định của Quốc hội.
Để có thể đưa ra được những quyết định sáng suốt, khách quan liên quan đến các vấn đề quan trọng của đất nước như kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách, chính sách tài chính tiền tệ, chính sách dân tộc, tôn giáo
v.v. đại biểu Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền được đảm bảo 03 điều kiện: thông tin, khả năng phản biện, sự độc lập khi biểu quyết.
Về thông tin: Đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến vấn đề cần quyết định. Thông tin cung cấp cần đảm bảo yếu tố khách quan, có đầy đủ những thông tin thuận chiều gồm những báo cáo, giải trình từ phía cơ quan hành pháp, và cả những thông tin, đánh giá độc lập. Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm xây dựng một kênh thông tin riêng của Quốc hội để phục vụ nhu cầu thông tin của đại biểu. Thông tin của Quốc hội không lệ thuộc vào các báo cáo của cơ quan hành pháp, mà cần xây dựng cơ chế hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, kể cả thành lập những cơ quan điều tra, đánh giá trực thuộc Quốc hội, ví dụ như Kiểm toán nhà nước.
Hoạt động phản biện: Đại biểu Quốc hội được quyền phản biện lại các đề xuất, dự thảo do cơ quan hành pháp trình liên quan đến việc quyết định các vấn đề quan trọng. Quyền phản biện bao gồm quyền đặt câu hỏi, yêu cầu giải thích sự cần thiết, chứng minh hiệu quả của các phương án. Quyền phản biện cũng bao gồm cả quyền đề xuất phương án khác hiệu quả hơn trình Quốc hội quyết định.
Khi biểu quyết quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đại biểu Quốc hội được quyền độc lập, chỉ tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Đây là một đặc điểm riêng trong địa vị pháp lý của đại biểu Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Các nước trên thế giới, khi biểu quyết quyết định các vấn đề quan trọng tại Quốc hội, các Nghị sỹ thường thống nhất hành động theo chỉ đạo của đảng mình. Nước ta, xuất phát từ đặc điểm của hệ thống chính trị do Đảng cộng sản Việt Nam thống nhất lãnh đạo, vì vậy để tạo ra cơ chế phản biện, góp phần nâng cao chất lượng các quyết sách, chỉ đạo của Đảng, pháp luật và Điều lệ Đảng cần cho phép các đại biểu Quốc hội là đảng viên quyền độc lập, chỉ tuân theo Hiến
pháp và pháp luật, hành động theo ý chí, nguyện vọng của nhân dân, lương tâm của mình khi quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.