Quyền ứng cử đại biểu Quốc hộ

Một phần của tài liệu Đại biểu quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền (Trang 59 - 65)

Cùng với quyền bầu cử, quyền ứng cử là một nội dung quan trọng của chế định bầu cử đại biểu Quốc hội. Quyền ứng cử trở thành đại biểu Quốc hội cũng là một quyền cơ bản của công dân, được quy định trong Hiến pháp và pháp luật.

So với quyền bầu cử, các điều kiện thực hiện quyền ứng cử chặt chẽ hơn. Hầu hết pháp luật các nước trên thế giới đều quy định 02 tiêu chuẩn cơ bản sau đây đối với ứng cử viên đại biểu Quốc hội:

+ Tiêu chuẩn về quốc tịch: ứng cử viên phải có quốc tịch quốc gia nơi họ tham gia ứng cử. Điều này là đương nhiên vì người đại diện cho nhân dân của một quốc gia trước hết phải là công dân của quốc gia đó, vì xuất phát từ bản chất bình thường trong mỗi con người, tình cảm và trách nhiệm lớn lao nhất luôn dành cho mảnh đất và cộng đồng nơi mình đang sinh sống. Một số nước còn quy định cụ thể thời gian ứng cử viên mang quốc tịch đó như pháp luật Hoa Kỳ quy định ứng cử viên phải là công dân Mỹ ít nhất 7 năm, Đức ít nhất 1 năm, Pháp 10 năm. Riêng ở Nhật Bản, pháp luật không quy định vể điều kiện nơi cư trú đối với ứng cử viên đại biểu Quốc hội, nhưng quy định mỗi ứng cử viên phải nộp một khoản tiền nhất định.

+ Tiêu chuẩn về độ tuổi: Là quan niệm của từng nước về thời điểm công dân đạt được độ chín về mặt kết cấu sinh học và tri thức, kinh nghiệm để có thể đảm đương được nhiệm vụ nặng nề của người đại biểu mà nhân dân giao phó. Pháp luật các nước đưa ra các tiêu chuẩn khác nhau: Pháp luật Hoa Kỳ quy định ứng cử viên thành viên của Hạ viện phải có độ tuổi từ đủ

25 tuổi trở lên; pháp luật New Zealand là đủ 18 tuổi, Nhật Bản là đủ 25 tuổi đối với Hạ viện, Đức là 18 tuổi, Pháp là 23 tuổi đối với Hạ viện.

Pháp luật Việt Nam quy định: Công dân Việt Nam đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử theo các tiêu chuẩn được quy định trong Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội. Khi đáp ứng đủ điều kiện nói trên, có hai phương thức thực hiện quyền ứng cử đại biểu Quốc hội: tự ứng cử hoặc qua giới thiệu.

Tự ứng cử là quyền của công dân tự mình đăng ký ứng cử đại biểu Quốc hội mà không cần qua giới thiệu. Điều 2 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội quy định “công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp,thời hạn cư trú, nếu đủ điều kiện về độ tuổi (đủ mười tám tuổi trở lên), năng lực và tín nhiệm với cử tri đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội theo thủ tục tự ứng cử”. Đây là một trong những điểm rất tiến bộ của pháp luật bầu cử, bảo đảm quyền tự do ứng cử của mọi công dân. Tuy nhiên, thực tiễn lại cho thấy nền chính trị đương đại là nền chính trị đề cử. Không chỉ riêng Việt Nam, hầu hết các cuộc bầu cử ở các nước trên thế giới, những người thắng cử đều là những người được các tổ chức chính trị đề cử và ủng hộ, rất ít người tự ứng cử hay các ứng cử viên độc lập giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử. Kết quả bầu cử Hạ nghị viện Australia tháng 10/2004 trong số 150 nghị sỹ được bầu chỉ có 03 người là ứng cử viên độc lập thắng cử [40]. Bầu cử Quốc hội Pháp tháng 6/2002 trong số 577 nghị sỹ có 22 đại biểu là ứng cử viên độc lập thắng cử. Bầu cử Quốc Hội Việt Nam khoá XI năm 2002 có 03 đại biểu là người tự ứng cử trúng cử đại biểu Quốc hội.

Như vậy, việc bảo đảm quyền tự do ứng cử ngày nay xoay quanh việc làm sao để có nhiều cơ quan, tổ chức giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Quan trọng hơn, phải xây dựng được cơ chế để thôi thúc họ thi đua với nhau tìm kiếm người có năng lực để giới thiệu ra ứng cử. Chỉ khi đó, việc giới thiệu người ra ứng cử mới thực sự trở thành việc tìm kiếm nhân tài. Cơ chế giới thiệu ứng cử viên là một công đoạn cực kỳ quan trọng liên quan

đến sự thành công của cuộc bầu cử và chất lượng đại biểu. Tính chất dân chủ không chỉ thể hiện trong khi xác định kết quả bầu cử mà còn ngay từ khi giới thiệu ứng cử viên. Về nguyên tắc, chủ thể giới thiệu ứng cử viên càng rộng bao nhiêu thì càng thể hiện sự dân chủ bấy nhiêu. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, những chủ thể được quyền giới thiệu ứng cử viên đại biểu Quốc hội gồm: tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương.

Tham khảo kinh nghiệm ở các nước, nơi có nhiều đảng phái tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, tính cạnh tranh trong bầu cử rất cao do đảng nào cũng muốn người của mình được nhân dân lựa chọn làm đại biểu Quốc hội, từ đó, mục tiêu, lý tưởng, chương trình hành động của đảng mới có cơ hội đưa ra Quốc hội xem xét, thể chế hoá thành pháp luật. Hơn nữa, việc giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử Quốc hội hay bầu cử người đứng đầu nhà nước còn đem lại cho đảng giành thắng lợi cơ hội thực thi quyền lực nhà nước, biến chủ trương, sách lược của đảng thành pháp luật, chính sách của nhà nước và cả những lợi ích vật chất, hay những ưu thế là phần thưởng mà sự chiến thắng đem lại cho các thành viên của đảng. Sự cạnh tranh quyết liệt giữa các ứng cử viên trong bầu cử, mà bản chất bên trong là sự cạnh tranh giữa các đảng phái, đã làm cho quan hệ bầu cử trở nên vô cùng phức tạp và đa dạng. Nhưng nhân dân suy cho cùng sẽ được hưởng lợi từ sự cạnh tranh đó. Để được lựa chọn các ứng cử viên phải là những người tiêu biểu, có tiểu sử tốt, có chương trình hành động phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của cử tri, có cam kết mạnh mẽ về hành động khi đắc cử. Chính vì vậy, trước khi mỗi cuộc bầu cử diễn ra, các đảng phái toả về các ngõ ngách của đời sống xã hội tìm ra những ứng cử viên tiềm năng để giới thiệu ra ứng cử. Việc tìm được người tài, người có năng lực, có quyết tâm và khát khao chiến thắng có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả bầu cử.

Xét đặc thù nước ta có nền chính trị thống nhất. Điều 4, Hiến pháp 1992 (sửa đổi) quy định “Đảng cộng sản Việt Nam, đội quân tiên phong của

giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc … là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Để đảm bảo tính thống nhất trong tổ chức Đảng, Điều lệ Đảng và Quy định số 19/QĐ-TW về những điều Đảng viên không được làm [23] không cho phép đảng viên tự ý ứng cử nếu không được sự giới thiệu và cho phép của cấp uỷ. Trong một nền chính trị thống nhất và không có cạnh tranh, phải đổi mới thế nào để tạo ra động cơ thôi thúc việc tìm kiếm nhân tài? Nếu như ở nước ngoài, động cơ đó xuất phát từ sự cạnh tranh giành chiến thắng của các đảng chính trị, họ buộc phải tìm được những ứng cử viên giỏi, có năng lực, có uy tín để có cơ hội chiến thắng trong bầu cử, thì trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể ở nước ta, cũng cần phải có những cơ chế tương tự để các cấp uỷ trong nội bộ Đảng, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức xã hội thi đua giới thiệu người có năng lực ra ứng cử. Quan trọng hơn, những ứng cử viên đó cũng phải có động cơ đúng đắn trở thành đại biểu Quốc hội, có khát khao chiến thắng khi ra tranh cử.

Luật bầu cử đại biểu Quốc hội quy định Mặt trận tổ quốc, với tư cách là tổ chức liên hiệp bao gồm các thành viên Đảng cộng sản, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, là chủ thể duy nhất lập danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Muốn có danh sách ứng cử viên chính thức cho các đơn vị bầu cử niêm yết, Mặt trận tổ quốc Việt Nam phải tổ chức 03 hội nghị hiệp thương giữa các tổ chức là thành viên.

Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất được tổ chức chậm nhất là 85 ngày trước ngày bầu cử, để thoả thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được bầu làm đại biểu Quốc hội trên cơ sở dự kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội gửi đến. Căn cứ vào kết quả hội nghị, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, tiến hành điều chỉnh lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được bầu làm đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở kết quả điều chỉnh lần thứ nhất này, các cơ quan,

tổ chức, đơn vị được phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội tiến hành giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội.

Hội nghị hiệp thương lần thứ hai được tổ chức để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, đối với người tự ứng cử thì còn được gửi lấy ý kiến cử tri nơi người đó làm việc (nếu có). Căn cứ và kết quả Hội nghị, Uỷ ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ hai cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được bầu làm đại biểu Quốc hội.

Hội nghị hiệp thương lần thứ ba căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu, cơ cấu, thành phần và số lượng được bầu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ hai và kết quả lấy ý kiến cử tri để lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

Như vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên giữ vai trò quan trọng trong hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội ở nước ta. Các Hội nghị hiệp thương do Mặt trận tổ quốc tổ chức với quy trình thoả thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được bầu làm đại biểu Quốc hội và phân bổ về các cơ quan tổ chức để giới thiệu ứng cử viên, tiến hành chọn lọc ứng cử viên căn cứ vào các tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 3 Luật bầu cử Quốc hội, đã góp phần chọn lọc và giới thiệu những ứng cử viên với đầy đủ đại diện của các thành phần, tầng lớp trong xã hội. Nhờ kết quả chọn lọc của các Hội nghị hiệp thương này, hoạt động bầu cử thời gian qua đã góp phần tạo ra hình ảnh Quốc hội với tỷ lệ đại biểu hài hoà, cân đối về giới tính, thành phần, dân tộc, tôn giáo v.v. mà các cuộc bầu cử ở các nước trên thế giới hiếm khi đạt được. Tuy nhiên, việc xác định cơ cấu thành phần đại biểu và phân bổ chỉ tiêu ứng cử viên về các cơ quan đơn vị để giới thiệu đã tạo ra một cơ chế tương tự chế độ “quota” hay hạn ngạch về số lượng ứng cử viên. Một cơ quan, tổ chức cho dù phát hiện ra người có năng lực , muốn giới thiệu người đó ứng

cử đại biểu Quốc hội nhưng không nằm trong danh sách phân bổ hạn ngạch đó sẽ khó thực hiện được ý nguyện của mình. Một cơ chế như vậy vô tình đã tạo ra một rào cản đối với việc thực hiện quyền đề cử, làm giảm khả năng giới thiệu được những ứng cử viên có chất lượng.

Mặt khác, tiêu chí sơ tuyển để lập danh sách chính thức các ứng cử viên thiên về hình thức mà chưa hướng tới mục tiêu tuyển chọn được các ứng cử viên có chất lượng vì chỉ căn cứ vào cơ cấu, thành phần, 5 tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và kết quả lấy ý kiến cử tri.

So sánh 05 tiêu chuẩn sơ tuyển quy định tại Điều 3 với pháp luật các nước trên thế giới cho thấy điều này xuất phát từ thói quen lập pháp là đưa các chuẩn mực đạo đức vào pháp luật. Có thể tìm thấy các quy định tương tự trong các quy định về công chức, giáo viên, bác sỹ, luật sư, thẩm phán, thanh tra, công an v.v. Đạo đức thường có xu hướng lý tưởng hoá. Các giá trị đạo đức do vậy thường là những gì con người hướng tới trong cuộc sống hơn là những giá trị đang hiện hữu, tồn tại. Bản chất con người là đa diện và vô cùng phức tạp, có tốt – xấu, có tham vọng và cả lòng vị tha. Vì vậy, theo chúng tôi, nếu lấy các tiêu chuẩn đạo đức thiên về định tính để đánh giá chủ thể pháp luật sẽ tạo ra nhiều khó khăn trong việc áp dụng, làm giảm hiệu lực của pháp luật, khiến cho các quy định của pháp luật vừa quá khắt khe, lại vừa tạo ra nhiều ngoại lệ; vừa ngăn cản những người có động cơ tốt, vừa tạo điều kiện cho những người cơ hội biết khéo che đậy những điểm nhược của mình.

Mặt khác, theo chúng tôi một người đại biểu Quốc hội điển hình mà chúng ta hướng tới không chỉ là một con người tốt về mặt đạo đức, có năng lực, trình độ, điều kiện hoạt động. Đó chỉ những điều kiện “tĩnh”. Còn có một điều kiện “động” quan trọng hơn rất nhiều, đó là động cơ chính đáng trở thành đại biểu Quốc hội. Động cơ chính đáng đó là ước nguyện đã chín muồi, là khát khao, là niềm đa mê được hoạt động vì lợi ích của cộng đồng.

Chỉ khi có động cơ đó, các khả năng tiềm ẩn như đạo đức, năng lực mới được bộc lộ, mới trở thành một người đại diện có ích cho nhân dân và xã hội. Một người đại biểu tích cực, biết hành động, dám đấu tranh có giá trị gấp nhiều lần người có đạo đức, năng lực nhưng thụ động. Đây chính là tố chất mà các đại biểu Quốc hội hiện nay đang thiếu và nó giải thích cho hiện tượng: chất lượng lập pháp, giám sát chưa đạt yêu cầu, sự vắng vẻ và hình thức của các cuộc tiếp xúc cử tri, sự vô cảm của công chúng đối với đại biểu Quốc hội.

Nhân dân bằng niềm tin từ hàng triệu con tim, sự sáng suốt của hàng triệu khối óc hoàn toàn có đủ khả năng để chọn ra người đại biểu xứng đáng của mình mà không cần những quy định đạo đức định tính của pháp luật. Pháp luật chỉ nên quy định các tiêu chuẩn tối thiểu và có thể định lượng được rõ ràng đối với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội (như quốc tịch, độ tuổi, nơi cư trú), và hơn thế, còn cần phải khuyến khích nhiều người có năng lực ra ứng cử.

Một phần của tài liệu Đại biểu quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền (Trang 59 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)