Trong lịch sử đã tồn tại nhiều mô hình nhà nước: Từ những bộ lạc mông muội đến những nhà nước dã man như nhà nước chiếm hữu nô lệ, những đế chế tập quyền liên tục mở rộng biên giới lãnh thổ bằng bạo lực và nô dịch các dân tộc khác, mô hình nhà nước phong kiến, nhà nước cộng hoà v.v. Nhà nước pháp quyền và học thuyết về Nhà nước pháp quyền ra đời trong cách mạng tư sản ở Châu Âu, tuy nhiên, do đã tiếp thu và hấp thụ vào mình nhiều giá trị tinh hoa của nhân loại về xây dựng nhà nước như tư tưởng pháp quyền, phân chia quyền lực, dân chủ, nhân đạo, công bằng, bảo vệ quyền con người v.v. nên học thuyết về xây dựng Nhà nước pháp quyền trở thành một học thuyết có giá trị cao, là tài sản chung của nền văn minh nhân
loại, mà mọi nhà nước trên con đường phát triển đều hướng tới, không phân biệt chế độ chính trị.
So với các mô hình nhà nước khác trong lịch sử, Nhà nước pháp quyền có những đặc trưng cơ bản sau đây:
Thứ nhất, trong Nhà nước pháp quyền pháp luật là tối thượng. Tính tối thượng của pháp luật được thể hiện trước hết ở quyền tối thượng của Hiến pháp. Hiến pháp khi đã được cơ quan đại diện cho toàn thể nhân dân thông qua, tất cả các định chế, cá nhân trong bộ máy nhà nước đều phải ủng hộ và tuân thủ hiến pháp. Tất cả các văn bản pháp luật, các quyết định hành chính, các bản án của cơ quan tư pháp đều phải phù hợp với quy định của Hiến pháp. Nhà nước pháp quyền có cơ chế kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi hiến. Tính tối thượng của pháp luật còn thể hiện ở chỗ pháp luật là cơ sở, là hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước. Pháp luật giới hạn quyền lực, mọi cơ quan, cán bộ công chức nhà nước chỉ được hành động trong phạm vi thẩm quyền mà pháp luật quy định. Tính tối thượng của pháp luật phải được hiểu là pháp luật đứng trên nhà nước, nhà nước không thể tuỳ tiện sửa đổi pháp luật để phục vụ nhu cầu của mình hay của đội ngũ công chức. Quyền lập pháp phải được trao cho một cơ quan đại diện mạnh mẽ của nhân dân.
Thứ hai, Nhà nước pháp quyền có cơ chế hữu hiệu giới hạn và kiểm soát quyền lực. Quyền lực nhà nước nếu chỉ giới hạn bằng pháp luật thôi thì chưa đủ. Pháp luật không tự nhiên sinh ra, không tự động thi hành. Chính con người làm ra pháp luật, chính con người thi hành pháp luật và cũng chính con người giải thích pháp luật. Vì vậy, khi có quyền lực trong tay, con người cũng có thể vượt ra ngoài pháp luật hoặc bóp méo nó. Như vậy, bên cạnh một hệ thống pháp luật hoàn thiện, phân định rõ ràng thẩm quyền của các chủ thể quyền lực, Nhà nước pháp quyền còn cần một cơ chế dùng con người để giới hạn và kiểm soát quyền lực của cong người, dùng đam mê quyền lực của người này để đối trọng và kiểm soát đam mê quyền lực của
người khác. Đó là cơ chế phân công và phối hợp giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong nhà nước pháp quyền.
Thứ ba, Nhà nước pháp quyền thúc đẩy dân chủ, bảo vệ lợi ích cộng đồng. Dân chủ là bản chất của Nhà nước pháp quyền vừa là giá trị được Nhà nước pháp quyền đảm bảo, thúc đẩy. Nhà nước pháp quyền chỉ có điều kiện xuất hiện khi xã hội đã đạt đến trình độ dân chủ nhất định, nhân dân ý thức được các quyền chính trị của mình, cùng nhau thông qua bầu cử lập ra cơ quan đại diện và hình thành nên nhà nước, trao cho nhà nước nguồn quyền lực to lớn từ thiện ý và nguyện vọng của cộng đồng. Nhà nước pháp quyền khi đã được thành lập sẽ hướng tới bảo vệ và thúc đẩy các giá trị dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua hệ thống pháp luật hoàn thiện, có hiệu lực, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đồng thời thúc đẩy tính dân chủ trong chính tổ chức và hoạt động của nhà nước. Mặc khác, Nhà nước pháp quyền bảo vệ quyền lợi của cộng đồng. Nhà nước pháp quyền sinh ra từ quyền lực và ý nguyện của nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Tính phục vụ được thể hiện trong các quy định của pháp luật, trong mọi hoạt động của các cơ quan, công chức nhà nước, theo đó quyền lợi và sự thuận tiện trong lao động và sinh hoạt của mọi người dân phải được đặt lên trên nhu cầu và khả năng quản lý của nhà nước, không vì lý do thiếu năng lực quản lý mà giới hạn sự phát triển của xã hội.
Thứ tư, Nhà nước pháp quyền bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền lợi của thiểu số, những người dễ bị tổn thương. Con người sinh ra và lớn lên vốn đã không bình đẳng về thể chất, về trí tuệ, về điều kiện, hoàn cảnh sống. Do vậy, nhà nước không nên làm cho vấn đề trở nên xấu hơn. Nhà nước pháp quyền là nhà nước nhân đạo và công bằng. Nhà nước pháp quyền đảm bảo cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, đảm bảo cho mọi người cơ hội để thực hiện các quyền và nghĩa vụ, phát huy tối đa năng lực của mình. Nhà nước pháp quyền bảo vệ chặt chẽ quyền con người, cả các quyền chính trị dân sự lẫn các quyền về kinh tế, văn hoá, xã hội. Không
những thế, Nhà nước pháp quyền tuy là nhà nước được lập ra bởi đa số, nhưng là nhà nước đại diện chung cho toàn xã hội, vì vậy có trách nhiệm bảo vệ mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là những thiểu số yếu đuối, dễ bị tổn thương. Quyền lực cưỡng chế của nhà nước là quyền lực xã hội mạnh mẽ nhất và cũng đáng sợ nhất, nhưng trong Nhà nước pháp quyền, quyền lực đó được sử dụng để bảo vệ quyền và lợi ích của mọi người.
Trên cơ sở phân tích các đặc trưng cơ bản, có thể rút ra định nghĩa về Nhà nước pháp quyền như sau: Nhà nước pháp quyền là Nhà nước được tổ chức và xây dựng trên những nguyên tắc và thủ tục mà ở đó tính tối thượng của pháp luật được đảm bảo, quyền lực nhà nước được kiểm soát, lợi ích của xã hội, quyền và lợi ích của công dân, của các nhóm thiểu số được bảo đảm.