Tình hình kinh doanh bánh chưng

Một phần của tài liệu Nghề làm bánh chưng ở làng bờ đậu xã cổ lũng, huyện phú lương, tỉnh thái nguyên (Trang 50 - 55)

Bánh chưng xuất hiện lâu đời trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của mỗi người dân Việt Nam, đến nay loại bánh này đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực không thể thiếu trong văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Bánh chưng không chỉ đóng vai trò là một loại thức ăn thông thường mà ẩn chứa trong đó là cả một tín ngưỡng về đời sống tâm linh liên quan tới tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Trong đời sống hàng ngày mỗi lần thờ cúng tổ tiên nói chung, người Việt thường thờ bằng các loại thực phẩm trong đó đồ nếp tiêu biểu là bánh chưng hay một đĩa cơm nếp và chén nước lã không thể không có trên mỗi bàn thờ. Việc sử dụng bánh chưng hay đĩa cơm nếp liên quan đến văn hóa sử dụng đồ nếp từ lâu đời của cư dân Việt hay Đông Nam Á nói chung. Nên việc sử dụng bánh chưng trong văn hóa thờ cũng tổ tiên hay trong các dịp lễ tết đặc biệt nó ẩn chứa trong ấy lòng biết ơn và luôn hướng về nguồn cội của mình.

Hiện nay ở làng Bờ Đậu có 70 hội viên (trong Hội làng nghề bánh Chưng Bờ Đậu)là các hộ gia đình vừa tổ chức gói và bán bánh chưng, còn lại số ít là các hộ ở tận trong ngõ sâu thì chỉ gói và giao cho các hộ ở ngoài mặt đường. Các hộ kinh doanh bánh chưng thường chia bánh chưng làm nhiều loại: loại 10 nghìn, loại 20 nghìn, loại 30. Mỗi một loại nếu của chính nhà đó gói và bán thì lãi khoảng 5 nghìn mỗi cái, nhưng nếu gói rồi giao cho các hộ khác thì chỉ lãi 2 – 3 nghìn, và các hộ chuyên lấy hàng về bán cũng chỉ lãi từ 2 -3 nghìn. Khách hàng mua bánh chưng chủ yếu là các khách đi dọc đường theo quốc lộ 3 và quốc lộ 37. Làng nghề bán được khách theo chính tôi điều tra thì thứ nhất đây là làng nghề đã hình thành và phát triển hơn 30 năm, được

quảng bá rộng rãi, cứ nhắc đến Thái Nguyên là nhắc đến chè và bánh chưng Bờ Đậu. Đây là những đặc sản nổi tiếng của vùng đất được mệnh danh là Thủ đô kháng chiến. Thứ hai, hiện nay bánh chưng không chỉ là sản phẩm của văn hóa nữa mà nó được coi như là một sản phẩm hàng hóa, một loại bánh ăn rẻ và ngon so với các loại thực phẩm khác, thay vì ăn bát bún, bát phở với giá từ 20 – 25 nghìn không đủ no, thì việc mua bánh 20 – 30 nghìn/ chiếc lại đủ cho 1 người một bữa khi đi làm đồng, hay có công việc đi lại qua đây. Thứ ba, bánh chưng đang trở thành một sản phẩm hữu ích thay thế cho đĩa xôi trong các mâm cỗ đình đám quanh vùng, nếu như xưa kia vào các ngày giỗ, tết, đình đám…người ta thường hay nấu hoặc đồ xôi thì nay người ta thay thế bởi các chiếc bánh chưng vừa mang yếu tố truyền thống, vừa mang tính tiện dụng. Do vậy mà hiện nay làng nghề nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của các đám cưới, đám ma…nhất là cận các ngày tết Nguyên Đán thì hóa đơn đặt hàng của các tỉnh cho làng nghề bánh chưng rất nhiều, như theo lời của chủ tịch Hội làng nghề bánh chưng Bờ Đậu ông Nguyễn Hải Âu cho biết: “tết năm 2013 vừa qua ước tính có 50.000 chiếc bánh chưng được đặt bởi các cơ quan thuộc tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn và các huyện Thái Nguyên làm quà biếu tết cho các hộ nghèo”. Thứ tư là, các đại lý bánh chưng dưới các chợ lớn trong thành phố Thái Nguyên như chợ Trung Tâm Thái Nguyên cũng thường lấy bánh chưng ở đây về bán.

Tình hình kinh doanh bánh chưng cũng gặp nhiều khó khăn như vào năm 2007 làng nghề bị đồn thổi là dùng những thuốc hóa học độc hại trong khi luộc bánh chưng, giúp bánh có màu xanh đẹp và bánh nhừ nhanh hơn. Những thông tin này sau khi được phát tán đã khiến cả làng nghề lao đao vì sản phẩm làm ra không bán được. Nhiều hộ gia đình đã bỏ nghề chuyển sang kinh doanh dịch vụ hoạt động cầm chừng. Việc buôn bán và gói bánh chưng cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết và các tháng trong năm. Trong một năm càng các tháng lạnh và mát trời như tháng 8,9, 10,11,12,1,2,3,4 âm lịch thì

việc bán bánh chưng rất thuận lợi và đắt hàng. Còn các tháng có thời tiết nóng, nắng cao như tháng 5, 6, 7 âm lịch thì số bánh gói và bán của mỗi hộ gia đình hầu hết đều giảm đi một nửa. Những tháng nóng thì việc bảo quản bánh chưng không được dài, thường bị ôi và chua sớm, do vậy các khách hàng đi qua làng nghề muốn mua bánh làm quà đi xa sẽ không chọn bánh chưng nữa mà sẽ thay thế bởi các sản phẩm khác như măng ớt, hoa quả, nông sản theo mùa được bày bán ngay tại các cửa hàng làng nghề. Thứ hai, bánh chưng là thực phẩm vốn được chế biến và dùng trong các thời tiết mát mẻ và lạnh nên vào các thời tiết nóng hầu hết mọi người không ăn bánh chưng. Ngoài việc bán bánh chưng, với sự năng động của người dân cũng bán nhiều loại bánh khác như bánh su sê, bánh gai, bánh nướng, bánh mì…rất thuận tiện và đánh đúng tâm lý ẩm thực của khách hàng nên việc kinh doanh các loại bánh ở làng nghề những năm gần đây thu được các nguồn lợi ổn định. Bánh chưng được làm và bán chạy nhất là tháng Chạp, từ những ngày 17 tháng 12 âm lịch trở đi là người dân trong làng đã nhộn nhịp lao vào công việc chuẩn bị nguyên vật liệu và gói bánh cho hàng trăm đơn đặt hàng khắp tỉnh miền núi phía Bắc và một số gia đình Việt Kiều. Do vậy, trong tháng này việc kinh doanh gấp 3 đến 4 lần những tháng thông thường. Như hộ kinh doanh Tuấn Ngọc thường gói 1 triệu bánh giao cho các cửa hàng trong làng mỗi ngày. Cửa hàng Hải Âu, Tâm Quang…cũng gói và giao hàng nghìn cái cho các đơn đặt hàng gần xa. Càng các cửa hàng ngon và uy tín thì càng có các đơn đặt hàng nhiều. Giá bánh chưng trong ngày tết cũng tăng từ 1,5 – 2 lần so với ngày thường, như giá bánh sẽ giao động từ 40.000 – 60.000 đồng/ chiếc. Tùy theo đơn đặt hàng và nhu cầu của khách mà giá trị bánh chưng tăng lên, như việc yêu cầu nguyên liệu ngon thì bánh có thể lên tới 100.000 đồng/ chiếc.[2] Hiện các loại bánh làm bằng gạo nếp cẩm, nếp cái hoa vàng, bánh chưng gấc và nhân bánh ngon thường giá trị rất cao về ẩm thực và thẩm mỹ. Chính vì vậy, dù có những tháng bán bánh chưng chậm, số lượng ít, có nhà chỉ cầm

chừng, nhưng vào những tháng cận Tết âm lịch và thánh Giêng cũng làm nhiều hộ thu được khoản tiền lớn nhờ vào những đơn đặt hàng của các cơ quan, cửa hàng buôn bán tỉnh bạn. Nếu như trong các ngày thường các hộ chỉ gói từ 100 – 200 cái vừa bán lẻ, vừa giao cho các mối hàng, thì những ngày cận Tết âm lịch các hộ gia đình phải gói hàng nghìn bánh trở lên mới kịp bánh để bán. Theo cô Oanh – chủ cửa hàng bánh chưng 999 cho biết: “Trong

những ngày giáp tết, các hộ phải nhận được hàng nghìn bánh chưng đặt, nhiều nhất phải nói đến cửa hàng Hương Liên, Tuấn Ngọc, Tâm Quang, ba nhà này phải đến 15000 – 20000 bánh được đặt”.

Từ việc mở các hàng quan kinh doanh bánh chưng cũng đã thúc đẩy nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư mở các cửa hiệu lớn, có chỗ đỗ ô tô to nhỏ cho các nhà xe khi chung chuyển qua đây, bàn ghế, tủ bảo ôn, tủ trưng bày... Hơn nữa việc kinh doanh bánh chưng cũng thúc đẩy một số mặt hàng kinh doanh khác cùng phát triển như kinh doanh các mặt hàng nông sản (măng ớt, chuối, mít, rau…). Những năm gần đây với sự xen cài của các cửa hàng bán bánh mì cũng làm phong phú mặt hàng kinh doanh của làng nghề, tạo công ăn việc làm và góp phần tăng thu nhập cho người dân trong vùng. Việc kinh doanh ổn định cũng do uy tín đảm bảo chất lượng của làng đã được người dân khẳng định từ lâu. Nhiều khách hàng mua do thương hiệu chứ thực sự bánh chưa chắc đã ngon theo cách gói của gia đình họ. Đã có rất nhiều hộ gia đình ở làng lân cận, kề sát với làng Bờ Đậu, cũng tham gia làm bánh chưng thế nhưng chỉ thời gian ngắn phải chuyển sang nghề khác hoặc đóng cửa. Điều này xuất phát từ chất lượng của bánh. Theo các nhà sản xuất bánh cho biết: để gói được bánh chưng ngon ngoài đảm bảo về nguyên liệu, kỹ thuật gói và luộc thì nhân tố không kém phần quan trọng tạo nên hương vị cho bánh chính là nguồn nước của làng. Làng nghề có mạch nước ngầm ngon, không qua các khâu lọc nào mà trực tiếp đưa vào sử dụng. Vì thế, sau nhiều năm phát triển làng nghề bánh chưng Bờ Đậu vẫn không có bí quyết giữ nghề nhưng cũng

không vì thế mà sợ các làng khác cạnh tranh.Theo ông Nguyễn Hải Âu – trưởng ban làng nghề cho biết kinh nghiệm sau những lần bị hỏng bánh do không sử dụng nước từ mạch nước ngầm của làng: nhiều năm làng nghề tham gia triển lãm bánh chưng tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh đều phải chở các thùng nước từ làng mang đi để luộc bánh, chứ không dùng nước ở nơi khác.

Nhìn chung, làng nghề bánh chưng trong suốt thời gian hình thành và phát triển chủ yếu kinh doanh theo hình thức bán lẻ dọc đường cho các khách vãng lai (chủ yếu là khách ngoài tỉnh đi qua đây). Đây là hình thức bán hàng thích hợp và thuận tiện của làng nghề, vì 100 % các hộ sản xuất kinh doanh đều nằm ở mặt đường dọc theo hai bên đường quốc lộ 3 và quốc lộ 37. Với hình thức bán này khách hàng được trực tiếp vào các cửa hàng, thậm chí là các nồi bánh chưng đang được vớt ra, lựa chọn và mua các loại bánh ưa thích. Khác với kiểu giao hàng theo mối của làng nghề bánh chưng Tranh Khúc – Thanh Trì – Hà Nội, vị trí làng Thanh Trì nằm sâu trong các khu dân cư, không gần các quốc lộ lớn, nên hình thức bán hàng được sử dụng đó là giao hàng cho các đại lý trên các đường phố Hà Nội. Hình thức kinh doanh khác được làng nghề bánh chưng sử dụng đó là bán buôn, hình thức này phát triển không mạnh do nhu cầu thị trường thành phố Thái Nguyên không nhiều. Hơn nữa trong thành phố Thái Nguyên cũng có những hộ cũng gói bánh chưng loại 10.000 đồng dùng để ăn sáng, tuy chất lượng không bằng bánh chưng Bờ Đậu, song cũng được nhiều đại lý dưới thành phố mua và bán cho khách hàng. Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin, nhiều hộ gia đình đã có hình thức kinh doanh và giới thiệu mặt hàng bánh chưng trên các trang mạng xã hội như Facebook, zalo…Tuy nhiên, việc giới thiệu về bánh chưng và làng nghề bánh chưng trên trang mạng xã hội chỉ dừng lại ở hình thức các gia đình có con, em biết sử dụng các mạng xã hội ấy, rồi đưa lên mạng, chứ chưa thực sự có trang website nào chính thức của làng nghề lập ra. Song song với đó, với sự linh hoạt của mình Hội làng nghề bánh

chưng Bờ Đậu cũng tham gia rất nhiều các hội chợ trong và ngoài tỉnh, tham gia nhận các cúp thương hiệu Sao Việt, các cúp thương mại, an toàn thực phẩm, làm từ thiện, phối hợp với các Website lớn nhỏ như : trang website của Làng nghề Việt Nam (http://langnghevietnam.vn/) để giới thiệu về sản phẩm bánh chưng của quê hương.

Một phần của tài liệu Nghề làm bánh chưng ở làng bờ đậu xã cổ lũng, huyện phú lương, tỉnh thái nguyên (Trang 50 - 55)