Thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát

Một phần của tài liệu Đại biểu quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền (Trang 43 - 44)

Công tác lập pháp phải đi đôi với giám sát việc tổ chức thực hiện, thi hành pháp luật thì mới có hiệu quả. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi đại biểu Quốc hội phải phát huy vai trò tích cực của mình để quyền giám sát của Quốc hội được thực hiện, góp phần đảm bảo tính tối thượng của pháp luật. Hoạt động giám sát bắt đầu từ việc tiếp cận, khai thác, xử lý thông tin. Đại biểu Quốc hội cần chủ động đa dạng hoá nguồn thông tin, không lệ thuộc vào thông tin một chiều từ các báo cáo, giải trình của cơ quan hành pháp. Ngoài ra, các đại biểu cần phát triển quan hệ hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức nghề nghiệp v.v. để có các thông tin chuyên sâu về vấn đề, làm tăng hiệu quả của công tác giám sát.

Hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội cần diễn ra thường xuyên, với các hình thức chất vấn đa dạng, phong phú, không chỉ diễn ra tại phiên họp toàn thể Quốc hội mà còn tại các Uỷ ban, dưới sự chứng kiến và đưa tin của tổ chức thông tấn, báo chí.

Chất vấn phải gắn liền với bỏ phiếu tín nhiệm mới đảm bảo hiệu quả giám sát. Bỏ phiếu tín nhiệm là một quyền năng quan trọng của Quốc hội, Quốc hội chỉ sử dụng như một giải pháp cuối cùng sau khi các chất vấn, kiến nghị của mình không được đối tượng chất vấn tiếp thu hoặc thực hiện không đạt kết quả theo yêu cầu của Quốc hội. Bỏ phiếu tín nhiệm do vậy là quá trình xác định trách nhiệm cá nhân. Nhà nước pháp quyền trao cho đại biểu Quốc hội quyền khởi động thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm, giúp đại biểu Quốc hội hoàn thành nhiệm vụ giám sát của mình, đồng thời đòi hỏi đại biểu Quốc

hội chịu trách nhiệm cá nhân về việc sử dụng quyền năng đó trước Quốc hội và trước cử tri.

Một phần của tài liệu Đại biểu quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền (Trang 43 - 44)