Qua kết quả điều tra và các tài liệu là các bản báo cáo của làng nghề bánh chưng Bờ Đậu cho thấy làng nghề bánh chưng Bờ Đậu hình thành khoảng đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Với sự năng động của người dân biết tận dụng những thế mạnh của quê hương những hộ gia đình nơi đây đã biến từ một món ăn ẩm thực truyền thống của Việt Nam trở thành một mặt hàng kinh doanh đem lại nguồn lợi kinh tế to lớn. Sự phát triển của nghề bánh chưng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của làng nghề. Xưa kia làng nghề bánh chưng Bờ Đậu vốn dĩ là một làng kinh tế nông nghiệp chủ đạo. Tuy bám sát ven đường quốc lộ, nhưng với tình hình kinh tế khó khăn chung của đất nước, các hộ gia đình làng Bờ Đậu cũng chỉ chú trọng vào ruộng đồng và trồng chè. Khi kinh tế cả nước bước vào giai đoạn mở cửa và đổi mới, nhiều hộ gia đình chuyển hướng sang sản xuất và kinh doanh bánh chưng cùng các mặt hàng nông sản khác. Đến nay, cơ cấu làng nghề chuyển sang kết cấu công – thương – nghiệp. Trong ấy, số người làm thủ công nghiệp (bánh chưng) và kinh doanh chiếm 50%, số người làm nông nghiệp còn lại 80 hộ (80 hộ là nằm trong Hội nông dân tập thể, trên thực tế thì chỉ còn 20 hộ làm nông nghiệp) chiếm 10% [4]. Ngành nghề bánh chưng đem lại thu nhập bình quân 5 triệu – 7 triệu/ người/ tháng đối với chủ hộ (trong đó 2/3 số hộ có thu nhập từ 7 triệu – 10 triệu đồng/ người/ tháng), người lao động làm thuê từ 3 triệu – 4,5 triệu/người/tháng. Mỗi năm làng nghề bán ra hơn 3 triệu bánh lớn nhỏ. Tương đương với 240 tấn gạo nếp, 40 tấn đỗ, 50 tấn thịt lợn. Thu về cho làng nghề 1 tỷ mỗi năm. Nghề bánh chưng tuy không thu nhập cao nhưng nó lại là một nghề ổn định ngay trên chính quê hương – nơi họ đang sinh sống. Họ không phải rời quê hương nhưng cũng có thu nhập cao và không vất vả bằng nghề nông nghiệp. Việc lấy công làm lãi đưa người lam động thoát khỏi
sự nghèo đói và đóng góp làm thay đổi diện mạo quê hương phát triển. Tất cả các hộ có thu nhập cao thường là các ông chủ, nhà hàng lớn, còn những người thợ hay người làm công thì thu nhập thấp hơn. Do thu nhập cao, làng nghề trở thành trung tâm tiêu thụ nhiều sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, mở rộng thị trường ở nông thôn.
Bảng 4: Số lượng nguyên liệu tiêu thụ theo năm của làng nghề Bờ Đậu (2010 -2014) đơn vị: tấn,(Lá dong tính theo đơn vị: cái)
Năm 2010 2011 2012 2013
Gạo nếp 200 220 220 240
Đỗ xanh 30 35 35 40
Thịt lợn 40 46 46 50
Lá dong 6.480.000 7.128.000 7.128.000 10.368.000
(Nguồn:Báo cáo phát triển làng nghề bánh chưng Bờ Đậu từ năm 2007 – 2012)
Nghề bánh chưng Bờ Đậu đã và đang làm biến đổi to lớn trên nhiều khía cạnh của đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội. Về mặt tích cực: xóa đói giảm nghèo, tăng thêm thu nhập cho người dân, trình độ dân trí nâng cao, giải quyết lao động dư thừa, đẩy nhanh quá trình CNH – HĐH nông thôn. Thu nhập từ nghề đã tạo ra nguồn vốn quan trọng để xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn: cải tạo và xây mới hệ thống đường giao thông xóm bằng hệ thống bê tông hóa, hệ thống kênh mương, thủy lợi được thiết kế mới, nhiều thuần phong, mỹ tục dược khơi dậy như cuộc thi gói bánh chưng nhanh, lễ hội đền Đuổm…làm phong phú đời sống tinh thần của địa phương.Về mặt hạn chế: ô nhiễm môi trường làng nghề tác động tới sức khỏe của cộng đồng dân cư, tệ nạn xã hội cũng phát triển như: nạn cờ bạc và ma túy, nghiên internet, vẻ đẹp của cảnh quan môi trường và mối quan hệ làng xã bị phá vỡ…Trong những năm phát triển của làng nghề bánh chưng cũng đạt rất nhiều danh hiệu do các tổ chức tặng như: Thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng năm 2013, tôn vinh danh hiệu văn hóa ẩm thực tinh hoa làng nghề Việt Nam…