Về khái niệm tài sản góp vốn

Một phần của tài liệu Góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ trong Pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 106 - 107)

Mặc dù khái niệm TSTT là một khái niệm đã được sử dụng rất phổ biến, tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có bất kỳ một văn bản nào quy định khái niệm TSTT nhưng đã có khái niệm quyền TSTT trong Luật SHTT "Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với TSTT, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng" [39, Khoản 1 Điều 4]. Thông qua các khái niệm về quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng để hiểu thế nào là TSTT. Theo đó, TSTT được hiểu bao gồm: các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; các chương trình biểu diễn, các bản ghi âm và các chương trình phát sóng; các sáng chế; các kiểu dáng công nghiệp; các bí mật kinh doanh; các nhãn hiệu; bản quyền, bằng sáng chế, bí quyết thương mại, bí quyết kinh doanh; chỉ dẫn địa lý; tên thương mại; giống cây trồng mới; thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn... Khái niệm "tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản" trong BLDS cũng như TSTT trong pháp luật SHTT quy định bằng cách liệt kê các hình thái biểu hiện, không mang tính khái quát đã tạo ra những bất cập, cụ thể:

Thứ nhất, quy định mang tính liệt kê, không đầy đủ, dẫn đến các hệ quả là sự tranh chấp về việc chấp thuận của các thành viên góp vốn trong vấn đề tài sản góp vốn, cũng như sự can thiệp tùy tiện của các cơ quan quản lý vào các báo cáo tài chính của công ty, ảnh hưởng đến tính rõ ràng, minh bạch của các báo cáo tài chính.

Thứ hai, vì quy định mang tính liệt kê do đó nó tạo ra tính không ổn định của pháp luật, vì khả năng sáng tạo của con người là vô tận, do đó của cải vật chất do con người làm ra, hay những quyền tài sản của họ cũng ngày càng đa dạng, phong phú, như vậy các hạng mục liệt kê tài sản sẽ phải thay đổi theo thời gian, và dẫn đến các quy định về tài sản cũng phải thay đổi.

Thứ ba, vì là liệt kê dẫn đến không thống nhất về quan niệm tài sản trong các văn bản khác nhau, đôi khi tạo ra sự mâu thuẫn giữa các văn bản.

Việc đưa ra các định nghĩa về tài sản nói chung và TSTT nói riêng có tính khái quát cao là điều cần thiết, đảm bảo được tính khoa học, góp phần vào hoàn thiện sự thống nhất trong Hệ thống pháp luật, loại bỏ được tính mâu thuẫn, không thống nhất. Việc đưa ra quy định mang tính khái quát sẽ thuận tiện cho các chủ thể góp vốn, tránh được tranh chấp có thể xảy ra cũng như tính ổn định của pháp luật. Các định nghĩa về tài sản phải đảm bảo được các đặc tính cơ bản của của nó.

- Tài sản là các yếu tố có hình thái vật chất (hữu hình), hoặc không có hình thái vật chất (vô hình), có thể xác định được giá trị, chuyển giao được trong giao dịch dân sự và hữu ích. Tài sản bao gồm tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản...

- TSTT là một loại đặc biệt của TSVH, đây là tài sản do trí tuệ con người sáng tạo ra thông qua các hoạt động tư duy, sáng tạo, không thể xác định được bằng các đặc điểm vật chất của chính nó nhưng lại có giá trị vì có khả năng sinh ra lợi nhuận và thường được pháp luật bảo vệ khỏi sự sử dụng trái thẩm quyền. TSTT gồm: các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; các chương trình biểu diễn, các bản ghi âm và các chương trình phát sóng; các sáng chế; các kiểu dáng công nghiệp; các bí mật kinh doanh; các nhãn hiệu; bản quyền, bằng sáng chế, bí quyết thương mại, bí quyết kinh doanh; chỉ dẫn địa lý; tên thương mại; giống cây trồng mới; thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn...

Một phần của tài liệu Góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ trong Pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 106 - 107)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)