Quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng nền kinh tế thị trường đã mở ra thời kỳ phát triển kinh tế năng động, khuyến khích được đông đảo nhân dân phát huy giá trị lao động, tham gia hoạt động kinh doanh, làm ra ngày càng nhiều nhiều của cải vật chất có giá trị, nâng cao mức sống, thúc đẩy sự thịnh vượng của xã hội. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mô hình nhà nước cũ kỹ xây dựng trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hoá, tập trung không còn phù hợp nữa. Nền kinh tế thị trường đặt ra yêu cầu đổi mới thượng tầng kiến trúc xã hội, tìm ra một mô hình nhà nước phù hợp để không những quản lý xã hội có hiệu quả, mà còn khuyến khích mọi cá nhân phát huy hết khả năng của mình trong lao động, thúc đẩy sự phát triển của xã hội, bảo đảm công lý, công bằng, phát huy dân chủ và sự đa dạng xã hội. Trong nền kinh tế thị trường, nhà nước không can thiệp thô bạo bằng mệnh lệnh hành chính vào các quan hệ kinh tế. Kinh tế thị trường đòi hỏi Nhà nước quản lý bằng pháp luật và đảm bảo tính tối thượng của pháp luật.
Nhà nước là một bộ máy do con người lập ra, do con người vận hành, vì vậy nó phản ánh sâu sắc bản chất con người. Khác với thời kỳ kinh tế kế hoạch hoá, tập trung, kinh tế thị trường mở ra một không gian tự do, dân chủ; con người trong nền kinh tế thị trường năng động hơn, sắc sảo hơn, nhiều nhu cầu hơn, nhiều niềm đam mê hơn, trong đó có cả niềm đam mê giàu có, đam mê lợi nhuận và cả đam mê quyền lực. Một người bình thường khi đã có quyền lực trong tay sẽ đi đến tận cùng giới hạn của quyền lực và luôn tìm mọi cách để phá vỡ giới hạn đó, thiết lập một giới hạn mới rộng hơn, đồng nghĩa với nhiều quyền lực hơn. Mặt khác, Nhà nước là tổ chức độc quyền về quyền lực cưỡng chế, một quyền lực đáng sợ khi bị sử dụng tuỳ tiện. Quyền lực nhà nước theo tuyên bố của Hiến pháp là thuộc về nhân dân, nhưng để thực hiện nó trong cuộc sống thực tiễn hàng ngày của xã hội, quyền lực đó được cụ thể hoá, được chia nhỏ ra thành hàng ngàn, hàng vạn quyền năng và trao vào tay những cá nhân xác định trong bộ máy nhà nước. Để những cá nhân này luôn sử dụng quyền lực đúng mục đích, không lạm dụng để mưu cầu tiền bạc, danh vọng, quyền uy, Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đòi hỏi cơ chế giới hạn quyền lực. Quyền lực nhà nước phải được giới hạn bằng pháp luật và bằng phương thức tổ chức bộ máy nhà nước. Pháp luật phải là tối thượng. Pháp luật định ra các hành lang pháp lý, quy định thẩm quyền của các cơ quan và công chức nhà nước. Các cơ quan, công chức này chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Ngoài ra, các cơ quan trong bộ máy nhà nước được tổ chức đối trọng và kiểm soát lẫn nhau trong hoạt động. Lợi ích, danh vọng, thẩm quyền quyền của cán bộ, công chức, hệ thống cơ quan nhà nước này được kết dính ngược chiều với thẩm quyền, lợi ích, niềm đam mê của cán bộ, công chức hay hệ thống cơ quan nhà nước kia tạo ra động cơ kiểm soát lẫn nhau và cơ chế đối trọng quyền lực.
Kiểm soát quyền lực, tính tối thượng của pháp luật là chưa đủ, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn đòi hỏi nhà nước phải
phục vụ lợi ích cộng đồng, thúc đẩy đa dạng xã hội. Nền kinh tế thị trường khuyến khích cá nhân phát huy hết khả năng của mình trong lao động, sáng tạo ra của cải vật chất có ích cho xã hội, có khả năng trở thành hàng hoá lưu thông trên thị trường. Bản chất của nền kinh tế thị trường khuyến khích thúc đẩy đa dạng xã hội. Mặt khác, các cá nhân tham gia thị trường, cạnh tranh với nhau, thi đua lao động tạo ra giá trị, làm nảy sinh nhu cầu hợp tác, liên kết, hình thành một mạng lưới các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, đoàn thể đa dạng, phong phú và phức tạp, tạo ra dân chủ trong lĩnh vực kinh tế, làm nảy sinh nhu cầu dân chủ trong quản lý nhà nước, dân chủ chính trị.
Kinh tế thị trường bên cạnh mặt tích cực còn có những khuyết tật. Sự đam mê lợi nhuận của các cá nhân, doanh nghiệp thường đi đến chỗ vi phạm, bất chấp lợi ích của cộng đồng. Khuyết tật này nằm trong bản chất do vậy cơ chế thị trường tự thân không giải quyết nổi, cần phải có nhà nước tham gia điều tiết, bảo vệ lợi ích công cộng, đảm bảo công bằng xã hội. Cơ chế kinh tế thị trường khuyến khích được mọi cá nhân phát huy tối đa khả năng của mình, nhưng con người sinh ra đã bất bình đẳng về thể chất, khả năng trí tuệ và điều kiện, hoàn cảnh sống. Trong khi đại bộ phận đời sống nhân dân khá lên, thì trong các lĩnh vực khác nhau, có một bộ phận thiểu số trở nên dễ bị tổn thương, dễ bị xâm phạm về các quyền cơ bản và lợi ích hợp pháp. Vì vậy, cần phải có nhà nước để bảo vệ quyền con người, quyền của cá nhân, thiểu số trước đa số.
Nhà nước pháp quyền với những ưu điểm của mình về quản lý xã hội bằng pháp luật đồng thời đảm bảo tính tối thượng của pháp luật, kiểm soát được quyền lực, thúc đẩy dân chủ, bảo vệ quyền con người do vậy là mô hình phù hợp để đáp ứng các đòi hỏi kể trên và là sự lựa chọn đúng đắn trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hiện nay. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với tư tưởng và những căn dặn của Hồ Chủ tịch “việc gì có lợi cho dân thì gắng sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”
Hiến pháp 1992 (sửa đổi) đã quy định: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”