khách chuyên nghiệp.
Chính khách là khái niệm dùng để chỉ những người nắm những chức vụ trong bộ máy nhà nước mà quyết định của nó ảnh hưởng đến toàn bộ quốc gia hay cộng đồng. Chính khách thường là đại biểu Quốc hội (Nghị sỹ), lãnh đạo Nhà nước, các Bộ trưởng hoặc các lãnh đạo địa phương. Chính khách không phải là công chức nhà nước, không đòi hỏi phải quá giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, thậm chí không cần chuyên môn. Bản tính cần có của chính khách là sự nhạy cảm, biết cảm nhận được vấn đề cần giải quyết, thậm chí cả những việc chống lại, hay đi ngược lại cả những chính sách và pháp luật hiện hành, theo đuổi mục tiêu theo chính kiến của mình. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính khách là phải có trách nhiệm hoạch định ra chính sách quốc gia. Chính sách này thường gắn với nhiệmkỳ hoạt động của chính khách qua mỗi một lần bầu cử, hoặc qua mỗi nhiệm kỳ đảm nhiệm công việc.
Đại biểu Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền là các chính khách chuyên nghiệp, dành toàn bộ thời gian thực hiện công việc đại biểu, nhạy cảm với những nhu cầu xã hội, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, có khả năng đề xuất giải pháp, phản biện, đóng góp nhằm hoàn thiện chính sách Chính phủ trình, dám đấu tranh cho lợi ích của cử tri, lợi ích của cộng đồng. Trong Nhà nước pháp quyền, Quốc hội hoạt động liên tục và mọi công việc chủ yếu diễn ra tại các uỷ ban của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội có rất nhiều việc phải làm để hoàn thành tốt nhiệm vụ đại biểu. Họ phải thường xuyên, chủ động tiếp xúc cử tri dưới nhiều hình thức, vừa phải tham gia tích cực vào công việc tại Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội, vừa phải chủ động tìm kiếm nguồn thông tin, duy trì và mở rộng quan hệ với các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước v.v. Khối lượng công việc đó một người hoạt
động kiêm nhiệm không thể đảm nhận được, nó đòi hỏi đại biểu Quốc hội phải dành toàn bộ thời gian của mình để thực hiện. Hơn nữa, trong một xã hội dân chủ, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân không chấp nhận người đại diện của mình hoạt động hình thức, không có khả năng đảm nhiệm tốt công việc vì lý do còn bận kiêm nhiệm nhiệm vụ một công chức nhà nước.
Là chính khách chuyên nghiệp đòi hỏi đại biểu Quốc hội phải đề cao trách nhiệm cá nhân của mình trong quá trình hoạt động. Đại biểu Quốc hội trước hết phải tự ý thức được trách nhiệm trong việc thực nhiệm những nhiệm vụ nặng nề mà nhân dân tin tưởng giao phó. Nhưng nếu chỉ trông cậy vào sự tự giác của đại biểu về trách nhiệm của mình thì sẽ không đầy đủ. Nhà nước pháp quyền bên cạnh tính dân chủ, nhân đạo còn là nhà nước nhân bản. Bản chất con người là đa diện, không phải lúc nào con người cũng hoàn hảo, con người cũng có lúc yếu đuối, ngại va chạm hoặc hành động vì lợi ích riêng tư. Vì vậy, bên cạnh đề cao tính tự giác, còn cần có cơ chế giám sát hoạt động của đại biểu Quốc hội, thôi thúc đại biểu luôn tích cực trong hoạt động và phải chịu trách nhiệm, dám chịu trách nhiệm về kết quả công việc của mình. Nhân dân là người có quyền giám sát hoạt động của đại biểu Quốc hội và có quyền bãi miễn đại biểu khi không hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhà nước pháp quyền phải có cơ chế thông thoáng để nhân dân thực hiện quyền giám sát và bãi miễn đó.
Tính chuyên nghiệp đòi hỏi đại biểu Quốc hội phải có quyền vận động đại biểu khác, vận động cử tri, tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước ủng hộ sáng kiến của mình. Quyền vận động là một quyền năng quan trọng của đại biểu Quốc hội, xuất phát từ bản chất quyền lực của Quốc hội là quyền lực tập thể. Quyền vận động tạo ra cơ chế liên kết các đại biểu Quốc hội, khởi động các quyền năng của Quốc hội, tạo ra sự chủ động, năng động trong hoạt động của Quốc hội. Nếu thiếu cơ chế liên kết này, nhiều quyền năng của Quốc hội từ quyền lập pháp, bỏ phiếu tín nhiệm, quyết định các vấn đề quan trọng v.v.
sẽ có xu hướng vận hành theo quán tính, theo định hướng của cơ quan trình, thiếu đi tính sáng tạo từ phía Quốc hội, đại biểu Quốc hội, khiến cho hoạt động của Quốc hội trở nên hình thức. Ngoài quyền vận động, đại biểu Quốc hội còn phải sử dụng thành thạo các kỹ năng đại biểu như thuyết phục, tranh luận v.v.
Là chính khách chuyên nghiệp, đại biểu Quốc hội phải có mong muốn và đam mê với công việc đại biểu, có động cơ tái cử rõ ràng. Động cơ tái cử sẽ thôi thúc đại biểu Quốc hội thực hiện đúng những gì đã hứa với cử tri, luôn gắn bó, gần gũi với cử tri, đấu tranh cho lợi ích của cử tri và cộng đồng. Động cơ tái cử góp phần tăng cường năng lực thể chế của Quốc hội. Một khoá Quốc hội mới với đông đảo các đại biểu Quốc hội tái cử sẽ góp phần tạo ra sự liên tục trong hoạt động, sự nhất quán trong hành động, tích luỹ kinh nghiệm, tri thức góp phần nâng cao chất lượng hoạt động.
Đại biểu Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền còn cần phải có những phẩm chất đạo đức của người chính khách. Ngoài những giá trị đạo đức cơ bản, đạo đức người chính khách còn đặc trưng bởi bản tính gần gũi, thấu hiểu nhân dân, cảm thông với những lo toan của người lao động, chia xẻ, giúp đỡ người nghèo, người gặp khó khăn. Đó còn là tinh thần phục vụ cộng đồng, phục vụ xã hội xuất phát từ chính niềm đam mê của mình.