Hoàn thiện nhóm quyền liên quan đến hoạt động giám sát

Một phần của tài liệu Đại biểu quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền (Trang 114 - 116)

Giám sát vừa là chức năng quan trọng của Quốc hội, vừa là quyền năng của Quốc hội. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi Quốc hội phải thực hiện tốt công tác giám sát để đảm bảo tính tối thượng của pháp luật, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, bản chất dân chủ của Nhà nước.

Quyền giám sát của Quốc hội cần được cá thể hoá thành các quyền năng của đại biểu Quốc hội. Trước hết, cũng giống như sáng quyền lập pháp, đại biểu Quốc hội cần được trao sáng quyền giám sát và cơ chế để đảm bảo thực

hiện. Theo đó, đại biểu Quốc hội hoặc nhóm đại biểu Quốc hội có quyền gửi sáng kiến giám sát một lĩnh vực hoạt động cụ thể nào đó tới Quốc hội để xem xét đưa vào chương trình giám sát chính thức. Trong văn bản gửi trình, đại biểu Quốc hội hoặc nhóm đại biểu Quốc hội có sáng kiến phải giải trình nhu cầu, lý do tiến hành hoạt động giám sát, cách thức tiến hành, dự toán chi phí v.v. Trường hợp sáng kiến giám sát được Quốc hội chấp thuận và được đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoặc nhóm đại biểu Quốc hội đó có quyền đứng ra thành lập Đoàn giám sát, mời thêm các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước có liên quan tham gia, được quyền ký hợp đồng thuê các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực cần giám sát tham gia làm thành viên Đoàn giám sát. Đoàn giám sát được sử dụng kinh phí giám sát đã được Quốc hội thông qua để triển khai hoạt động giám sát theo kế hoạch được duyệt. Để tăng cường tính chuyên sâu trong hoạt động đánh giá, phân tích thông tin, Đoàn giám sát cần được quyền ký hợp đồng thuê các tổ chức kiểm toán, tổ chức nghiên cứu, điều tra, khảo sát độc lập để có được đánh giá sâu về đối tượng giám sát, tăng chất lượng và tính chính xác của báo cáo giám sát gửi Quốc hội.

Quyền chất vấn: đại biểu Quốc hội phải được thực hiện quyền chất vấn của mình thường xuyên hơn, không chỉ tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội mà cần được diễn ra thường xuyên tại các Uỷ ban của Quốc hội dưới nhiều hình thức: hỏi đáp, yêu cầu giải thích, điều trần v.v. Hoạt động chất vấn diễn ra tại các uỷ ban sẽ có điều kiện về thời gian để đi sâu, mổ xẻ đến cùng vấn đề. Khi chất vấn, đại biểu Quốc hội sử dụng kết quả giám sát của mình để yêu cầu cơ quan hành pháp giải trình, nếu phát hiện tồn tại có quyền yêu cầu phải có giải pháp cụ thể báo cáo Quốc hội. Ngoài ra, giống như hoạt động chất vấn tại Hội trường, hoạt động chất vấn tại các uỷ ban nhất thiết phải có sự tham gia chứng kiến và đưa tin của các phương tiện thông tin đại chúng, tạo điều kiện để nhân dân theo dõi. Quyền chất vấn chỉ thực sự có hiệu lực và hiệu quả khi hoạt động chất vấn diễn ra minh bạch,

công khai. Pháp luật cũng cần quy định rõ thủ tục và các hạn thời gian để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn. Ví dụ: Điều 11 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội có quy định về nội dung phiếu ghi câu hỏi chất vấn, nhưng chưa quy định rõ trường hợp phiếu ghi nào được coi là không hợp lệ, những trường hợp nào Đoàn thư ký có quyền từ chối đưa câu hỏi vào chương trình chất vấn. Ngoài ra, cũng cần có những quy định cụ thể về việc bảo đảm thực hiện những lời hứa, cam kết trước đại biểu Quốc hội và nhân dân của người bị chất vấn. Cụ thể cần công bố công khai trên báo chí, trang Web của Quốc hội về những trả lời chất vấn của các Bộ trưởng tại những kỳ họp Quốc hội trước để đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước giám sát, theo dõi.

Quyền bỏ phiếu tín nhiệm: Quyền giám sát của đại biểu Quốc hội phải gắn liền với quyền bỏ phiếu tín nhiệm thì mới có hiệu quả và đủ uy lực để đảm bảo tính tối thượng của pháp luật. Việc pháp luật quy định một số lượng đại biểu tối thiểu để khởi động quyền bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội là cần thiết để đảm bảo tính ổn định và sự độc lập trong công việc của các Bộ trưởng và người đứng đầu Chính phủ. Tuy nhiên, tỷ lệ này cần phải hợp lý để đảm bảo quyền này có thể được khởi động. Theo chúng tôi, tỷ lệ này nên dao động từ 5% - 10% vì dù sao đây chỉ là việc đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm ra trước Quốc hội. Quan trọng là quyền quyết định, tín nhiệm thế nào thuộc về toàn thể Quốc hội, pháp luật không nên quá nhấn mạnh đến quá trình đề xuất để vô tình tạo ra một rào cản kỹ thuật không cần thiết. Hơn nữa, cần kết hợp với quyền vận động của đại biểu Quốc hội để hình thành cơ chế liên kết các đại biểu, tạo sức mạnh tập thể vận hành quyền năng quan trọng này.

Một phần của tài liệu Đại biểu quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền (Trang 114 - 116)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)