong trường hợp xét thấy việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo không thoả đáng, đại biểu Quốc hội có quyền gặp người đứng đầu cơ quan hữu quan để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại. Khi cần thiết, đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan hữu quan cấp trên của cơ quan đó giải quyết.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động giúp nhân dân giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua cho thấy đây là một nhiệm vụ cực kỳ nặng nề. Với số lượng khoảng 14.000 đơn thư khiếu nại tố cáo mà các đại biểu Quốc hội nhận được hàng năm, công việc này là rất nặng nề đối với các đại biểu Quốc hội, đặc biệt trong điều kiện đại biểu Quốc hội nước ta đa số là hoạt động kiêm nhiệm.

Đại biểu Quốc hội là người đại diện của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm và giao phó những nhiệm vụ nặng nề. Trường hợp đại biểu Quốc hội không đáp ứng được yêu cầu đặt ra, cử tri có quyền bãi nhiệm đại biểu Quốc hội [1]. Tuy nhiên, pháp luật nước ta chưa có quy định cụ thể về quy trình, thủ tục cụ thể để cử tri có thể bãi nhiệm những đại biểu Quốc hội không xứng đáng, vì vậy quyền năng này của cử tri chưa thể thực hiện được. Theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, pháp luật quy định khi có 2/3 số cử tri không tín nhiệm thì đại biểu đó không thể tiếp tục ở lại Quốc hội. Theo ý kiến của chúng tôi, pháp luật cần sớm có một cơ chế tương tự để nâng cao quyền làm chủ thực sự của nhân dân, để đại biểu thực thi đúng trách nhiệm của mình.

Đánh giá về mối liên hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri thời gian, có ý kiến cho rằng còn nhiều đại biểu Quốc Hội ít đi sát với dân, với địa phương nên chưa phản ánh được nhiều các ý kiến, các tâm tư nguyện vọng của cử tri. Có đại biểu ngại đưa các vấn đề của địa phương ra trước Quốc Hội và cũng có người còn bị ràng buộc lợi ích nên cũng không kịp thời phản ánh được những tiêu cực, sai trái trong giới lãnh đạo của tỉnh. Những cán bộ công quyền tham gia làm đại biểu Quốc Hội chưa dám lên tiếng đương đầu với các vấn đề, các tiêu cực [32]. Hiện tượng trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng hơn cả là do động cơ hoạt động của các đại biểu chưa cao. Pháp luật quy định đại biểu Quốc hội đại diện không chỉ cho cử tri bầu ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước. Quy định này có ưu điểm tạo ra sự thống nhất trong hoạt động của Quốc hội, giúp đại biểu Quốc hội không bị lệ thuộc vào những đòi hỏi cục bộ địa phương, có điều kiện can nhắc, tiếp cận các vấn đề từ lợi ích toàn cục của dân tộc. Tuy nhiên, quy định này tạo ra hệ quả phụ làm giảm động cơ và nhu cầu gắn bó của đại biểu đối với cử tri khiến cho các cuộc tiếp xúc cử tri, hỗ trợ và giúp đỡ nhân dân chỉ mang tính hình thức, thủ tục, làm lấy lệ, không đáp ứng được đòi của xã hội. Một lý do nữa là đại biểu Quốc hội nước ta đa số hoạt động kiêm nhiệm,

thời gian dành cho hoạt động đại biểu ít, gắn bó với các chức vị trong cơ quan hành pháp hơn là hoạt động đại biểu, nhu cầu, động có tái cử không thúc ép, do vậy cũng góp phần làm giảm mối liên hệ với cử tri. Ngoài ra, các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội có tính cạnh tranh thấp, chương trình hành động khi ra tranh cử sơ sài, lại thiếu cơ chế để nhân dân giám sát việc thực hiện lời hứa của đại biểu Quốc hội cũng là một nguyên nhân làm suy giảm mối liên hệ kể trên.

Một phần của tài liệu Đại biểu quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền (Trang 66 - 72)