XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH NHẰM PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ CỦA TÀI SẢN TRÍ TUỆ

Một phần của tài liệu Góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ trong Pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 113)

SẢN TRÍ TUỆ

Chúng ta đang ở trong một nền kinh tế tri thức, vì thế những TSTT có một giá trị không thể chối cãi trong các hoạt động kinh tế và phát triển đất nước, vì thế việc xây dựng một chính sách phát triển những giá trị của tài sản này là một yêu cầu trước mắt cần thực hiện ngay.

Giáo dục ý thức cho nhân dân về giá trị của TSTT. Các doanh nghiệp và người dân Việt Nam vẫn chưa ý thức nhiều về giá trị của những thứ không có hình thái vật chất này. Người dân chúng ta có câu nói "trăm nghe không

bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ", quan niệm này có lẽ đã tới lúc cần thay đổi bởi những gì không thấy, không sờ được lại là những thứ tạo ra những giá trị kinh tế lớn lao cho đất nước, mới là thứ động lực cần được sử dụng triệt để nhằm phát triển đất nước. Đối với các doanh nghiệp, cần tạo cho các doanh nghiệp một tư duy rõ ràng về giá trị của TSTT ngay từ khi họ bắt đầu xây dựng các tài sản vô hình này, từ đó có một chiến lược phát triển hợp lý cho doanh nghiệp.

Tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp có cơ hội tiếp xúc và hiểu biết sâu hơn pháp luật liên quan đến TSTT. Có thể thấy, với việc ngày càng hiểu rõ giá trị tiềm ẩn của TSTT, các công ty không ngừng tăng cường quản lý và sử dụng có hiệu quả các TSTT của mình. Việc tăng cường quản lý và sử dụng đó không chỉ là việc bảo vệ mang tính chất phòng ngừa đơn thuần nhằm chống lại hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà còn là một công cụ kinh doanh đầy hữu hiệu để tăng lợi thế cạnh tranh và nâng cao hình ảnh cũng như uy tín của công ty trên thị trường. TSTT được coi là yếu tố quan trọng quyết định đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ trên thị trường, vì vậy việc bảo vệ khả năng cạnh tranh trong các trường hợp đó chính là bảo vệ vị thế thị trường. Một cơ chế bảo hộ lành mạnh và hiệu quả sẽ là động lực và là chỗ dựa cả về tinh thần và vật chất để các nhà đầu tư không ngần ngại đầu tư chi phí vào việc phát triển, khai thác các TSTT của mình, là công cụ ngăn chặn và trừng phạt các hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng như các hành vi chiếm đoạt bất chính thành quả đầu tư tài chính và sáng tạo và hành vi gian dối khác liên quan đến TSTT.

Tạo điều kiện để các doanh nghiệp là những chủ thể đi đầu trong công tác định giá TSTT. Ai cũng biết rằng việc mua bán giữa các doanh nghiệp là dựa trên sự thỏa thuận, vì thế ngay từ bây giờ, nếu chúng ta trang bị được những kiến thức cần thiết cho các doanh nghiệp trong hoạt động định giá tài sản vô hình, các doanh nghiệp của chúng ta sẽ có những lợi thế nhất định trong khi đàm phán các hoạt động kinh doanh có liên quan tới tài sản vô

hình như mua bán, chuyển nhượng, cấp lisence, vay vốn ngân hàng, góp vốn kinh doanh....Lấy ví dụ như một công ty Việt Nam thương thảo việc bán lại công ty cho một tập đoàn nước ngoài, nhờ việc hiểu biết những giá trị thực về TSTT của mình, công ty sẽ đưa ra một mức giá cao hơn và có những lý luận vững chắc cho mức giá cao ấy.

Phát triển các trung tâm định giá chuyên nghiệp và xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên sâu về thẩm định giá TSVH nói chung và TSTT nói riêng. Hiện nay các trung tâm định giá của chúng ta tuy có nhưng chưa nhiều, và chưa có những kiến thức, kinh nghiệm cần thiết về việc định giá. Thêm vào đó hầu hết các trung tâm định giá của chúng ta đều chủ yếu chuyên sâu về lĩnh vực bất động sản, các trung tâm định giá chuyên sâu về định giá TSVH là chưa hề có tại Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu xã hội, việc định giá TSVH cũng như TSTT đòi hỏi với những phép tính hết sức cẩn trọng của những chuyên gia có trình độ, chuyên môn và kinh nghiệm về thẩm định giá là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, hiện tại, số lượng chuyên gia về việc định giá TSVH của Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Do đó, Nhà nước cần có chính sách nhằm nâng cao chất lượng cũng như số lượng của đội ngũ chuyên gia này. Chúng ta cần gửi các sinh viên đi học tập ở nước ngoài về chuyên ngành này, đồng thời phối hợp với các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước về lĩnh vực này để tiến hành mở các lớp đào tạo về chuyên ngành thẩm định giá TSVH trong nước.

Tóm lại, hoạt động góp vốn kinh doanh bằng TSTT còn là một vấn đề hết sức mới mẻ cần đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn trong nước và học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Để hoạt động này phát triển có hiệu quả đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, chúng ta phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và các thiết chế kinh tế, xã hội tạo môi trường pháp lý công bằng, bình đẳng, thuận lợi góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

KẾT LUẬN

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, TSTT ngày càng được thừa nhận là một loại tài sản đặc biệt quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế của một quốc gia, cho dù đó là nước phát triển, đang phát triển hay là nước kém phát triển. Nếu trước đây, đất đai, tài nguyên thiên nhiên hay lao động chân tay được coi là thước đo tiềm lực của một nền kinh tế thì ngày nay, TSTT đang dần thay thế những yếu tố đó và trở thành đòn bẩy phát triển kinh tế của đất nước. Trên bình diện quốc tế, ngày nay các quốc gia tập trung phát triển nền kinh tế của mình theo hướng dựa vào tri thức, và thực tiễn đã chứng tỏ rằng TSTT là một yếu tố cơ bản luôn gắn liền với xu hướng phát triển đó. Để đưa giá trị TSTT vào khai thác, sử dụng với tư cách là tài sản góp vốn, pháp luật cần tạo hành lang pháp lý để hoạt động góp vốn kinh doanh bằng TSTT thực sự là một hoạt động kinh tế hiện hành.

Pháp luật là nền tảng tạo ra một xã hội công bằng, bình đẳng và ổn định. Để đáp ứng được vai trò của mình pháp luật phải phản ánh đúng được thực tế khách quan, phù hợp với hoàn cảnh điều kiện, truyền thống của đất nước, phản ánh được tính hiện đại, xu hướng phát triển, vừa có tính khái quát, rõ ràng và phải minh bạch. Nghiên cứu các quy định pháp luật về tài sản góp vốn và đưa ra giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật về tài sản góp vốn kinh doanh bằng TSTT theo LDN và các văn bản pháp luật có liên quan, luận văn này góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, trung thực, minh bạch và ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà doanh nghiệp khai thác và sử dụng có hiệu quả TSTT và đồng thời nâng cao vai trò của các thiết chế kinh tế trong hoạt động kinh doanh cũng như quản lý kinh tế với mục đích cuối cùng nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, ổn định xã hội, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Một phần của tài liệu Góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ trong Pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 113)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)