Góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ

Một phần của tài liệu Góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ trong Pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 31 - 33)

Đến nay, góp vốn là khái niệm không còn xa lạ trong đời sống dân sự, kinh tế và pháp luật nhưng góp vốn bằng TSTT thì dường như vẫn là một khái niệm khá mới mẻ ở Việt Nam. Có thể nhận thấy, khái niệm góp vốn bắt nguồn từ khái niệm sở hữu chung trong pháp luật dân sự. Sở hữu chung là sở hữu của nhiều người đối với tài sản chung, trong khi góp vốn là việc đưa tài sản của nhiều người trở thành tài sản chung. BLDS năm 2005, "sở hữu đối với tài sản do các chủ sở hữu thuộc các thành phần kinh tế khác nhau góp vốn để sản xuất, kinh doanh thu lợi nhuận" [34, Điều 214] là sở hữu chung hỗn hợp, theo đó "mỗi chủ sở hữu chung có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình" [34, Điều 216].

Việc góp vốn tạo nên sự liên kết giữa các thành viên trong doanh nghiệp về quyền và nghĩa vụ. Vốn nhiều hay ít của các thành viên tham gia sẽ tạo cho họ có ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức, điều hành của doanh nghiệp, phân chia lợi nhuận cũng như trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp. Do đó, để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng về tài sản của doanh nghiệp, cần có các quy định pháp luật điều chỉnh quá trình góp vốn của các thành viên trong doanh nghiệp.

Trong đời sống hàng ngày, góp vốn là việc đưa tài sản của nhiều người để trở thành tài sản chung của các thành viên tham gia góp vốn để thực hiện một công việc kinh doanh nhất định. LDN năm 2005 quy định:

Góp vốn là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty. Tài sản góp vốn có thể

là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty do thành viên góp vốn để tạo thành vốn của công ty [35, Khoản 4 Điều 4].

Có thể nhận thấy khái niệm góp vốn mà LDN đưa ra là một khái niệm hẹp chỉ áp dụng trong các công ty (công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh hay công ty cổ phần). Trong thực tế đời sống dân sự, người ta có thể góp vốn trên cơ sở một thỏa thuận về việc góp vốn, một hợp đồng góp vốn thậm chí một giấy viết tay do các bên tự thiết lập khi cùng tiến hành một công việc kinh doanh nhất định mà hai bên cùng thống nhất thực hiện.

Trong phạm vi một công ty, có thể hiểu góp vốn bằng TSTT là việc đưa TSTT vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu chung của công ty. Tuy nhiên, TSTT là một thứ rất trừu tượng nên việc góp vốn bằng TSTT thông qua quyền SHTT phải được sự nhất trí của tất cả các thành viên tham gia góp vốn. Theo Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010 hướng dẫn chi tiết LDN, "quyền SHTT được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền SHTT khác theo quy định của pháp luật SHTT" [17, Điều 5]. Trên cơ sở góp vốn, quyền SHTT được dịch chuyển từ chủ sở hữu quyền TSTT sang công ty.

Phần vốn góp vào công ty thông thường là được tính bằng tiền, nhưng nếu bằng hiện vật hoặc bằng giá trị quyền SHTT phải được định giá và quy đổi thành tiền theo nguyên tắc nhất trí. Tuy nhiên, quyền TSTT là vô hình, rất khó xác định giá trị nên dễ xảy ra tranh chấp giữa các thành viên khi góp vốn kinh doanh và thường là các tranh chấp về phần vốn góp của mỗi thành viên; về quyền sở hữu một phần tài sản của công ty tương ứng với phần vốn góp; về quyền được chia lợi nhuận hoặc về nghĩa vụ chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp; về việc trị giá phần vốn góp giữa các thành viên; về việc chuyển

nhượng phần vốn góp vào công ty giữa các thành viên của công ty hoặc về việc chuyển nhượng phần vốn góp cho người khác không phải là thành viên của công ty... Do vậy, khi góp vốn, các bên cần thống nhất điều lệ hoạt động, phải có biên bản góp vốn, nêu rõ phương thức góp vốn, phân chia lợi nhuận và có đầy đủ chữ ký của bên góp, bên nhận góp vốn.

Một phần của tài liệu Góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ trong Pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)