VỀ HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VỀ HẠCH TOÁN KẾ TOÁN TÀI SẢN TRÍ TUỆ

Một phần của tài liệu Góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ trong Pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 96)

TRÍ TUỆ

Chuẩn mức Kế toán số 4 ban hành kèm theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định "TSCĐ vô hình là tài sản không có hình thái vật chất nhưng xác định được giá trị và do doanh nghiệp nắm giữ, sử dụng trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ hoặc cho các đối tượng khác thuê phù hợp với tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình" [3, Điểm 6], trong đó TSCĐ vô hình gồm:

Quyền sử dụng đất có thời hạn, phần mềm máy vi tính, bằng sáng chế, bản quyền, giấy phép khai thác thủy sản, hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, giấy phép nhượng quyền, quan hệ kinh doanh với khách hàng hoặc nhà cung cấp, sự trung thành của khách hàng, thị phần và quyền tiếp thị... [3, Điểm 7].

Như vậy, các TSTT được liệt kê trong văn bản này mới dừng lại ở các loại hình như bản quyền, bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, phần mềm máy tính và chỉ những TSTT có chi phí phát sinh mới được xem xét để ghi nhận.

Danh sách các TSTT thuộc nhóm TSVH được liệt kê một cách không đầy đủ (chẳng hạn, còn thiếu hàng loạt các TSTT khác như kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng, bí mật kinh doanh, các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học và các sản phẩm liên quan) và không chính xác (chẳng hạn, một số TSTT được gọi là "tính chất độc quyền về sản phẩm, mẫu mã, nhãn mác...", hoặc TSTT là sáng chế lại chỉ được giới hạn là "bằng sáng chế"), do đó sẽ dẫn đến việc bỏ qua (không xét

đến) hàng loạt các TSTT thực thụ trong quá trình định giá. Việc coi TSTT cũng giống như các loại TSCĐ vô hình khác mà không chú trọng tới đặc tính riêng (đặc tính sáng tạo, đổi mới) của loại tài sản này, từ đó áp dụng nguyên tắc và phương pháp xác định giá trị TSTT giống như các TSVH khác (không xét đến giá trị lợi ích tương lai do TSTT mang lại) là không hợp lý.

Tại Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20 tháng 10 năm 2009 của Bộ tài chính quy định các tiêu chuẩn nhận biết TSCĐ vô hình là mọi khoản chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã chi ra thỏa mãn đồng thời cả ba tiêu chuẩn là chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó; có thời gian sử dụng trên 1 năm trở lên; nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) trở lên mà không hình thành TSCĐ hữu hình được coi là TSCĐ vô hình (Khoản 2 Điều 3). Các chi phí này được hạch toán trực tiếp hoặc được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. Các chi phí phát sinh trong giai đoạn triển khai được ghi nhận là TSCĐ vô hình tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp nếu thỏa mãn đồng thời bảy điều kiện sau: Tính khả thi về mặt kỹ thuật đảm bảo cho việc hoàn thành và đưa TSVH vào sử dụng theo dự tính hoặc để bán; Doanh nghiệp dự định hoàn thành TSVH để sử dụng hoặc để bán; Doanh nghiệp có khả năng sử dụng hoặc bán TSVH đó; TSVH đó phải tạo ra được lợi ích kinh tế trong tương lai; Có đầy đủ các nguồn lực về kỹ thuật, tài chính và các nguồn lực khác để hoàn tất các giai đoạn triển khai, bán hoặc sử dụng TSVH đó; Có khả năng xác định một cách chắc chắn toàn bộ chi phí trong giai đoạn triển khai để tạo ra TSVH đó; Ước tính có đủ tiêu chuẩn về thời gian sử dụng và giá trị theo quy định cho TSCĐ vô hình. Chi phí phát sinh trong nội bộ để doanh nghiệp có nhãn hiệu hàng hóa, quyền phát hành, danh sách khách hàng, chi phí phát sinh trong giai đoạn nghiên cứu và các khoản mục tương tự không đáp ứng được tiêu chuẩn và nhận biết TSCĐ vô hình được hạch toán vào chi phí kinh doanh trong kỳ (Điều 4.2.d Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 của Bộ Tài chính).

Từ nguyên tắc về việc ghi chép kế toán cho thấy chỉ có những TSTT thực tế có chi phí phát sinh thì mới được xem xét để ghi nhận vào sổ sách kế toán, nếu không có căn cứ về phát sinh chi phí đều không được phép ghi nhận vào sổ sách kế toán. Theo đó, giá trị của các TSTT được phản ảnh vào Tài khoản 213 - TSCĐ vô hình theo phương pháp xác định nguyên giá, theo đó nguyên giá của TSCĐ vô hình là quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng theo quy định của Luật SHTT: là toàn bộ các chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã chi ra để có được quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng theo quy định của pháp luật về SHTT (Điều 4.2.a Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 của Bộ Tài chính), cụ thể là: giá trị bản quyền, bằng sáng chế là toàn bộ các chi phí thực tế doanh nghiệp đã chi ra để có bản quyền tác giả, bằng sáng chế; giá trị nhãn hiệu hàng hóa là các chi phí thực tế liên quan trực tiếp tới việc mua nhãn hiệu hàng hóa; giá trị phần mềm máy tính là toàn bộ các chi phí thực tế doanh nghiệp đã chi ra để có phần mềm máy tính; giá trị giấy phép và giấy phép nhượng quyền là các khoản chi để doanh nghiệp có được giấy phép và giấy phép nhượng quyền thực hiện công việc đó, như giấy phép khai thác, giấy phép sản xuất loại sản phẩm mới…; giá trị TSCĐ vô hình khác như bản quyền, quyền sử dụng hợp đồng… phản ảnh giá trị các TSCĐ vô hình chưa được phản ảnh ở các tài khoản trên. Có thể thấy rằng, ngay cả trong nội dung phương pháp chi phí, cách xác định chi phí cho TSTT cũng không thống nhất và không rõ ràng. Đồng thời, nguyên tắc và phương pháp xác định giá trị TSTT như vậy hoàn toàn không xem xét đến giá trị thị trường hoặc giá trị lợi ích tương lai của TSTT.

Với nguyên tắc về việc ghi chép kế toán là chỉ có những TSTT có chi phí phát sinh thì mới được xem xét để ghi nhận sẽ có rất nhiều TSTT khác thuộc quyền quản lý, sử dụng, sở hữu của doanh nghiệp nhưng không được ghi nhận vì không có căn cứ về phát sinh chi phí đều không được phép ghi nhận vào sổ sách kế toán. Điều đó là hoàn toàn phi lý. Hơn nữa, nguyên tắc

chi phí phát sinh không thể phản ánh đúng giá trị thực của quyền đó, có thể nhiều hơn hoặc ít hơn. Giá trị đó phải do thị trường quyết định. Để định giá đúng và chính xác loại tài sản này, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần có những quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn về TSVH nói chung và TSTT nói riêng, phân loại và ghi nhận TSVH. Tuy nhiên, cũng có thể cho phép doanh nghiệp tự xác định giá trị TSVH để được ghi nhận trong báo cáo tài chính. Đồng thời, để thể hiện chính xác giá trị của tài sản này, hàng năm các doanh nghiệp cần được các tổ chức định giá xác định lại giá trị của các TSVH này. Ngoài ra, cũng cần xây dựng một chính sách phù hợp, nhất quán giữa định giá TSTT và chế độ kế toán kiểm toán để phản ánh đầy đủ và chính xác giá trị TSVH nói chung và TSTT nói riêng.

Theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 04 (VAS 04) cũng như Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IAS 38) thì "Thương hiệu" hoặc "Lợi thế Kinh doanh" là những gì tạo ra từ: nội bộ doanh nghiệp và bản thân nó không mang lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp sau này, mặt khác giá trị của nó thường xuyên thay đổi tùy vào từng thời điểm, thường xuyên khác nhau giữa những người đánh giá giá trị của nó, thường xuyên khác nhau về phương pháp đánh giá nên giá trị của nó không được xác định một cách chắc chắn, do đó nó không được coi là TSCĐ vô hình của doanh nghiệp. Một số Công ty có ghi nhận giá trị "Thương hiệu" hoặc "Lợi thế Kinh doanh" trong Báo cáo Tài chính nhưng đó lại là tài sản ngoài Bảng cân đối kế toán chỉ để các nhà đầu tư có thêm thông tin tham khảo, doanh nghiệp không thể khấu hao phần giá trị thương hiệu đó được. Do vậy, nhiều công ty sử dụng hình thức góp vốn bằng giá trị "Quyền SHTT" về "Thương hiệu" và thực hiện phân bổ giá trị này ("amortised cost") dần vào chi phí kinh doanh như đã đề cập. Việc cơ quan thuế chấp nhận cho một số Công ty được chấp nhận chi phí thương hiệu phân bổ dần chứ không phải là chi phí khấu hao tài sản (deprepreciation cost) là phù hợp. Một số Công ty khác lại "chắc chắn hơn" khi nhận giá trị vốn góp là "Thương hiệu" hoặc "Lợi thế kinh doanh", bằng cách phát hành cổ phiếu ưu đãi góp vốn

(nhưng không có vốn góp) và cổ tức (thường là mức cổ tức cố định) để chi trả cổ tức (từ lợi nhuận sau thuế, chứ không phải từ chi phí trước thuế cho Công ty có "thương hiệu" hoặc "lợi thế kinh doanh" cho mình sử dụng. Chẳng hạn như:

Công ty Thương mại Alibaba 6 Viet Nam sẽ trả tiền cổ tức cho Công ty Tập đoàn Alibaba ở Luân - đôn tiền cổ tức đến 51% vốn góp (hoặc trả chi phí sử dụng thương hiệu Alibaba) mặc dù Công ty Tập đoàn Alibaba ở Luân-đôn chỉ góp vốn 20% vào Công ty Alibaba Việt Nam nhưng vì Công ty Alibaba Việt Nam được sử dụng thương hiệu Alibaba của Công ty Tập đoàn Alibaba ở Luân- đôn [29].

Hiện còn tồn tại các khác biệt giữa LDN, luật thuế và chế độ kế toán về xác định giá trị của TSTT dẫn đến cách ứng xử với cùng một vấn đề của LDN, chế độ kế toán và luật thuế có thể khác nhau. Chính vì vậy, trong tài chính có sự khác biệt giữa thuế và kế toán, hình thành nên thuế thu nhập hoãn lại. Thuế thu nhập hoãn lại nảy sinh từ việc đơn vị kế toán ghi nhận chi phí nhưng có cơ quan thuế không ghi nhận và ngược lại... Sự khác biệt này có thể tạm thời nhưng cũng có thể còn tồn tại lâu dài tùy thuộc vào tình hình cụ thể của đất nước và ý chí của các cơ quan chức năng. Hiện Việt Nam và thông lệ thế giới đã có sự tương đồng về quan điểm này.

LDN Việt Nam 2005 đã chấp thuận cho việc góp vốn bằng thương hiệu. Giá trị góp vốn này vẫn được ghi nhận trên Báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi ghi nhận sẽ ghi nhận theo quy định của chuẩn mực kế toán, nếu đủ tiêu chuẩn thì mới được ghi vào TSVH, nếu không thì không được ghi vào TSVH. Theo đó, thương hiệu được ghi nhận trong sổ kế toán để làm căn cứ chia cổ tức hàng năm nhưng không được xác định là TSCĐ để trích khấu hao. Luật thuế chấp nhận chi phí khấu hao khi có đủ các điều kiện của luật thuế. Nếu doanh nghiệp mua lại quyền sử dụng thương hiệu của công ty mẹ không thông qua góp vốn mà thông qua hình thức mua bán thông

thường thì chi phí đó hoàn toàn có cơ sở xác định. Chi phí đó sẽ đủ cơ sở là chi phí được khấu trừ thuế.

Theo Thông tư số 202/2011/TT-BTC ngày 30/12/2011 hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ, giá trị thương hiệu được tính vào giá trị lợi thế kinh doanh khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Theo đó, giá trị lợi thế kinh doanh tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa là giá trị thương hiệu được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (bao gồm cả chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo phát sinh trước khi thành lập doanh nghiệp, chi phí quảng cáo, tuyên truyền trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu công ty; xây dựng trang web...) (Điểm a Khoản 7 Điều 18 Thông tư số 202/2011/TT-BTC).

Có thể thấy rằng việc góp vốn kinh doanh bằng giá trị quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề phức tạp, nhạy cảm cũng như chưa tổng kết, đánh giá được hết các vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn từ việc góp vốn bằng tài sản này. Vì vậy việc ban hành cơ chế về vấn đề này cần phải cân nhắc, thận trọng. Theo đó, việc ban hành các chính sách liên quan đến góp vốn bằng giá trị quyền sở hữu trí tuệ cần có cơ sở lý luận và thực tiễn để đánh giá đầy đủ, chi tiết trên nhiều khía cạnh khác nhau từ khía cạnh dân sự liên quan đến tài sản đến các khía cạnh tài chính doanh nghiệp cũng như những đặc thù của loại tài sản này.

Chương 3

Một phần của tài liệu Góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ trong Pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 96)