Góp vốn bằng công nghệ vào Công ty Liên doanh phân bón Hữu Nghị

Một phần của tài liệu Góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ trong Pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 76 - 80)

Hữu Nghị

Hiện nay, việc góp vốn bằng công nghệ vào dự án đầu tư diễn ra còn rất ít. Mặc dù, Việt Nam không ngừng đưa ra các chính sách, các quy định pháp luật để thu hút đầu tư nước ngoài. Cái khó là phải làm sao giúp các bên tìm đến nhau và ngồi lại bàn đàm phán và đi đến thống nhất. Luật chuyển giao công nghệ hiện quy định các tổ chức, cá nhân được quyền góp vốn bằng công nghệ vào dự án đầu tư là tiền đề pháp lý cơ bản nhất cho hoạt động này.

Tổng công ty cổ phần Hàm Rồng Thanh Hóa, tiền thân là Nhà máy Phân Lân Hàm Rồng, một doanh nghiệp sản xuất phân bón chủ lực của Thanh Hóa phục vụ cho ngành nông nghiệp. Năm 1998, Nhà máy Phân lân Hàm Rồng tiến hành cổ phần hóa. Đến nay đã hơn 10 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, với 100% vốn đóng góp của cổ đông. Công ty đã đạt được kết quả ổn định trong sản xuất, kinh doanh. Các sản phẩm của Công ty như: Phân bón Hàm Rồng, gạch ngói Sơn Trang đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Năm 2007, Tổng công ty CP Hàm Rồng đã chọn đối tác Trung Quốc (Viện Nghiên cứu hóa chất Thượng Hải và Công ty Phân

bón Vân Nam) cũng liên doanh tham gia góp vốn đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất phân NPK chất lượng cao, công nghệ tạo hạt bằng hơi nước, với công suất 100.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư là 4 triệu USD va dự tính Nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào quý 2 năm 2009.

Dưới đây là một số nội dung của Hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón NPK chất lượng cao theo phương pháp tạo hạt bằng nước được giao kết giữa:

Bên giao: Viện nghiên cứu hóa chất Thượng Hải

Địa chỉ: 345 - Đường Yunling - Thành phố Thượng Hải, Trung Quốc Bên nhận: Công ty TNHH Liên doanh phân bón Hữu Nghị (Liên doanh giữa Tổng công ty CP Hàm Rồng, Viện Nghiên cứu hóa chất Thượng Hải và Công ty Phân bón Vân Nam). Địa chỉ: Khu công nghiệp và Đô thị Hoàng Long, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, công nghệ được chuyển giao là toàn bộ các giải pháp để sản xuất ra sản phẩm phân bón NPK chất lượng cao tạo hạt bằng hơi nước, kèm theo các tài liệu, bao gồm:

a. Bản vẽ, sơ đồ và thiết kế kỹ thuật cho sản xuất và lắp đặt; b. Các chỉ tiêu kỹ thuật;

c. Danh mục, nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng;

d. Bảng tính toán tổng hợp (nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, năng lượng, lao động...);

d.n Quy trình và số liệu cho kiểm tra va thử nghiệm, quy trình kiểm tra chất lượng Sản phẩm;

e. Quy trình sản xuất và lắp ráp;

g. Cẩm nang hướng dẫn vận hành và bảo dưỡng trang thiết bị; h. Phần mềm máy tính;

Bên giao đồng ý chuyển giao cho Bên nhận (Công ty trách nhiệm hữu hạn Liên doanh phân bón Hữu Nghị) công nghệ mà Bên giao đã và đang sử dụng để sản xuất các sản phẩm phù hợp với các chỉ tiêu về sản lượng, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế - kỹ thuật và bảo vệ môi trường nêu trong Phụ lục của Hợp đồng chuyển giao công nghệ. Về phương thức thanh toán: "Hai Bên thỏa thuận đưa giá trị công nghệ được chuyển giao vào góp vốn của Bên giao công nghệ trong Dự án đầu tư của Bên nhận với giá trị là 64.410 USD" [29]; giá trị công nghệ được chuyển giao tính vào vốn góp của Bên giao công nghệ trong Dự án đầu tư của Bên nhận khi hoàn thành chạy thử kiểm tra, nghiệm thu, cấp Giấy chứng nhận sẵn sàng chạy thử kiểm tra, nghiệm thu, cấp Giấy chứng nhận sẵn sàng sản xuất chính thức.

Theo Luật Chuyển giao công nghệ (Điều 8, Điều 22 và Điều 43) và Nghị định 133/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành chi tiết một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, chủ sở hữu công nghệ, tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu công nghệ cho phép chuyển giao quyền sử dụng công nghệ; và tổ chức, cá nhân có công nghệ là đối tượng sở hữu công nghiệp nhưng đã hết thời hạn bảo hộ hoặc không được bảo hộ tại Việt Nam được quyền góp vốn bằng công nghệ vào dự án đầu tư; giá trị góp vốn là giá chuyển giao công nghệ được thỏa thuận trong hợp đồng chuyển giao công nghệ; trường hợp các bên có thỏa thuận góp vốn bằng công nghệ, sau khi hoàn thành việc chuyển giao công nghệ và được các bên xác nhận thì giá trị công nghệ mới được tính vào vốn góp của bên giao công nghệ trong dự án đầu tư hoặc vốn góp của doanh nghiệp.

Chuyển giao công nghệ có hai dạng là chuyển giao quyền sở hữu công nghệ và chuyển giao quyền sử dụng công nghệ. Trường hợp công nghệ là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp như sáng chế, giải pháp hữu ích, bố trí mạch tích hợp bán dẫn,... thì việc chuyển giao quyền sở hữu công nghệ hay chuyển giao quyền sử dụng công nghệ phải được thực hiện cùng với việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Một trong những phương thức thanh toán trong hợp đồng chuyển

giao công nghệ là chuyển giá trị công nghệ thành vốn góp vào dự án đầu tư hoặc vào vốn của doanh nghiệp. Nghĩa là trường hợp các bên có thỏa thuận góp vốn bằng công nghệ, sau khi hoàn thành việc chuyển giao công nghệ và được các bên xác nhận thì giá trị công nghệ mới được tính vào vốn góp của bên giao công nghệ trong dự án đầu tư hoặc vốn góp của doanh nghiệp (Điều 3 Nghị định 133/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ).

Đối với công nghệ không thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển giao công nghệ do các bên thỏa thuận, trường hợp các bên không thỏa thuận về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm bên sau cùng hoàn tất thủ tục ký hợp đồng. Đối với công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, hợp đồng chuyển giao công nghệ chỉ có hiệu lực sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ (Điều 17, Điều 18 Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006).

Trong Hợp đồng chuyển giao công nghệ, các bên được quyền thỏa thuận giá công nghệ chuyển giao nhưng việc định giá công nghệ không phải là đơn giản, thậm chí còn phức tạp và tốn kém, bởi công nghệ cũng là tài sản vô hình. Hơn nữa, chi phí để tạo ra công nghệ chưa chắc đã phản ánh hoàn toàn đúng với giá trị của công nghệ. Việc định giá cộng nghệ vẫn còn rất mới mẻ đối với nước ta nên việc nghiên cứu phương pháp luận và tìm hiểu các phương pháp định giá là cấp thiết vì không những nó giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quá trình đổi mới công nghệ, phát triển thị trường công nghệ, mà còn tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài...

Một số phương pháp định giá công nghệ được sử dụng bao gồm phương pháp so sánh, cạnh tranh, quy tắc ngón tay cái, phân chia lợi nhuận, phương pháp chi phí, thị trường và phương pháp thu nhập. Mỗi phương pháp

đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng và điều kiện áp dụng khác nhau. Để thúc đẩy hoạt động định giá công nghệ, nên sớm hình thành các tổ chức sự nghiệp chuyên sâu về định giá công nghệ, đặc biệt là tổ chức môi giới chuyển giao công nghệ và cần có sự quản lý thống nhất trong toàn quốc về hoạt động định giá công nghệ để đảm bảo hoạt động này thực sự thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường công nghệ của Việt Nam trong tương lai. Các doanh nghiệp dù là bên mua hay bên bán cũng đều có nhu cầu về định giá công nghệ, định giá công nghệ bảo đảm cho việc ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ nhanh chóng và thuận lợi. Định giá công nghệ là hoạt động phức tạp và tốn kém. Theo các chuyên gia Hàn Quốc, để định giá một công nghệ trung bình, chi phí phải bỏ ra cỡ 20.000-30.000 USD. Như vậy không nên và không thể định giá tràn lan, phải có mục đích cụ thể và địa chỉ áp dụng cụ thể. Giá của công nghệ trong các hợp đồng chuyển giao nói chung là do bên mua và bên bán công nghệ thỏa thuận. Mặc dù vậy, cá nhân hoặc tổ chức tiến hành hoạt động định giá công nghệ phải định giá một cách khách quan, trung thực, dựa trên cơ sở khoa học và chịu trách nhiệm và kết quả hoạt động của mình. Pháp luật cần có hướng dẫn cụ thể cho phép các doanh nghiệp nước ngoài cũng như các doanh nghiệp trong nước có thể chuyển giá trị công nghệ chuyển giao thành vốn góp đầu tư, kinh doanh.

Một phần của tài liệu Góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ trong Pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 76 - 80)