Như đã phân tích thời điểm góp vốn vào công ty được thực hiện cả trước khi công ty được thành lập. Tuy nhiên, sự chuyển dịch quyền sở hữu tài sản góp vốn vào công ty chỉ có thể thực hiện sau khi công ty được thành lập. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, "thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty" [35, Điều 29]. Trường hợp góp vốn bằng tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, ví dụ như biên bản chứng nhận góp vốn, biên bản giao nhận tài sản, biên bản định giá tài sản, biên bản điều chuyển tài sản. Biên bản giao nhận phải ghi rõ tên và địa chỉ trụ sở chính của công ty; họ, tên, địa chỉ thường trú, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác, số quyết định thành lập hoặc đăng ký của người góp vốn; loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn; tổng giá trị tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty; ngày giao nhận; chữ ký của người góp vốn hoặc đại diện theo ủy quyền của người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty. Các biên bản này được coi là chứng từ hợp pháp để xác định nguyên giá TSCĐ và được trích
khấu hao TSCĐ theo quy định. Trường hợp giá trị TSCĐ do đơn vị tự định giá không phù hợp so với thực tế của TSCĐ cùng loại hoặc tương đương trên thị trường thì đơn vị phải xác định lại giá trị hợp lý của TSCĐ; nếu TSCĐ vẫn chưa phù hợp với giá thực tế trên thị trường, cơ quan thuế có quyền yêu cầu đơn vị xác định lại giá trị TSCĐ thông qua Hội đồng định giá ở địa phương hoặc tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật.
Đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Công ty phải xuất hóa đơn, trong hóa đơn ghi giá trị của tài sản đúng bằng giá trị góp vốn theo biên bản của Hội đồng quản trị/ Hội đồng thành viên, dòng thuế GTGT không ghi và gạch chéo. Hóa đơn này làm căn cứ để chuyển quyền sở hữu tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ.
Hầu hết các TSTT thuộc loại tài sản có đăng ký, người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không phải chịu lệ phí trước bạ. Việc mua cổ phần hay phần vốn góp bằng tài sản có đăng ký là quyền SHTT chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật SHTT, không phải TSTT nào cũng phải đăng ký mới phát sinh quyền sở hữu (Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005):
1. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
2. Quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.
3. Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập như sau:
a) Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký;
b) Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó;
c) Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó;
d) Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh.
4. Quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này [37]. Do vậy, một câu hỏi đặt ra là quyền SHTT có thể góp vốn là những quyền nào? Điều 142 Luật SHTT có quy định một số hạn chế đối với việc chuyển quyền sử dụng các đối tượng quyền SHTT mà khi thực hiện việc chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cũng cần phải tuân thủ. Chẳng hạn: quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, tên thương mại không được chuyển giao, quyền sở hữu đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó (Điều 139 Luật SHTT năm 2005); quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu
tập thể đó; Bên được chuyển quyền không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba, trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép.