Quyền bầu cử đại biểu Quốc hộ

Một phần của tài liệu Đại biểu quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền (Trang 57 - 59)

Quyền bầu cử là một quyền chính trị quan trọng và cơ bản nhất của công dân, phản ánh mức độ dân chủ của xã hội. Lịch sử phát triển của xã hội cho thấy quyền bầu cử chỉ được thừa nhận qua cuộc đấu tranh chính trị cam go và lâu dài của nhân dân, khi xã hội đã phát triển đến một trình độ dân chủ nhất định. Ở các nước tư bản, thời kỳ đầu, quyền bầu cử chỉ giới hạn ở một

số người, bị phân biệt theo tài sản sở hữu, địa vị xã hội, giới tính, màu da v.v. Ví dụ ở nước Mỹ thời kỳ đầu chỉ có những đàn ông da trắng có tài sản. Tại nước Mỹ, Hiến pháp đã phải sửa đổi 4 lần để mở rộng và khẳng định quyền bầu cử của công dân [42]. Ở nước Nhật, cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức vào năm 1890, nhưng mãi đến sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, mọi người dân đến tuổi trưởng thành mới được quyền bầu cử [43]. Đa số các nước trên thế giới đều quan niệm tham gia bầu cử là quyền của công dân, mang tính chất hoàn toàn tự nguyện. Tuy nhiên, cũng có một số nước áp dụng chế độ bầu cử bắt buộc, ví dụ như ở Australia, theo đó tất cả các cử tri đến tuổi bầu cử đều buộc phải đăng ký đi bầu. Để thực hiện được tốt quyền này đòi hỏi cá nhân phải đạt đến sự trưởng thành nhất định về kết cấu sinh học và nhận thức. Vì vậy, pháp luật các nước đều đưa ra độ tuổi tối thiểu để thực hiện quyền bầu cử, thường là 18 tuổi (Mỹ, Australia, Nga, Đức, Pháp, Việt Nam v.v.). Riêng pháp luật Cộng hoà liên bang Đức, ngoài điều kiện về độ tuổi, còn quy định cử tri phải có thời gian cư trú tại Đức ít nhất 3 tháng trước ngày bầu cử

Ngay sau khi giành được độc lập (2/9/1945), ngày 8/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 14/SL về tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Theo Sắc lệnh nói trên, tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội đều có quyền bầu cử. Kể từ đó, quyền bầu cử của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật về bầu cử. Điều 54 Hiến pháp 1992 (sửa đổi), Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (sửa đổi) năm 2001 quy định : Công dân nước CHXHCN Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử, trừ những người mất trí và những người đang thi hành hình phạt tù hay bị tạm giam. Chế độ bầu cử ở nước ta là chế độ bầu cử tự nguyện.

Như vậy, ngay từ khi thành lập nước tới nay, quy định của pháp luật về quyền bầu cử luôn phản ánh tính chất tiến bộ và bản chất nhân dân của Nhà nước ta, mở rộng tối đa quyền bầu cử của công dân. Thực tiễn cũng cho thấy các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội đều được đông đảo nhân dân tham gia, hưởng ứng.

Một phần của tài liệu Đại biểu quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền (Trang 57 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)