Tình hình chung

Một phần của tài liệu Xem nội dung Tạp chí tại đây (Trang 113 - 114)

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, hoạt động đầu tư xây dựng công trình ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhiều công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp được triển khai xây dựng trên khắp mọi miền đất nước. Công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng dù đã được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra. Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số lượng tai nạn xảy ra trong lĩnh vực xây dựng chiếm tỷ lệ rất cao: năm 2014 chiếm 33,1% tổng số vụ tai nạn ở tất cả các ngành nghề và 33,9% tổng số người chết; năm 2015 chiếm 35,2% tổng số vụ tai nạn và 37,9% tổng số người chết; năm 2016 chiếm 23,8% tổng số vụ tai nạn và 24,5% tổng số người chết (Hình 1) [8].

Kết quả thanh kiểm tra cho thấy tai nạn lao động xảy ra trong hoạt động thi công xây dựng công trình do nhiều nguyên nhân gây nên. Ngoài các nguyên nhân khách quan, rủi ro không lường hết được, còn có nguyên nhân do chính con người chủ quan, bất cẩn, thiếu hiểu biết về an toàn lao động hoặc thiếu trách nhiệm trong tổ chức thi công. Các nguyên nhân chính như sau:

Thứ nhất, nhiều chủ đầu tư còn xem nhẹ công tác đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng. Việc thực hiện và yêu cầu các nhà thầu tham gia xây dựng tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn lao động mang tính hình thức, đối phó, chưa phù hợp với điều kiện thực tế, quá trình thi công không thực hiện đầy đủ theo biện pháp được lập và phê duyệt, không thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện. Đặc biệt, đối với giàn giáo phổ biến tình trạng không có tính toán thiết kế, phê duyệt thiết kế và biện pháp lắp dựng; không có hồ sơ nghiệm thu theo quy định. Việc lắp dựng giàn giáo chưa tuân thủ theo quy trình, chỉ dẫn kỹ thuật đã được phê duyệt; trong quá trình sử dụng, khi xuất hiện thêm tải trọng hoặc tác động bất thường lên kết cấu giàn giáo hoặc thiết kế chưa phù hợp với thực tế hiện trường, nhà thầu không có phương án kiểm tra, đánh giá đảm bảo an toàn.

Điển hình như sự cố sập sàn bê tông tầng 2 tại công trình xây dựng thuộc Dự án Mapletree Business Centre, thành phố Hồ Chí Minh do Công ty Cổ phần xây dựng kinh doanh địa ốc Hòa Bình thi công lúc 7 giờ 35 phút ngày 10/7/2015 làm 3 người chết, 1 người bị thương nặng. Kết quả giám định cho thấy nguyên nhân do trong thiết kế biện pháp thi công lấy hệ số an toàn giàn giáo thấp, độ ổn định của giàn giáo không đảm bảo...

Sự cố sập sàn bê tông tầng 3 trường Mầm non Vườn xanh, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội xảy ra vào khoảng 3h sáng ngày 25/9/2017. Trong thời gian thi công đổ bê tông ô sàn cuối cùng thì có hiện tượng mất ổn định hệ giáo thi công sàn làm toàn bộ phần bê tông đã đổ và hệ giáo chống sàn tầng 3 sập đổ, kéo theo sập đổ các kết cấu đã thi công phía dưới. Qua kiểm tra hiện trường ngay sau sự cố, chủ đầu tư và các bên liên quan không xuất trình được hồ sơ biện pháp thi công sàn; tại hiện trường toàn bộ phần giáo chống tầng 2 đã được nhà thầu tháo dỡ trước khi đổ bê tông tầng sàn tầng 3 do vậy đã không tuân thủ đúng chỉ dẫn kỹ thuật thi công của hệ sàn rỗng U-boot bê tông cốt thép do Tư vấn là Công ty Lâm Phạm lập.

Thứ hai, người được giao nhiệm vụ về công tác quản lý an toàn còn chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuyên môn, chủ yếu mới tập chung quản lý về an toàn lao động đối với

con người, chưa quan tâm nhiều đến các vấn đề về an toàn kỹ thuật nên không có các kiến nghị, báo cáo kịp thời về những bất hợp lý đối với vấn đề an toàn kỹ thuật xảy ra trong quá trình thi công xây dựng.

Thứ ba, số công nhân lành nghề, được đào tạo chính quy trên công trường rất ít, đa số là lực lượng lao động tại nông thôn, làm việc chủ yếu theo thời vụ và không có tay nghề. Qua thống kê, tai nạn lao động thường tập trung vào đối tượng lao động thời vụ, làm những công việc tại các khu vực tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, ít được đào tạo kiến thức về an toàn lao động, tính kỷ luật lao động thấp hoặc do chủ quan, bất cẩn khi làm việc, thiếu tập trung tư tưởng; môi trường làm việc không đảm bảo an toàn; người sử dụng lao động coi nhẹ công tác an toàn trong tổ chức thi công hàng ngày, lơ là công tác kiểm tra, giám sát hoặc không có biện pháp nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm của người lao động.

Thứ tư, trong nhiều năm qua, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan đến an toàn trong thi công xây dựng đã được ban hành, tuy nhiên, vẫn còn chưa đầy đủ, chưa đồng bộ; nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn được ban hành đã không còn phù hợp với yêu cầu thực tế. Ngay cả QCVN 18:2014/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng cũng cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung [8].

Thứ năm, công tác quản lý nhà nước về an toàn lao động ở các Bộ, ngành, địa phương theo phân cấp thời gian qua mặc dù đã có những chuyển biến, hiệu quả. Tuy nhiên, đánh giá thực chất vẫn thật chưa đáp ứng được yêu cầu, sự phối hợp giữa các cơ quan chưa được chặt chẽ, đồng bộ; năng lực của các cơ quan được giao quản lý về an toàn lao động từ trung ương đến đến địa phương thực tế còn mỏng, một số chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác hậu kiểm chưa được thường xuyên.

Thứ sáu, công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động của một số tổ chức đối với một số máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt sử dụng trong thi công xây dựng thời gian qua chưa được nghiêm túc, vẫn có tình trạng thiết bị vừa được kiểm định xong nhưng không đảm bảo yêu cầu về an toàn, công tác hậu kiểm việc khắc phục các tồn tại theo kết quả kiểm tra đánh giá, hoặc kiểm tra việc thực hiện theo yêu cầu kiểm định chưa được thường xuyên, đặc biệt là một số thiết bị có thời gian sử dụng trong cả quá trình thi công xây dựng dẫn đến một số máy, thiết bị chưa đảm bảo yêu cầu về an toàn cho quá trình sử dụng.

Thứ bảy, mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực an toàn lao động hiện tại còn nhẹ chưa đủ sức răn đe đối với các chủ đầu tư cũng như các nhà thầu thi công xây dựng.

Số liệu thống kê và các nguyên nhân gây mất an toàn trong thi công xây dựng nêu trên cho thấy, mặc dù số vụ tai nạn lao động và thiệt hại về người có giảm nhưng hoạt động thi công xây dựng công trình vẫn là hoạt động có nguy cơ cao về mất an toàn lao động, tỷ lệ tai nạn lao động ngành xây dựng giảm nhưng không rõ nguyên nhân và vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất trong các ngành, nghề khác. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, về lao động, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng cần phải tiếp tục có các giải pháp căn cơ, đồng bộ để tiếp tục giảm thiểu tối đa sự cố mất an toàn trong thi công xây dựng công trình.

Một phần của tài liệu Xem nội dung Tạp chí tại đây (Trang 113 - 114)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)