Phương pháp định giá tiếp cận chi phí

Một phần của tài liệu Góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ trong Pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 25 - 27)

Phương pháp tiếp cận chi phí dựa trên quan điểm đơn giản rằng một tài sản không thể đánh giá nhiều hơn chi phí để thay thế một tài sản khác có công dụng tương đương. Theo phương pháp này, giá để có được hoặc phát triển một tài sản mới cần tương xứng với những lợi ích kinh tế sẽ được tạo ra từ nó. Phương pháp này được sử dụng để ước tính các lợi ích trong tương lai

của TSTT bằng cách tính số chi phí cần thiết để thay thế TSTT. Tức là việc ước tính giá trị dựa trên căn cứ là các tài liệu, số liệu phản ánh nguồn lực tài chính, nhân lực, vật lực đầu tư để tạo ra tài sản đó hoặc tài sản tương đương.

Có 3 phương pháp định giá cơ bản dựa trên cách tiếp cận chi phí: - Phương pháp dựa trên chi phí quá khứ: Giá trị TSVH được tính toán dựa trên các chi phí đã phát sinh trong quá trình xây dựng TSVH đó, tổng chi phí được coi như giá trị của tài sản.

- Phương pháp dựa trên chi phí tái tạo: Định giá TSVH bằng cách tính toán tất cả các chi phí cần thiết hiện nay để tạo dựng TSVH như hiện tại.

- Phương pháp dựa trên chi phí thay thế: Phương pháp này dựa trên việc tính các chi phí thay thế là chi phí hiện hành để xây dựng, sản xuất hay chế tạo tài sản thay thế tài sản cần thẩm định giá, có loại trừ các bộ phận có chức năng lỗi thời, nhưng có tính đến tiến bộ khoa học, công nghệ tại thời điểm cần thẩm định giá để tạo ra sản phẩm thay thế có tính năng ưu việt hơn so với tài sản cần thẩm định giá. Chi phí thay thế được tính căn cứ vào khối lượng nguyên nhiên vật liệu có thể thay thế nhân (x) giá tại thời điểm thẩm định.

Phương pháp tiếp cận chi phí có ưu điểm là số liệu phục vụ cho việc tính toán tương đối rõ ràng, dễ thu thập vì thường được thống kê trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp, cách thức tính toán đơn giản, dễ thực hiện. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của phương pháp này là giá trị xác định được là nguyên giá chứ không phải là giá thị trường. Giá trị thu được từ cách tiếp cận chi phí chưa phản ánh được tiềm năng phát triển, rủi ro và hiệu quả kinh tế của TSTT; chưa phản ánh được rủi ro khi thực hiện việc nghiên cứu và triển khai một TSTT mới. Vì vậy, phương pháp này thường được sử dụng để bổ sung cho phương pháp tiếp cận thu nhập, ứng dụng để tính toán hiệu quả kinh tế và hiệu quả đầu tư đối với TSTT cho doanh nghiệp, phục vụ quá trình quản trị nội bộ doanh nghiệp hoặc để định giá những TSTT mới hình thành trước khi nó tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường.

Một phần của tài liệu Góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ trong Pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)