Hoàn thiện nhóm quyền liên quan đến hoạt động lập pháp

Một phần của tài liệu Đại biểu quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền (Trang 112 - 114)

Quốc hội là cơ quan lập pháp. Vậy quyền lập pháp nằm ở đâu trong hoạt động của từng thành viên tạo nên tập thể đó - đại biểu Quốc hội?

Trước hết, quyền lập pháp cần được thể hiện thành sáng quyền lập pháp của đại biểu Quốc hội. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi Quốc hội phải chủ động trong công tác lập pháp, không lệ thuộc hoàn toàn vào những đề xuất, giải trình của Chính phủ. Muốn vậy, trước tiên đại biểu Quốc hội phải có khả năng đề xuất sáng kiến lập pháp và biến sáng kiến của mình thành những dự án luật để trình ra trước Quốc hội. Trong Nhà nước pháp quyền, sáng quyền lập pháp của đại biểu Quốc hội, bên cạnh những quyền năng truyền thống như quyền đưa ra sáng kiến pháp luật, quyền trình dự án luật, còn được đảm bảo bởi quyền tổ chức xây dựng dự án luật, nhằm tăng cường tính chủ động trong hoạt động lập pháp cho đại biểu Quốc hội. Thay vì Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra quyết định thành lập ban soạn thảo với vai trò mờ nhạt của đại biểu đề xuất sáng kiến như hiện nay, đại biểu Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền được trao quyền chủ động đứng ra thành lập Ban soạn thảo, tìm kiếm, tuyển mộ và mời các chuyên gia pháp lý giỏi làm thành viên theo chế độ hợp đồng, cộng tác viên. Hoạt động của Ban soạn thảo đó được đảm bảo bằng

nguồn tài chính của dự án luật đã được Quốc hội duyệt cùng với sáng kiến lập pháp. Việc triển khai một dự án luật như vậy có thể do một hoặc một nhóm đại biểu Quốc hội thực hiện. Các đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện các quyền năng của mình để phối hợp, yêu cầu các cơ quan nhà nước cung cấp thông tin về tình hình và nhu cầu quản lý liên quan đến dự luật, quyền ký hợp đồng thuê các Trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp tiến hành các điều tra, khảo sát, đánh giá độc lập về vấn đề pháp lý đang giải quyết. Đại biểu Quốc hội cũng chủ động tiến hành các hoạt động lấy ý kiến góp ý hoàn chỉnh dự thảo từ phía các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các nhóm lợi ích và cá nhân có liên quan. Dự thảo dự án luật sau đó sẽ phải trải qua giai đoạn thẩm tra tại các Uỷ ban hữu quan của Quốc hội. Dự thảo hoàn chỉnh sẽ được đại biểu trình ra trước Quốc hội để xem xét thông qua. Với việc tăng cường các nhóm quyền để cụ thể hoá sáng quyền lập pháp, đại biểu Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền sẽ chủ động được trong hoạt động lập pháp, cân bằng với vai trò của Chính phủ trong việc đưa ra các sáng kiến lập pháp, phát huy được vai trò đại biểu Quốc hội với tư cách là chính khách, đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân.

Trường hợp sáng kiến lập pháp do cơ quan hành pháp đưa ra, đại biểu Quốc hội phải được quyền tham gia, giám sát từ khâu soạn thảo như được quyền yêu cầu báo cáo, yêu cầu cung cấp thông tin, được tham gia các buổi họp dự thảo nếu thấy cần thiết.

Chuyển từ lập pháp hai giai đoạn giai lập pháp ba giai đoạn để đảm bảo chất lượng lập pháp, tăng tính cẩn trọng của Quốc hội. Quy trình lập pháp ba giai đoạn sẽ bắt đầu bằng việc Quốc hội phê duyệt chủ trương xây dựng luật, phê duyệt các chính sách cần được luật hoá. Giai đoạn hai Quốc hội xem xét và cho ý kiến về nội dung dự án luật. Giai đoạn ba là xem xét và thông qua dự án luật. Một quy trình như vậy vừa đảm bảo tính khoa học, loại bỏ những tranh luận lặp lại về chính sách, vừa góp phần nâng cao chất lượng pháp luật.

Ngoài ra, cần có giải pháp tăng cường tính liên tục trong công tác lập pháp của Quốc hội thông qua hoạt động thường xuyên tại các uỷ ban dưới các hình thức Hội nghị lập pháp, các buổi điều trần, chất vấn Ban soạn thảo với sự tham gia của đại biểu Quốc hội, các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu độc lập và đại diện phương tiện thông tin đại chúng. Nói cách khác, cần minh bạch hoá quá trình xây dựng pháp luật thông qua quá trình điều trần và phản biện liên tục tại các uỷ ban của Quốc hội với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia và đặc biệt dưới sự theo dõi trực tiếp của nhân dân. Hoạt động lập pháp càng minh bạch, công khai trước nhân dân, quyền lực, vị thế và vai trò của các đại biểu càng được khẳng định. Hơn nữa, chỉ có đa dạng hoá các hình thức tham gia xây dựng pháp luật của đại biểu Quốc hội, nâng cao vai trò của các Uỷ ban, huy động đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý và nhân dân vào cuộc, Quốc hội mới có điều kiện về thời gian và trí tuệ để đồng thời xem xét, thẩm tra hàng chục dự án luật cùng một lúc. Các Hội nghị lập pháp, thẩm tra, điều trần tại các Uỷ ban là nơi để các đại biểu Quốc hội có thể xem xét kỹ lưỡng hàng núi các dự luật, đề xuất và cân nhắc các ý kiến góp ý từ nhiều nguồn khác nhau. Đó là những bộ lọc quan trọng để chọn những dự án luật có chất lượng trình ra trước Quốc hội, rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả xem xét và thông qua dự án luật tại Hội trường, tránh cho những phiên họp tập thể khỏi tình trạng “làm văn tập thể” hay tranh cãi nhau về câu chữ, tiểu tiết.

Một phần của tài liệu Đại biểu quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền (Trang 112 - 114)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)