Thời điểm góp vốn

Một phần của tài liệu Góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ trong Pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 46 - 49)

Khi tiến hành sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần có vốn: vốn đầu tư ban đầu và vốn bổ sung để mở rộng sản xuất kinh doanh. Như đã phân tích ở trên thì trước khi doanh nghiệp được thành lập, do phải bỏ ra những khoản chi phí nhất định cho việc chuẩn bị thành lập doanh nghiệp nên việc góp vốn có thể phải thực hiện trước khi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, LDN ghi nhận thời điểm góp vốn khi doanh nghiệp được thành lập: "Góp vốn là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty" [35, Khoản 4 Điều 4], thành viên phải góp vốn đầy đủ và đúng hạn bằng loại tài sản góp vốn như đã cam kết và phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty (Khoản 1 Điều 39, Khoản 1 Điều 42 LDN năm 2005).

Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng vốn trong từng thời điểm, tùy thuộc vào quy mô sản xuất, nhu cầu thị trường, tiến độ hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp, việc góp vốn không nhất thiết phải đóng đủ vốn ngay sau khi đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, số vốn mà các thành viên cam kết góp trong một thời hạn cụ thể đã được ghi vào Điều lệ công ty, các thành viên phải góp đủ số vốn đã cam kết góp vào vốn điều lệ trong thời gian không quá 36 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký bổ sung, thay đổi thành viên (Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010). Đây là một điểm mới được quy định tại Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010 hướng dẫn chi tiết LDN. Quy định này, một mặt nhằm bảo vệ quyền lợi của tất cả các thành viên mặt khác nhằm bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba. LDN 2005 còn quy định: "Trường hợp thành viên thay đổi loại tài sản góp vốn đã cam kết thì phải được

sự nhất trí của các thành viên còn lại; công ty thông báo bằng văn bản nội dung thay đổi đó đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày chấp thuận sự thay đổi" [35].

Việc góp vốn của công ty không chỉ được giám sát bởi các thành viên trong công ty mà còn nằm dưới sự quản lý của cơ quan đăng ký kinh doanh vì vốn góp và cam kết góp vốn phải được ghi vào điều lệ công ty và người đại diện theo pháp luật của công ty phải thông báo bằng văn bản tiến độ góp vốn đăng ký đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày cam kết góp vốn và phải chịu trách nhiệm cá nhân về các thiệt hại cho công ty và người khác do thông báo chậm trễ hoặc thông báo không chính xác, không trung thực, không đầy đủ. Trường hợp có thành viên không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp được coi là nợ của thành viên đó đối với công ty; thành viên đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh do không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết. Sau thời hạn cam kết lần cuối mà vẫn có thành viên chưa góp đủ số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp được xử lý theo một trong các cách: một là một hoặc một số thành viên nhận góp đủ số vốn chưa góp; hai là huy động người khác cùng góp vốn vào công ty; ba là các thành viên còn lại góp đủ số vốn chưa góp theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty. Sau khi số vốn còn lại được góp đủ, thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty và công ty phải đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh. Như vậy, LDN 2005 cũng đã dự liệu được hướng xử lý khi xảy ra tranh chấp về việc góp vốn giữa các thành viên.

Tại thời điểm góp đủ giá trị phần vốn góp, thành viên góp vốn được công ty cấp giấy chứng nhận phần vốn góp ghi nhận phần vốn góp và giá trị vốn góp của thành viên. Giấy chứng nhận phần vốn góp là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ góp vốn của thành viên đã hoàn thành, thông qua đó cũng xác nhận quyền lợi và trách nhiệm của thành viên đối với công ty cũng như đối với bên thứ ba.

Như vậy việc góp vốn thành lập doanh nghiệp là một quá trình mà thời điểm góp vốn thường được thực hiện trước khi doanh nghiệp được thành lập, việc xác định thời điểm góp vốn có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân:

- Vì việc thừa nhận thời điểm góp vốn vào doanh nghiệp được thực hiện trước khi doanh nghiệp được thành lập điều này đi đến một hệ quả những chi phí về vật chất, tài sản, công việc đã được thực hiện một cách hợp pháp vì mục đích thành lập và duy trì hoạt động của doanh nghiệp được sự thỏa thuận hay phù hợp với ý chí của các thành viên tham gia khác, được chuyển thành vốn của doanh nghiệp, khi đã trở thành vốn của doanh nghiệp có tư cách pháp nhân thì tài sản đó tách biệt với tài sản của các thành viên tham gia góp vốn.

- Khi có tranh chấp xảy ra giữa các thành viên với nhau hoặc một trong các thành viên với người thứ ba về các giao dịch dân sự được ký kết và thực hiện vì mục đích thành lập doanh nghiệp hay phục vụ cho sự hoạt động của doanh nghiệp thì hợp đồng được ký kết là cơ sở để giải quyết tranh chấp phát sinh, nếu không có hợp đồng thì các nguyên tắc và các quy định của luật dân sự được áp dụng để giải quyết tranh chấp.

- Việc góp vốn sau khi công ty được thành lập thì quan hệ về góp vốn được điều chỉnh chủ yếu bởi các quy định của điều lệ công ty.

Tuy nhiên, quyền SHTT là quyền tài sản, thời điểm quyền tài sản được chuyển dịch quyền tài sản từ thành viên góp vốn sang công ty phải thực hiện sau khi công ty được thành lập. Theo quy định tại Điều 148 Luật SHTT, đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký, hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp, hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên, nhưng chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp. Ví dụ, một công

ty muốn góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu để liên doanh phải ký kết hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu và đăng ký tại Cục SHTT để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng, do vậy, thời điểm góp vốn phải được xác định kể từ thời điểm việc chuyển giao này được ghi nhận tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng. Do vậy, vì thời điểm góp vốn và thời điểm chuyển dịch quyền tài sản từ thành viên góp vốn sang công ty không trùng nhau. Tài sản góp có thể bằng tiền, bằng hiện vật hoặc bằng quyền tài sản, giữa các thành viên cần ký kết hợp đồng xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên theo từng giai đoạn làm cơ sở để giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các thành viên (nếu có).

Một phần của tài liệu Góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ trong Pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 46 - 49)