vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh
Như ở phần lý luận, chủ doanh nghiệp và những thành viên góp vốn trước khi có ý tưởng thành lập doanh nghiệp, ngoài việc góp vốn, định hướng cho kinh doanh cũng như cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, họ cần phải biết một cách chính xác những quy định rõ ràng về sự bảo đảm của Nhà nước đối với việc thành lập, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cụ thể là bảo đảm tài sản góp vốn, bảo đảm hoạt động kinh doanh trong đó có thị trường tiêu thụ sản phẩm, sinh lợi từ hoạt động kinh doanh.
Để bảo đảm của Nhà nước đối với chủ sở hữu doanh nghiệp về tài sản, cơ cấu tổ chức hoạt động, thị trường tiêu thụ sản phẩm, lợi nhuận thu được không chỉ đơn thuần là các quy định của LDN là đủ mà nó còn liên quan đến rất nhiều các đạo luật trong hệ thống pháp luật và các thiết chế kinh tế xã hội.
Các đạo luật trong hệ thống pháp luật và các thiết chế kinh tế xã hội phải tạo ra hành lang pháp lý bình đẳng, công bằng, rõ ràng và minh bạch cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần sở hữu khác nhau được đối xử như nhau trong điều kiện giống nhau. Sự bình đẳng công bằng ở đây bao gồm các quy định về đầu tư, vốn và tài sản của doanh nghiệp, các chính sách thuế, thị trường tiêu thụ sản phẩm, khả năng doanh nghiệp tiếp cận với các tổ chức tài chính tín dụng để huy động vốn. Sự minh bạch, rõ ràng được hiểu là trong
trường hợp nào doanh nghiệp bị trưng dụng có bồi hoàn, cơ chế tính giá trị bồi hoàn, phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán, cơ chế giải quyết tranh chấp khi bồi hoàn không thỏa đáng.
Sự bảo đảm của Nhà nước đối với chủ ở hữu doanh nghiệp không chỉ được hiểu đơn thuần là sự bảo đảm đối với vốn tài sản của công ty, hoạt động kinh doanh, lợi nhuận thu được, mà còn bảo đảm cả trong trường hợp doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Những nhà kinh doanh thành lập doanh nghiệp luôn với mục đích tìm kiếm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh. Nếu kinh doanh có hiệu quả, doanh nghiệp đem lại rất nhiều lợi ích cho xã hội, trước hết là cho chính chủ sở hữu doanh nghiệp thông qua lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh, tiếp đến là tạo công ăn việc làm cho xã hội và thông qua tạo công ăn việc làm đã tạo thu nhập cho người dân, tiếp nữa là đóng góp vào ngân sách Nhà nước thông qua các loại thuế phải nộp như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và các loại thuế khác, cuối cùng là thông qua lao động khả năng tư duy sáng tạo của con người không ngừng phát triển nâng cao, đồng thời một xã hội tỷ lệ thất nghiệp thấp sẽ ổn định hơn một xã hội có sức ép về giải quyết việc làm. Để mở rộng hoạt động kinh doanh đem lại lợi ích nhiều hơn nữa các nhà doanh nghiệp phải huy động vốn từ các nguồn vay. Như vậy sự bảo đảm của Nhà nước đối với chủ sở hữu của doanh nghiệp cũng như hoạt động kinh doanh và lợi nhuận thu được của doanh nghiệp là tất yếu, vì sự bảo đảm này đem lại lợi ích cho toàn xã hội, nhưng không phải lúc nào kinh doanh cũng thuận lợi và không phải doanh nghiệp nào cũng hoạt động hiệu quả sau khi được thành lập. Trong những trường hợp doanh nghiệp không có khả năng thanh toán nợ đến hạn và lâm vào tình trạng phá sản, những rủi ro xảy ra người gánh chịu đầu tiên là chủ sở hữu doanh nghiệp, nhưng sẽ là không công bằng và phi đạo lý nếu rủi ro này chủ sở hữu doanh nghiệp phải hoàn toàn gánh chịu. Để đem lại sự công bằng và đạo lý phải có sự bảo đảm của Nhà nước đối với chủ sở hữu doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản dựa trên nguyên
tắc chia sẻ rủi ro giữa chủ sở hữu doanh nghiệp, chủ nợ khách hàng, người lao động và Nhà nước. Do đó việc quy định như thế nào là doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, các quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp, cơ chế giải quyết cũng là một trong các biện pháp bảo đảm của Nhà nước đối với chủ sở hữu doanh nghiệp.
Đối chiếu những vấn đề phân tích trên vào thực trạng các quy định về sự bảo đảm của Nhà nước đối với doanh nghiệp, LDN hoàn thiện các quy định về sự bảo đảm của Nhà nước đối với chủ sở hữu doanh nghiệp khi góp vốn để đầu tư kinh doanh theo hướng:
- Nhà nước công nhận sự tồn tại, phát triển bình đẳng của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
- Nhà nước không quốc hữu hóa hoặc tước quyền sở hữu của chủ doanh nghiệp một cách trực tiếp hoặc gián tiếp hay những biện pháp tương tự như quốc hữu hóa, tước quyền sở hữu trừ trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hay vì lợi ích quốc gia/ lợi ích công cộng, theo phương thức không phân biệt đối xử.
- Trong trường hợp trưng dụng và mục đích công cộng (Luật cần quy định rõ mục đích công là những mục đích phục vụ cộng đồng chung như làm đường, công viên hay các công trình xã hội và chiến tranh) Nhà nước phải bồi hoàn cho chủ sở hữu.
- Việc bồi hoàn được thanh toán nhanh chóng không chậm trễ, đầy đủ và có hiệu quả. Giá trị bồi hoàn được tính theo giá thị trường tại thời điểm ngay trước khi trưng dụng bao gồm phần vốn của chủ sở hữu, lợi nhuận thu được, lãi vay theo lãi suất thương mại hợp lý. Khi có tranh chấp xảy ra trong quá trình trưng dụng và bồi hoàn các doanh nghiệp có quyền khiếu kiện ra tòa án.
Bên cạnh sự hoàn thiện các quy định của LDN thì các đạo luật khác trong hệ thống pháp luật và các thiết chế kinh tế, xã hội cũng cần hoàn thiện.