lập pháp và giám sát.
* Lập pháp
Trong Nhà nước pháp quyền, pháp luật giữ vị trí tối thượng. Tất cả mọi công dân, tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước đều hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, tôn trọng pháp luật và chịu sự phán xử của cơ quan tư pháp mà không có ngoại lệ. Để thực hiện được điều đó cần có một hệ thống pháp luật hoàn thiện được xây dựng bởi một cơ quan lập pháp hoạt động hiệu quả. Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền phải là một cơ quan lập pháp mạnh với các thành viên năng động, có năng lực lập pháp, không lệ thuộc hoàn toàn vào cơ quan hành pháp trong việc đưa ra sáng kiến xây dựng pháp luật. Quốc hội có một hệ thống uỷ ban hoạt động thường xuyên và hiệu quả. Phần lớn hoạt động và thời gian lập pháp của Quốc hội, từ việc đề xuất sáng kiến lập pháp, hoàn chỉnh dự thảo, phản biện, thẩm tra sẽ diễn ra tại các uỷ ban này, để đảm bảo dự thảo luật khi trình ra Quốc hội để thông qua là một dự thảo sạch, có chất lượng cao, loại bỏ hoàn toàn các tranh luận về tiểu tiết, câu chữ, văn phong, kỹ thuật pháp lý v.v. tại phiên họp toàn thể.
Quyền lực của Quốc hội mang tính tập thể. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi Quốc hội có cơ chế giúp các đại biểu Quốc hội liên kết với nhau trong hoạt động lập pháp, cho phép đại biểu Quốc hội quyền vận động, thuyết phục, tranh luận nhằm đưa ý kiến về giải pháp chính sách của mình vào pháp luật. Có như vậy, ý chí và nguyện vọng của nhân dân thông qua đại biểu Quốc hội có thể đi vào pháp luật. Ngoài ra, Quốc hội phải có cơ chế để mọi tổ chức, hiệp hội, trường đại học, chuyên gia, nhà nghiên cứu pháp lý, cơ
quan thông tấn báo chí v.v. quan tâm đến hoạt động lập pháp được mời tham gia và góp ý kiến và đưa tin về hoạt động xây dựng pháp luật tại các Uỷ ban, tạo sự gắn kết liên tục giữa Quốc hội với xã hội.
* Giám sát
Để đảm bảo tính tối thượng của pháp luật, bên cạnh việc ban hành một hệ thống pháp luật tốt, Nhà nước pháp quyền còn đòi hỏi Quốc hội phải thực hiện có hiệu quả chức năng giám sát việc thi hành pháp luật. Trọng tâm hoạt động giám sát của Quốc hội là giám sát việc tổ chức thực hiện và thi hành pháp luật của Chính phủ nhằm đảm bảo cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất trong cả nước, đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên Chính phủ.
Hoạt động giám sát trước hết đòi hỏi Quốc hội phải cân bằng được các nguồn thông tin thông qua việc tăng cường mối liên hệ với cử tri cả nước, có cơ chế khai thác nguồn thông tin từ các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức điều tra, nghiên cứu độc lập, tránh tình trạng lệ thuộc vào các báo cáo của Chính phủ. Hoạt động chất vấn các thành viên Chính phủ cần diễn ra thường xuyên hơn, không chỉ tại phiên họp toàn thể Quốc hội mà có thể diễn ra ở các Uỷ ban, dưới nhiều hình thức đa dạng với sự tham gia đưa tin của các phương tiện thông tin đại chúng. Giám sát chỉ có hiệu quả thực sự khi gắn liền với việc hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm. Vì vậy, cần có cơ chế hữu hiệu để đại biểu Quốc hội có thể thực hiện được quyền này của mình, tạo thành cơ chế đối trọng, kiểm soát và tăng trách nhiệm cá nhân của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội, trước nhân dân.