Theo quy định của pháp luật, TSTT là tài sản hợp pháp và được nhà nước bảo hộ, chủ sở hữu được đem TSTT đi góp vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, theo quy định của LDN và Pháp lệnh cán bộ công chức thì tổ chức, các nhân được quyền góp vốn vào công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh, trừ những trường hợp sau đây:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vụ trang nhân dân sử dụng tài sản của Nhà nước và Công quỹ góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình (Khoản 2 Điều 13 LDN năm 2005).
Tài sản của Nhà nước và công quỹ quy định ở đây bao gồm:
+ Tài sản được mua sắm bằng vốn ngân sách nhà nước và vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước;
+ Kinh phí được cấp từ ngân sách nhà nước;
+ Đất được giao sử dụng để thực hiện chức năng và nhiệm vụ theo quy định của pháp luật;
+ Tài sản và thu nhập khác được tạo ra từ việc sử dụng các tài sản và kinh phí nói trên.
Thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình là việc sử dụng thu nhập dưới mọi hình thức có được từ hoạt động kinh doanh, từ góp vốn, mua cổ phần vào ít nhất một trong các mục đích sau đây:
+ Chia dưới mọi hình thức cho một số hoặc tất cả cán bộ, nhân viên của cơ quan, đơn vị;
+ Bổ sung vào nhân sách hoạt động của cơ quan, đơn vị trái với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
+ Lập quỹ hoặc bổ sung vào quỹ phục vụ lợi ích riêng của cơ quan, đơn vị.
- Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của người đó không được phép góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản ký nhà nước.
Như vậy, công chức chỉ bị hạn chế việc góp vốn kinh doanh vào những ngành nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước, hạn chế này không áp dụng đối với các ngành nghề khác.
Công chức không có quyền thành lập và quyền quản lý doanh nghiệp theo Điều 13 LDN. Do đó, công chức không thể góp vốn vào công ty TNHH vì người góp vốn đương nhiên là thành viên Hội đồng thành viên và được coi là người quản lý công ty; công chức chỉ được góp vốn vào công ty cổ phần với tư cách là cổ đông mà không được tham gia Hội đồng quản trị, được góp vốn vào công ty hợp danh với tư cách là thành viên góp vốn.
Ngoài ra, chủ thể có quyền góp vốn kinh doanh bằng TSTT phải là chủ sở hữu quyền TSTT được dùng vào việc góp vốn kinh doanh tại thời điểm góp vốn. Cụ thể là: chủ bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích/kiểu dáng công nghiệp, chủ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đang trong thời hạn hiệu lực bảo hộ tại Việt Nam; chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký quốc tế được chấp nhận bảo hộ và đang trong thời hạn hiệu lực bảo hộ tại Việt Nam; chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng, tên thương mại đáp ứng các điều kiện được bảo hộ tại Việt Nam, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan; chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng... Hơn nữa, việc góp vốn và nhận góp vốn bằng giá trị quyền SHTT phải được thực hiện trong thời hạn quyền SHTT bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Bên tham gia góp vốn bằng giá trị quyền SHTT và bên nhận góp vốn phải ký kết hợp đồng chuyển giao quyền SHTT tương ứng và phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo quy định của Luật SHTT năm 2005, quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký; quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả; quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký; quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó; quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó; quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh; quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này.
Như vậy, chủ thể được tham gia góp vốn kinh doanh bằng TSTT là chủ sở hữu của TSTT được pháp luật cho phép tham gia góp vốn.