Trong Nhà nước pháp quyền, Quốc hội cần thực hiện tốt chức năng ra quyết định. Thực tế hoạt động của Quốc hội cho thấy đại biểu Quốc hội không phải là người đề xuất các vấn đề quan trọng mà thường do Chính phủ hoặc các cơ quan Đảng trình ra trước Quốc hội, đại biểu Quốc hội đóng vai trò phản biện và thay mặt nhân dân bỏ phiếu quyết định. Để có một quyết định đúng, trước hết đại biểu phải có khả năng phản biện tốt. Để làm được điều này, trước hết đại biểu Quốc hội phải có năng lực và phải độc lập khi quyết định. Năng lực của đại biểu Quốc hội ở đây là khả năng thấu hiểu nhu cầu của xã hội, nguyện vọng của nhân dân, khả năng đề xuất giải pháp để giải quyết vấn đề từ giác độ thúc đẩy sự phát triển của xã hội, bảo vệ quyền lợi cộng đồng.
Khi quyết định, đại biểu Quốc hội phải độc lập, không chịu sức ép từ bất kỳ cơ quan, tổ chức nào. Đại biểu Quốc hội độc lập quyết định và chịu trách nhiệm trước cử tri cả nước về quyết định của mình. Tính độc lập của đại biểu còn được hiểu là độc lập về nguồn thông tin. Đại biểu Quốc hội không thể chỉ dựa vào những thông tin có sẵn do Chính phủ cung cấp để quyết định, Quốc hội và đại biểu Quốc hội cần chủ động tìm kiếm và huy động các nguồn thông tin khác, đặc biệt là tìm hiểu nguyện vọng của cử tri, dư luận trong nhân dân, đồng thời phối hợp với các Trường đại học, Viện nghiên cứu, tổ chức điều tra, khảo sát độc lập để có được các thông tin chuyên môn, báo cáo đánh giá chuyên sâu. Tính độc lập còn được biểu hiện qua sự cân bằng giữa lợi ích của toàn xã hội với lợi ích của cư tri địa phương đã bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội đó, giữa lợi ích ngắn hạn và lợi ích dài hạn. Trong nhà nước pháp quyền, đại biểu Quốc hội không bị lệ thuộc hoàn toàn vào lợi ích và ý chí của cử tri nơi bầu cử mà có sự độc lập tương đối để
có thể thực hiện quyền quyết định những vấn đề quan trọng vì lợi ích toàn xã hội, vì sự phát triển lâu dài của đất nước.