Bầu cử đại biểu Quốc hộ

Một phần của tài liệu Đại biểu quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền (Trang 55 - 57)

Trong mọi tổ chức, chất lượng thành viên là yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động của tổ chức đó, đặc biệt là những tổ chức có các thành viên có địa vị pháp lý độc lập và bình đẳng với nhau, hoạt động tập thể và quyết định theo đa số như Quốc hội. Do vậy, chế định của pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, vừa là nền tảng để xây dựng địa vị pháp lý của đại biểu Quốc hội, vừa là một phần cấu thành nên địa vị pháp lý đó.

Bầu cử đại biểu Quốc Hội là hoạt động chính trị qua đó nhân dân lựa chọn ra người mình tin cậy để uỷ thác quyền lực của mình, tạo cơ sở chính trị và pháp lý để người đại diện đó thay mặt nhân dân tham gia vào cơ quan quyền lực nhà nước. Khi nói về ý nghĩa của bầu cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh đó là một động thái chính trị nhằm trao chính quyền từ thiểu số sang quyền của số đông, bởi vì “… bao nhiêu quyền hạn đều là của dân” [13]

.

Bầu cử đại biểu Quốc hội được tiến hành theo các nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín (Điều 1 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội).

Phổ thông đầu phiếu là nguyên tắc quan trọng trong việc tổ chức các cuộc bầu cử, là tiêu chuẩn đầu tiên để đánh giá mức độ dân chủ của cuộc bầu cử. Cuộc bầu cử phổ thông là cuộc bầu cử được tổ chức cho nhiều người tham gia, tức là một hoạt động phổ cập, không hạn chế đối với bất kỳ một đối tượng công dân nào, nếu họ đạt được một mức độ trưởng thành hoàn chỉnh về mặt nhận thức mà pháp luật công nhận – 18 tuổi. Pháp luật cũng quy định cá nhân trong một số trường hợp đặc biệt không được tham gia bầu cử là những người mất năng lực nhận thức hoặc những người bị tạm thời tước đoạt quyền công dân (phạt tù, tạm giam).

Nguyên tắc bình đẳng là các cử tri tham gia bầu cử có các quyền và nghĩa vụ như nhau, các ứng cử viên được giới thiệu ra ứng cử theo tỷ lệ như nhau, kết quả bầu cử chỉ phụ thuộc vào số phiếu mà cử tri bỏ phiếu cho mỗi

ứng cử viên là cơ sở xác định kết quả trúng cử. Khi đi bầu cử, mỗi cử tri chỉ có một phiếu bầu, giá trị của mỗi phiếu là như nhau, không bị ảnh hưởng bởi địa vị, tài sản v.v. của cử tri. Nguyên tắc này cũng thể hiện qua việc phân chia các đơn vị bầu cử căn cứ vào dân số các địa phương và tổng số đại biểu phải bầu. Mỗi đơn vị bầu cử được bầu ra số lượng đại biểu tỷ lệ thuận với số dân của mình.

Nguyên tắc bầu cử trực tiếp là cử tri tín nhiệm người nào thì bỏ phiếu thẳng cho người đó mà không phải thông qua bất kỳ người nào khác. Đây là nguyên tắc thể hiện rõ tính dân chủ trong sự hình thành bộ máy nhà nước. Nguyên tắc này cho phép người đại diện được nhân dân trực tiếp bầu ra nhận được quyền lực nhà nước từ nhân dân, đồng thời là cơ sở cho việc họ phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước nhân dân về hiệu quả công việc của mình.

Nguyên tắc bỏ phiếu kín đảm bảo cho cử tri tự do biểu lộ ý chí của mình trong việc lựa chọn đại biểu, tránh mọi sự áp đặt. Nguyên tắc này đòi hỏi khi cử tri bỏ phiếu phải tự mình viết phiếu, tự mình gạch tên người ứng cử nào mà mình không tín nhiệm, tự mình bỏ phiếu của mình vào hòm phiếu.

Nội dung cơ bản của chế định về bầu cử tập trung ở việc thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử, thủ tục bầu cử. Trong nền cộng hoà của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bầu cử và ứng cử đại biểu Quốc hội là tự do. Mọi công dân đủ các điều kiện về độ tuổi, quốc tịch và các điều kiện luật định khác đều có quyền bầu cử và ứng cử đại biểu Quốc hội.

Một phần của tài liệu Đại biểu quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền (Trang 55 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)