Lịch sử hình thành nghề làm bánh chưng ở làng Bờ Đậu

Một phần của tài liệu Nghề làm bánh chưng ở làng bờ đậu xã cổ lũng, huyện phú lương, tỉnh thái nguyên (Trang 39 - 42)

Mỗi vùng, miền trên đất nước Việt Nam, chúng ta đều có thể tìm thấy một dấu ấn riêng, một “bản sắc văn hóa” độc đáo, mang giá trị truyền thống dân tộc. Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu cũng có một đời sống văn hóa đặc biệt như vậy. Đây là nơi hội tụ và bảo tồn di sản văn hóa ẩm thực cổ truyền của dân tộc Việt Nam – đó là bánh chưng. Trước năm 1975, làng Bờ Đậu cũng giống như nhiều làng quê khác của khu vực trung du miền núi phía bắc lấy nghề nông làm nghề chính. Thuộc xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, Thái Nguyên (Thời thuộc Minh từ năm 1407 đến năm 1427 nhà Minh lập huyện Phú Lương thuộc phủ Thái Nguyên). Tuy nằm trên trục đường giao thông chính, thế nhưng trong thời kỳ chiến tranh người dân nơi đây cũng không thể phát triển thêm được nghề phụ nào. Phần lớn các hộ làm ruộng và chỉ có số ít các hàng quán bán nước và tạp hóa cho khách qua đường.

Sau năm 1975, đất nước giành độc lập, có nhiều điều kiện để nhân dân chăm lo và phát triển kinh tế của mình. Đặc biệt là những chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp và công nghiệp của Đảng ta sau thời kỳ Đổi mới. Trên thực tế thì trong giai đoạn từ năm 1975 – 1986 một số bộ phận nhỏ người dân ở làng Bờ Đậu bắt đầu buôn bán nhỏ dưới hình thức mở quán ven đường và đi buôn. Lúc bấy giờ, theo người dân làng Bờ Đậu, họ buôn đủ loại hàng hóa như: chè, thuốc lá, đồ dùng gia dụng…miễn là không bị công an bắt

thì họ cũng lãi hơn làm nông nghiệp. Nên trong thời kỳ này, làng Bờ Đậu bắt đầu buôn bán bánh chưng, thế nhưng, họ thường phải lén lút, không dám công khai bày bán. Khi lương thực không đủ để gói bánh, có lúc họ còn làm bánh chưng bằng nguyên liệu sắn, gói bằng lá chuối, lá chít. Trong lúc đi bán buôn số lượng lớn, người bán hàng phải giấu vào các bao tải để tránh sự điều tra của công an. Vì sợ vi phạm vào chính sách lương thực lúc bấy giờ. Nhưng sau thời kỳ bao cấp, sang thời kỳ mở cửa, các hàng quán và những người làm bánh chưng thời kỳ này bung ra một cách mạnh mẽ, do vị trí thuận lợi và sự năng động nên bánh chưng bán lãi hơn so với làm ruộng.

Trước thời kỳ đổi mới, cơ chế kinh tế chỉ tập trung phát triển kinh tế quốc doanh và tập thể. Làng nghề với tư cách là một chủ thể kinh tế độc lập có đặc trưng mô hình sản xuất kinh doanh là các Hợp tác xã thủ công hoặc Tổ, Đội nghề phụ trong các Hợp tác xã nông nghiệp. Mô hình kinh tế tập trung quan liêu bao cấp đã hạn chế sự phát triển kinh tế hàng hóa trong các làng nghề. Nguyên tắc phân phối mang nặng tính bình quân đã không khuyến khích thợ thủ công.

Từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), đặc biệt sau Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (1988) với chính sách kinh tế nhiều thành phần, hộ gia đình được công nhận là chủ thể kinh tế thì các làng nghề phát triển mạnh mẽ.

Sau những năm 1990, mô hình kinh tế thị trường và chính sách mở cửa, đặc biệt quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo điều kiện mở rộng thị trường cho làng nghề, đồng thời còn làm cho làng nghề phải cạnh tranh với nhiều loại sản phẩm trên thị trường.

Những năm đầu phát triển nghề bánh chưng chưa có hộ nào bỏ hẳn nghề nông nghiệp để chuyển sang chuyên nghề bánh chưng, vì họ vẫn lo lắng đến sự bấp bênh của nghề thủ công, hơn nữa cũng theo quan niệm: nghề chỉ là nghề phụ, nên dù có lãi lớn nhưng trong nhà vẫn có người được phân công lao động làm nông nghiệp, hoặc đến mùa vụ họ thuê nhân công làm ruộng chứ

nhất quyết không bán ruộng hoặc bỏ ruộng hoang như hiện nay.

Bánh chưng là sản phẩm truyền thống từ nông nghiệp của người dân Việt Nam cũng như một số các quốc gia khác như Đông Nam Á và Trung Quốc. Từ xa xưa, các cư dân đã có truyền thống ăn đồ nếp, nên đã sang tạo ra những chiếc bánh từ gạo nếp trong đó có bánh chưng. Có thể thấy rằng, mỗi khi tết đến, xuân về nếu như trên bàn thờ mà không có đôi ba cặp bánh chưng, thì không còn có hương vị của ngày tết nữa. Bánh chưng Việt Nam bao gồm nhiều loại làm từ các nguyên liệu khác nhau như bánh chưng ngọt, bánh chưng mặn, bánh chưng làm bằng gạo nếp cẩm, bánh chưng nhân thịt gà, thịt bò, thịt lợn, bánh chưng dài, bánh chưng vuông, bánh chưng gói lá dong, lá chuối, lá chít…

Cũng giống với làng nghề bánh chưng Tranh Khúc – Thanh Trì – Hà Nội, thì không rõ nguồn gốc hình thành nghề từ khi nào, do bánh chưng không có tổ nghề. Khi được hỏi thì thường được các cụ già trong làng nói: bánh chưng được bố mẹ dạy gói trong ngày tết, giờ bán được thì lại truyền cho con cháu…So với bánh chưng Tranh Khúc thì làng nghề bánh chưng làng Bờ Đậu hình thành muôn hơn rất nhiều, nếu bánh chưng Tranh Khúc có lịch sử hình thành khoảng trên dưới 100 năm, thì bánh chưng Bờ Đậu mới chỉmanh nha hình thành từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, với sự năng động của cư dân nơi đây, họ biết sử dụng thế mạnh của mình là nằm trên trục đường giao thông chính để trao đổi hàng hóa. Ban đầu, chỉ có khoảng 10 người gói và kinh doanh bánh chưng, mỗi một lần gói khoảng 30 – 40 cái bánh chưng bằng tay, bán với giá 2 hào (tương đương với khoảng 20.000 hiện nay), đi giao và bán khắp các làng xã xung quanh. Theo như cô Oanh – chủ quán Oanh Sỹ cho biết: “cô phải dậy từ 5h sáng để vớt bánh rồi đạp xe đi

giao bánh cho các hàng quán ven đường theo quốc lộ 37 lên tới thị trấn Đại Từ rồi mua gạo và lá dong, thức ăn cho gia đình mới trở về nhà, cả chu trình đi của cô là đoạn đường dài là hơn 30km”. Hình thức buôn bán như vậy được

tất cả nhưng hộ buôn bán áp dụng, người thì đi xuôi, người đi ngược, miễn là hàng hóa được bán hết.

Những người đầu tiên gói bánh chưng và giao bán như một loại hàng hóa phục vụ cho nhu cầu quà bánh thì phải kể đến bà Đấng, bà Đá, bà Bé. Bà Đấng năm nay gần 90 tuổi. Có thể gọi những người này là tổ nghề của làng Bờ Đậu. Trên thực tế thì bánh chưng đã xuất hiện rất lâu trong lịch sử dân tộc, nhưng để bánh chưng trở thành hàng hóa và thành nghề kinh doanh ở làng Bờ Đậu thì những cụ Đấng, cụ Đá là người có công tạo dựng nên công ăn việc làm và lợi nhuận cho gia đình và hầu hết cả làng. Quan trọng hơn, từ một món ăn ẩm thực quen thuộc thì giờ đây nó đã trở thành một nghề thủ công, nghề chế biến lương thực - thực phẩm. Đồng thời, bánh chưng đã trở thành một mặt hàng mà UBND huyện Phú Lương và xã Cổ Lũng, người dân làng Bờ Đậu thúc đẩy phát triển thành mũi nhọn trong kinh doanh hàng hóa của làng. Qua đó, giúp ổn định đời sống và tăng thu nhập cho nhân dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Một phần của tài liệu Nghề làm bánh chưng ở làng bờ đậu xã cổ lũng, huyện phú lương, tỉnh thái nguyên (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(115 trang)
w