* Hạn chế chung về phát triển làng nghề Thái Nguyên
Ngành nghề nông thôn và phát triển làng nghề ở tỉnh Thái Nguyên có nhiều tiềm năng, nhưng quá trình phát triển vẫn còn nhiều khó khăn tồn tại:
- Khả năng tiếp cận thông tin và kỹ năng thị trường còn hạn chế: Cơ sở ngành nghề nông thôn ít có cơ hội tham gia xuất khẩu trực tiếp, thường phải qua nhiều khâu trung gian nên không nắm bắt đầy đủ yêu cầu của khách hàng về mẫu mã, chất lượng, giá cả. Mặt khác, chưa có một hệ thống hỗ trợ của Nhà nước để tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước (cung cấp các thông tin về nhu cầu, chủng loại, mẫu mã, giá cả và thị hiếu người tiêu dùng). Một
số làng nghề cũng có nghiên cứu thị trường, nhưng chưa đồng bộ, chủ yếu là sản xuất theo đơn đặt hàng phụ thuộc nhiều vào trung gian, môi giới, kế hoạch sản xuất không ổn định.
- Tổ chức sản xuất còn phân tán: Việc tổ chức sản xuất phụ thuộc vào trình độ tay nghề của từng người trong gia đình, quy mô nhỏ, khép kín. Tính tư hữu, bảo thủ nghề của từng gia đình, dòng họ được ưa chuộng hơn là việc tổ chức, phân công hợp tác sản xuất. Sự thiếu liên kết về tổ chức, kinh tế (vốn đầu tư), công nghệ kỹ thuật đã hạn chế khả năng phát triển.
- Trình độ quản lý, tay nghề lao động kém: Trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn kỹ thuật và năng lực quản lý của các chủ hộ, cơ sở ngành nghề nông thôn còn hạn chế, phần lớn chưa được trang bị những kiến thức cần thiết về quản trị kinh doanh cũng như chưa hiểu biết kỹ pháp luật và chính sách liên quan tới các hoạt động kinh tế. Lao động trong các cơ sở ngành nghề nông thôn nhìn chung có trình độ văn hóa, tay nghề và trình độ thẩm mỹ không cao. Phần lớn lao động được học nghề qua lối truyền nghề và kèm cặp trong sản xuất; rất ít được học qua các trường dạy nghề chính quy.
- Môi trường bị ô nhiễm: Từ những hạn chế về công nghệ, thiết bị, mặt bằng sản xuất, trình độ quản lý… và không có sự quan tâm đến các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường nên đa số cơ sở trong quá trình sản xuất đã gây ảnh hưởng xấu đến môi trường gây ô nhiễm không khí, nguồn nước.
- Cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh: Là một cản trở lớn cho việc phát triển ngành nghề nông thôn. Nhìn chung, các cơ sở ngành nghề thường khó khăn về mặt bằng (nhà xưởng) sản xuất, tình trạng phổ biến là sử dụng ngay trong nhà ở làm nhà xưởng sản xuất. Khi quy mô sản xuất tăng lên hoặc có sử dụng thiết bị, hóa chất đã làm cho môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề; các điều kiện hạ tầng khác còn nhiều hạn chế.
- Chính sách còn bất cập: Chính sách trợ giúp ngành nghề nông thôn phát triển còn nhiều bất cập, chưa thật sự tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nảy sinh trong thực tế sản xuất.
* Sự bất cập của làng nghề bánh chưng có thể thấy ở nhiều vấn đề:
Thứ nhất, là sự chậm đổi mới về công nghệ khiến sức lao động thuần túy của con người vẫn đóng vai trò chủ đạo. Nghề làm bánh chưng chủ yếu là làm thủ công nên khó có thể thay bằng máy móc. Tuy nhiên, trong một vài khâu làng nghề bánh chưng Bờ Đậu cũng chậm cải tiến. Chẳng hạn với công nghệ luộc bánh chưng, làng nghề mới chỉ dừng lại ở việc đúc nồi inox pha kẽm để luộc bánh chưng nhanh dừ và giữ được màu xanh của bánh chưng. Thế nhưng trong quá trình đun nấu làng nghề vẫn sử dụng than làm nhiên liệu chính, gây ô nhiễm môi trường và độc hại. Trong khi ấy tại các làng nghề khác như làng nghề Tranh Khúc (Thanh Trì – Hà Nội) và làng Bạc (Phú Thượng – Tây Hồ - Hà Nội) đã sử dụng bếp điện ba pha thay thế bếp than không khói và rút ngắn thời gian luộc bánh. Thứ hai, người dân làng nghề Bờ Đậu chậm trong việc sử dụng công nghệ thông tin để quảng bá sản phẩm. Nếu như các làng nghề bánh chưng dưới Hà Nội đã có những trang web riêng và cả trang mạng xã hội facebook để quảng bá sản phẩm thì bánh chưng Bờ Đậu mới chỉ loay hoai trong trang web của Sở thương mại tỉnh Thái Nguyên. Thứ ba, là làng nghề bánh chưng chưa đầu tư vào cải tiến mẫu mã và chất lượng sản phẩm, như việc chưa có hộ nào đầu tư mua máy hút chân không cho bánh chưng. Nên thị trường của Bờ Đậu mới chỉ dừng lại ở việc bán lẻ ven đường và đơn đặt hàng của các hộ gia đình có đám hiếu, hỉ, tết…Trong khi nhu cầu và thị hiếu của khách hàng ngày càng cao, họ muốn sản phẩm ngoài yếu tố đẹp mang tính truyền thống thì vấn đề đầu tiên và an toàn, vệ sinh trên từng sản phẩm. Hơn nữa việc chậm đổi mới trong việc in thông tin và đăng ký mã vạch độc quyền trên các sản phẩm. Việc này các làng nghề chuyên nghiệp họ đã làm từ lâu như bánh chưng Tranh Khúc – Hà Nội, nên sản phẩm của họ được các siêu thị lớn ở Hà Nội nhập vào vì dễ quản lý và thanh toán thông qua mã vạch.
Thứ hai, khó khăn về vốn đầu tư vào sản xuất. Để cạnh tranh được đòi hỏi những người làm nghề phải có số lượng vốn tương đối khá để đầu tư vào mua sắm các thiết bị sản xuất, song việc vay vốn của Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn: phải làm nhiều dự án, qua nhiều thủ tục phiền hà gây tâm lý ngại vay vốn nhà nước của các cơ sở sản xuất trong làng nghề. Đây là do xuất phát từ kinh tế hộ gia đình, cá thể, tư nhân, bị giới hạn bởi diện tích đất đai, vốn đầu tư hạn chế khả năng áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, năng xuất lao động không cao.
Thứ ba, khó khăn về vấn đề ô nhiễm môi trường do nước, rác và không khí thải ra từ làng nghề làm ảnh hưởng tới sức khỏe đời sống người dân. Hiện nay, trong làng nghề đang đứng trước hàng loạt các vấn đề nảy sinh như hệ thống đường giao thông, tuy đã được đầu tư nâng cấp nhưng tốc độ xuống cấp quá nhanh do sự quá tải trong vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu bằng đủ các loại phương tiện. Nhất là các loại xe tải hạng nặng chở quặng chuyên chở đi qua trục đường chính trong làng nghề. Công nghệ sản xuất chưa được thay đổi nhiều nên chất lượng sản phẩm còn hạn chế so với yêu cầu của thị trường. Đặc biệt vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng do các khí thải trong quá trình sản xuất ngày càng tăng, đây là kết quả của các lò than đốt hàng ngày của các hộ sản xuất, nhiệt độ ở đây thường cao hơn các vùng phụ cận khác.
Thứ tư, vì mục tiêu cá nhân là lợi nhuận, nhiều gia đình làm ẩu, nên chất lượng sản phẩm bị giảm xuống: như dễ ôi thiu, bánh chưng sống, bánh có hóa chất…gây ra tâm lý sợ hãi cho người mua hàng, mất uy tính của làng nghề. Tình trạng này diễn ra ở một số hộ. Đơn cử như tình trạng tết năm 2014 vừa qua, các hội viên làng nghề Bờ Đậu đã bãi miễn chức chủ tịch làng nghề là ông Nguyễn Hải Âu, do gia đình ông nhận đơn đặt hàng của nhiều cơ quan nhà nước, nhưng không chia đều cho các hộ và một mình làm. Do số lượng lớn nên khi gia hàng chất lượng không được đảm bảo, nhiều bánh bị chua
hoặc bị sống. Điều này đã được làng nghề phê bình nghiêm khắc và cá nhân ông chủ tịch làng nghề nhận khuyết điểm và sửa sai.
Nhìn chung, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển nghề và làng nghề còn bộc lộ những mặt còn tồn tại như: phát triển nghề và làng nghề còn mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình nên đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ còn khó khăn; chất lượng sản phẩm và trình độ thẩm mỹ chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp; thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, lao động ở các làng nghề có phần bị hạn chế về trình độ học vấn, đa số không qua đào tạo cơ bản.
Tiểu kết
Từ trong huyền thoại đến các câu chuyện kể dân dân gian, bánh chưng là một loại bánh ẩm thực xuất hiện lâu đời trong văn hóa người Việt Nam. Có thể nói trong 54 dân tộc anh em của nước ta thì nhiều dân tộc đều gói bánh chưng, mặc dù hình thức bên ngoài có khác nhau và dùng bánh chưng trong những dịp thời gian khác nhau. Vì thế bánh chưng không chỉ mang ý nghĩa là một loại bánh ẩm thực thuần túy mà nó còn là biểu tượng của sự sản xuất nông nghiệp, của sự cố kết cộng đồng, của văn hóa tâm linh. Đến nay, bánh chưng còn là một loại sản phẩm hàng hóa, được nhiều làng nghề làm và bán đem lại thu nhập cho gia đình và giải quyết lao động dư thừa trong những thời gian nông nhàn. Từ một nghề phụ trong những năm 70 của thế kỷ 20, làng Bờ Đậu, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã phát triển nghề sản xuất và kinh doanh bánh chưng thành một nghề chính trong làng, được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp quyết định công nhận làng nghề và có nhiều chính sách ưu đãi nhằm phát triển làng nghề bánh chưng ngày càng lớn mạnh. Làng Bờ Đậu với việc đầu tư và coi bánh chưng là một nghề chính đã từng bước thay đổi cơ cấu kinh tế xã hội, thay đổi về các quan niệm xã hội và mới quan hệ làng xóm, phát triển về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên việc phát triển kinh
tế cũng kéo theo nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội và nhất là cảnh quan làng xã đang dần bị phá vỡ thay vào đó là hệ thống nhà cửa cao tầng của quá trinhg CNH – HĐH nông thôn.
Chương 4: KHAI THÁC, PHÁT TRIỂN NGHỀ LÀM BÁNH CHƯNG Ở LÀNG BỜ ĐẬU