TS. Bùi Thị Hồng Thắm
Khoa Trắc địa – Bản đồ
Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Email: buitham.tnmt@gmail.com
1. Tổng quan
Ngay từ khi ra đời, công nghệ GNSS đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Với những ưu điểm hơn hẳn các phương pháp truyền thống, công nghệ GNSS đã được triển khai trong việc như thiết lập lưới khống chế Nhà nước, lưới nghiên cứu chuyển dịch, lưới khống chế phục vụ cho thiết kế xây dựng các công trình,…
Kiểm tra chất lượng là quá trình đánh giá chất lượng số liệu đo. Chất lượng số liệu GNSS phụ thuộc vào nhiều yếu tố như máy thu, vị trí anten, môi trường khí quyển, tín hiệu vệ tinh,… nên việc kiểm tra chất lượng số liệu chủ yếu dựa trên các chỉ tiêu liên quan tới các thông số này. Từ việc đánh giá được chất lượng số liệu đo GNSS, người sử dụng sẽ có những giải pháp tối ưu đáp ứng cho mục đích sử dụng trong từng trường hợp cụ thể.
Trên trường quốc tế, sau khi quan trắc kết thúc ca đo, số liệu được kiểm tra chất lượng. Để giải quyết được vấn đề này người ta đã sử dụng phần mềm Teqc của nhóm chuyên gia UNAVCO (University NAVSTAR Consortium). Mục tiêu bao trùm của các phần mềm này là phân tích số liệu đo đưa ra các chỉ tiêu định lượng nhằm đánh giá ảnh hưởng của hiệu ứng đa đường dẫn, tầng khí quyển, thời gian chỉnh lại đồng hồ máy thu.
Đối với việc xử lý số liệu đo GNSS nói chung và GPS nói riêng, việc đánh giá chất lượng số liệu có thể được chia làm 2 phần: phần trước khi đưa số liệu vào tính toán bình sai và sau tính toán bình sai. Trong thực tế xử lý số liệu GNSS ở nước ta, việc đánh giá chất lượng của lưới sau khi tính toán bình sai rất được chú trọng, điều đó đã được cụ thể hóa bằng các quy định kỹ thuật đối với lưới phục vụ cho các mục đích như lưới GPS địa chính, lưới GPS công trình,… thể hiện qua các chỉ tiêu đánh giá độ chính xác như sai số trung phương đơn vị trọng số, sai số trung phương vị trí điểm yếu nhất trong lưới, sai số độ cao của điểm yếu nhất trong lưới sau bình sai, sai số trung phương tương đối chiều dài cạnh yếu nhất của lưới,… Tuy nhiên, việc đánh giá chất lượng số liệu đo đạc GPS trước khi được đưa vào tính toán bình sai thì chưa thực sự được quan tâm đúng mức ở nước ta. Số liệu đo GPS thông thường sau khi đo đạc được sẽ được trút vào máy tính để tính toán bình sai lưới mà chưa qua kiểm tra chất lượng số liệu. Tồn tại điều này do bởi số liệu đo GPS về cơ bản là đạt yêu cầu, lưới nhiều trị đo nên trong trường hợp trong quá trình xử lý số liệu khi trị đo nào không đạt yêu cầu thì sẽ được cắt bỏ. Tuy nhiên thực tế cho thấy, có những tệp số liệu đo không xử lý được hoặc xử lý được song chất lượng thành quả chưa đạt được yêu cầu do đó dẫn đến việc phải đo lại hay đo bổ sung gây ra những khó khăn về chuyên môn cũng như tốn kém về mặt kinh tế.
Qua việc phân tích nêu trên cho thấy, việc đánh giá chất lượng số liệu GNSS trước khi bình sai nói chung là hướng chuyên sâu chưa được quan tâm nhiều ở nước ta. Việc ứng dụng được phương pháp của thế giới cho số liệu Việt Nam thực sự là phương án tiếp cận, tiên tiến và hiệu quả. Vì vậy, trong nghiên cứu này, số liệu GPS của công trình Long An thu bằng máy thu GPS 2 tần số và công trình Hòa Lạc, Hà Nội thu bằng máy thu GPS 1 tần số sẽ được đánh giá chất lượng bằng phần mềm Teqc. Từ việc phân tích số liệu đo bằng phần mềm được thừa nhận trên trường quốc tế sẽ cho ta những kết quả đánh giá chất lượng số liệu một cách định lượng. Từ việc so sánh kết quả nhận được với các hạn sai quy định tương ứng với từng loại tiêu chuẩn để đưa ra những nhận định đối với chất lượng số liệu GPS đo đạc.