Xử lý môi trường luôn là bài toán khó của các làng nghề cả nước hiện nay. Bởi trong quá trình sản xuất các doanh nghiệp và các hộ gia đình tìm mọi cơ hội giảm chi phí. Vì vậy chi phí cho phòng ngừa ô nhiễm môi trường và đảm bảo môi trường lao động an toàn là những chi phí thường bị cắt giảm, thậm chí không được tính đến trong khi lập kế hoạch kinh doanh. Do vị trí nằm dọc theo hai bên lề đường quốc lộ và sự phát triển tự phát không theo quy hoạch đã làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường rất cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân cư, nhất là trong khu vực hình thành nhiều cơ sở sản xuất cơ khí, xăng dầu và các hộ chế biến thực phẩm (bánh chưng, bánh mì)… các chất thải sản xuất đều thải trực tiếp vào môi trường mà không qua xử lý làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả cộng đồng. Đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề bởi bụi đường và tiếng ồn do vị trí nằm cạnh lề đường tác động. Là đoạn đường quốc lộ, cửa ngõ phía tây của thành phố Thái Nguyên nên hàng ngày luôn có sự qua lại của các loại phương tiện lớn nhỏ.
Sự tập trung các cơ sở sản xuất với mật độ cao, trình độ công nghệ thấp và hầu như đều không có các thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường ở tất cả các hộ kinh doanh, sản xuất của làng nghề hiện đều ô nhiễm. Đây chính là tác nhân làm ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống và sức khỏe của người dân làm giảm chất lượng sống của con người trong làng nghề và ở các làng lân cận.
Trong quá trình sản xuất bánh chưng nhiều loại rác được thải ra môi trường xung quanh, tiêu biểu là lá dong, lá chuối. Bên cạnh đó là ô nhiễm nguồn nước với nước ngâm gạo và nước luộc bánh, rửa lá cũng thải ra các cánh đồng bên cạnh và con đường gây ra mức ô nhiễm đáng kể. Đó còn chưa kể đến số hộ chăn nuôi lợn và gia cầm số lượng lớn cũng thường xuyên thải nước sinh hoạt xuống hệ thống cống rãnh tự chế ra thẳng kênh rạch ra cánh đồng sau nhà gây chết lúa và cá. Sự ô nhiễm nặng nề nhất phải kể đến chính là sự ô nhiễm không khí, bởi các hộ kinh doanh và sản xuất bánh chưng sử
dụng chủ yếu nguyên liệu đốt trong các lò là than đá. Mỗi gia đình đều có từ 3 đến 4 bếp trở lên, hộ gia đình nhiều nhất như cơ sở Tuấn Ngọc có đến 8 bếp than to. Như vậy, làm phép toán trung bình có 70 hộ sản xuất bánh thì có 280 lò than được dùng đến hàng ngày. Ngoài ra chưa kể đến các cơ sở sản xuất cơ khí, xăng dầu, và các lò nướng bánh mì. Do vậy, ngoài việc có mùi bánh chưng thì trong làng luôn có khí CO2 của than, trong mỗi hộ gia đình quá trình sử dụng và bảo quản than cũng tạo ra ít nhiều bụi than khi vận chuyển, làm không khí trong làng ngột ngạt và khó chịu. Theo như quan sát thực tế, trong các hộ gia đình làm bánh chưa có hộ nào có cột tỏa khói cao cho các bếp luộc bánh, chỉ dừng lại là làm các tum cho khói theo đó bay ra ngoài. Vì vậy, nó đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân nơi đây, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi. Không khí bị ô nhiễm do khí thải các lò than, bụi đường, tiếng ồn xe cộ gây ra các bệnh nghề nghiệp về phổi, cột sống, thị lực giảm do nhiệt độ cao. Hiện tại, làng nghề mới chỉ thu gom xử lý phế thải rắn như xỉ than, rác bánh, lá bánh. Còn toàn bộ nước thải từ quá trình làm bánh đổ trực tiếp ra cống rãnh, ao hồ mà không có biện pháp xử lý. Trong năm 2014, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, và do nằm trong hệ thống du lịch làng nghề của tỉnh Thái Nguyên, là làng bám dọc theo hai bên ven đường quốc lộ nên chính trong năm này hệ thống đường xá được nâng cấp và mở rộng bằng đường nhựa, sạch sẽ và khang trang hơn, tạo nên diện mạo mới cho làng nghề. Tuy nhiên, khi tiến hành khảo sát thực tế, thăm dò ý kiến của người dân thì hệ thống thoát nước của đường nhựa chưa khả thi vì nhiều chỗ vẫn bị tắc nước khi nhiều hộ cùng xả một lúc, gây ra tình trạng nước tràn ra bề mặt của đường. Nhận thấy tác hại từ ô nhiễm môi trường do làng nghề gây ra như vậy, UBND xã Cổ Lũng và người dân trong xã (bao gồm cả các làng nghề) sẽ đóng tiền vệ sinh hàng tháng để xe rác của xã làm công việc thu gom và xử lý rác thải hàng ngày của làng nghề.