HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VỀ ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN TRÍ TUỆ

Một phần của tài liệu Góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ trong Pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 110 - 112)

TRÍ TUỆ

Để thực hiện góp vốn kinh doanh bằng TSTT, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về định giá TSTT của Việt Nam. Đây không chỉ là một trong những nhiệm vụ thuộc khuôn khổ hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về TSTT và quyền SHTT mà còn là đòi hỏi của bản thân nền kinh tế, môi trường kinh doanh và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp [5].

Những yêu cầu cụ thể đối với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về định giá TSTT như sau:

- Chú trọng xây dựng các văn bản pháp luật trực tiếp điều chỉnh khía cạnh kinh tế của TSTT, gồm có các nội dung về hoặc liên quan tới vấn đề kiểm soát giá trị TSTT, như tạo dựng, khai thác, duy trì, phát triển, kiểm tra và xác định giá trị của TSTT. Thiếu hụt lớn nhất hiện nay trong hệ thống pháp luật Việt Nam về TSTT là thiếu chế định đồng bộ, chi tiết về các khía cạnh kinh tế của TSTT, đặc biệt là các quy định về xác định giá trị TSTT. Mặc dù có khoảng 15 văn bản pháp luật liên quan tới định giá TSTT nhưng các văn bản này chỉ quy định mang tính chất nguyên tắc về cách thức hạch toán kế toán đối với tài sản vô hình - trong đó bao gồm một số loại TSTT. Chẳng hạn, nguyên tắc và phương pháp kế toán tài sản cố định vô hình, nguyên tắc theo dõi ghi sổ và hạch toán giá trị TSTT, nguyên tắc coi giá trị của một số loại TSTT là một căn cứ để xác định giá trị thực tế của DN trong hoạt động cổ phần hóa…

- Thống nhất và chuẩn hóa thuật ngữ, khái niệm và nguyên tắc nhận dạng/xác định các TSTT trong các văn bản pháp luật hiện nay liên quan tới định giá TSVH và TSTT theo hướng phù hợp với các quy định tương ứng của pháp luật về quyền SHTT;

- Chú trọng những đặc tính riêng biệt của TSTT so với TSVH thông thường làm căn cứ xác định nguyên tắc định giá TSTT phù hợp. Với những đặc trưng riêng như phân tích trên đây cho thấy, việc định giá TSTT là một công việc khó, nếu không thực hiện đúng sẽ rất dễ gây tranh chấp giữa các bên. Việc hoàn thiện các quy định pháp luật về định giá TSTT cũng như các quy định về việc góp vốn đối với tài sản này sẽ góp phần hạn chế những rủi ro cũng như những tranh chấp xảy ra, lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển;

- Quy định đầy đủ, rõ ràng các phương pháp xác định giá trị TSTT phù hợp với những phương pháp được áp dụng phổ biến trên thế giới hiện nay, trong đó làm rõ mục tiêu, nguyên tắc, các tiêu chí, công thức, quy trình... thực hiện nghiệp vụ định giá TSTT. Với những đặc trưng của loại tài sản này, chúng ta cần nghiên cứu sâu hơn, học tập kinh nghiệm của các nước để áp dụng những phương pháp định giá thích hợp cho từng loại TSTT cụ thể;

- Xây dựng Bộ tiêu chuẩn về định giá TSVH, trong đó có TSTT phù hợp với tiêu chuẩn về thẩm định giá của Việt Nam, làm căn cứ pháp lý phục vụ cho các hoạt động có liên quan tới giá trị TSTT (kế toán, tài chính doanh nghiệp, cổ phần hóa, liên doanh, góp vốn đầu tư, kinh doanh, giải quyết tranh chấp...); - Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn về định giá TSTT, tổ chức thi sát hạch và cấp chứng chỉ, đảm bảo chất lượng đào tạo, không ngừng nâng cao năng lực và trình độ cho các cán bộ chuyên trách định giá TSTT;

- Tiếp thu và học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới về định giá TSTT. Giá trị của TSTT có thể khác nhau nếu sử dụng phương pháp định giá khác nhau. Do vậy, các yếu tố kinh nghiệm và sự sẵn có của dữ liệu để thực hiện một phương pháp cụ thể có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương pháp định giá. Quyền SHTT (ví dụ bằng độc quyền sáng chế) có thể được định giá cao hơn nếu thời hạn bán hoặc li-xăng không trùng với thời điểm giới thiệu một công nghệ bổ sung hoặc thay thế hoặc công nghệ có hiệu

quả trên thị trường. Vì thế, việc có kiến thức đầy đủ về xu hướng hoặc ngành hoặc công nghệ khi tiến hành đánh giá là rất quan trọng.

Một phần của tài liệu Góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ trong Pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 110 - 112)