Mỗi một công việc, mỗi một làng nghề lại quy định loại lao động khác nhau cũng như vai trò của từng cá thể trong ấy. Có những công việc chỉ dành cho trẻ em, cho người lớn, công việc dành cho sức mạnh cơ bắp của người đàn
ông, công việc dành cho sự khéo léo và tỉ mỉ của người phụ nữ…Cũng giống với nhiều làng nghề khác, làng nghề bánh chưng Bờ Đậu cũng cần sự tham gia của nhiều thành phần lao động không phân biệt tuổi tác và giới tính. Song nổi bật hơn cả đó là vai trò của phụ nữ trong nghề và các công việc hàng ngày.
Có thể khẳng định phụ nữ trong làng nghề là những người xây dựng, duy trì và phát triển cả làng nghề bánh chưng Bờ Đậu.
Thứ nhất, họ là những người khai sinh ra nghề gói bánh chưng ở làng Bờ Đậu. Bánh chưng không phải cư dân người làng Bờ Đậu sáng tạo ra, nhưng họ là những ngườip biến sản phẩm truyền thống trở thành một nghề gói và kinh doanh bánh chưng. Những năm 70 của thế kỷ trước những người phụ nữ nơi đây ngoài việc làm ruộng, chăn nuôi gia súc gia cầm, buôn bán nhỏ và đi làm công nhân cho các mỏ than thì họ còn phát triển nghề phụ là gói bánh chưng bán và đi giao cho các cửa hàng ven các trục đường. Khởi đầu là những cụ Đấng, Cụ Bé, Cụ Đá…sau đó đến các thế hệ trẻ hơn buôn bán các loại bánh lá chứ không chỉ riêng bánh chưng. Ban đầu trong các thúng hàng đi bán rong của các cụ là các loại bánh như: bánh tro, bánh gai, bánh dậm, bánh dày và bánh chưng. Trong quá trình buôn bán, bánh chưng được bán nhiều do phù hợp với khẩu vị ăn truyền thống của người dân nên từ đó bánh chưng được nhân rộng ra nhiều hộ gia đình trong làng. Mặc dù có sự tham gia giúp đỡ của những người đàn ông trong gia đình, song phần lớn là các bà, các bác, các chị con gái chịu trách nhiệm chính trong các khâu gói, bán ra sản phẩm bánh chưng. Có thể khẳng định rằng họ không chỉ tạo ra làng nghề, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động xung quanh đây, mà cao hơn cả họ chính là người duy trì và truyền tải, giữ gìn nét văn hóa ẩm thực của người dân Việt Nam.
Thứ hai, họ là người duy trì cũng như chịu trách nhiệm chính trong các khâu làm ra sản phẩm. Nếu như việc gói bánh chưng trong các gia đình của người Việt mỗi độ tết đến, xuân về thường được gói bởi bàn tay người ông, người cha trong gia đình đảm nhận thì trong làng nghề bánh chưng Bờ Đậu vai trò tạo ra những chiếc bánh ấy thuộc về những người phụ nữ. Có lẽ từ sự
khéo léo, cần cù và cẩn thận xuất phát sẵn có trong mỗi con người phụ nữ mà họ chọn lấy những công việc này như một sự đương nhiên. Từ các khâu chọn nguyên liệu như: chọn lá, chọn thịt, gạo, đỗ và các gia giảm khác đến các khâu chế biến, gói và luộc bánh đều do người phụ nữ đảm nhận, mặc dù có sự tham gia của người đàn ông nhưng không thực sự đáng kể. Theo như quan sát của tác giả thì người đàn ông chỉ tham gia phụ giúp vào khâu gói bánh và khâu chuyển bánh đi các đại lý khi có đông khách hoặc trong các ngày lễ tết bận rộn. Trong những ngày bình thường, người đàn ông đi làm các công việc khác như: nghề công chức, nghề hàn, nghề nông…chứ ít trường hợp người đàn ông trong làng lấy nghề gói bánh chưng làm công việc chính.
Thứ tư họ là người đứng ra kinh doanh sản phẩm các loại bánh. Xuất phát điểm từ vị trí làng nghề bám dọc theo các trục đường quốc lộ mà người dân đã có sự linh hoạt trong kinh doanh của mình. Ban đầu là những hàng quán nhỏ ven đường, và hình thức bán hàng dong, giao hàng cho các cửa hiệu ven đường đến giai đoạn sau các hộ gia đình sử dụng vốn tự có và vốn ưu đãi của xã, huyện, tỉnh…đã mở các cửa hàng bán bánh chưng lớn, nhỏ tùy vào điều kiện của mỗi gia đình. Khi mở các hàng quán này để kinh doanh có hiệu quả ngoài các khâu quảng cáo của các cấp chính quyền thì vai trò của người phụ nữ được đẩy lên cao. Với sự khéo léo trong lời ăn, tiếng nói và ứng xử người phụ nữ đã đưa các loại bánh và nông sản đến tay các khách hàng và tạo ra uy tín của mình. Trong của hàng, hình ảnh các bà, các bác, các chị say mê, mải miết gói bánh, nhưng mỗi khi có khách mua hàng họ vẫn niềm nở và đon đả vớt bánh, cắt bánh cho khách hàng thưởng thức.
Thứ năm họ là vẫn là người xây dựng và đảm bảo tổ ấm của mình. Ngoài các công việc làm bánh và kinh doanh hàng ngày những người phụ nữ vẫn luôn làm tròn thiên chức người phụ nữ trong gia đình. Với các công việc khác trong gia đình mà người phụ nữ phải làm như nấu cơm, dạy con học, mối quan hệ chồng, họ hàng làng xóm…họ còn tham gia các hoạt động đoàn thể khác. Chính vì thế, tuy tiếp xúc với đời sống hiện đại của đô thị nhưng những nề nếp trong gia đình nông thôn vẫn được duy trì, bảo tồn. Nhưng, theo
sự quan sát của tác giả, việc dạy con cái học đối với gia đình làm nghề bánh chưng ở các bậc tiểu học và trung học không được quan tâm bằng các hộ gia đình không làm nghề. Bởi lẽ, các công việc làm bánh dường như lấy hết số giờ lao động và công sức của người phụ nữ, trong khi nhiều người đàn ông trong làng lại cho rằng đó không phải là việc của họ, hoặc có làm thì chỉ dạy theo kiểu nửa vời và cho tiền để đi học thêm tại các cơ sở giáo dục.
Thứ sáu, trong các làng nghề nói chung và làng nghề bánh chưng Bờ Đậu việc sử dụng tối đa các nhân công là các cụ già đã hết tuổi lao động và các em nhỏ vào công việc sản xuất luôn được tranh thủ triệt để, vì đây là các lao động có thể giúp ích nhiều trong các công đoạn nhưng lại không phải trả họ tiền công. Trong làng nghề bánh chưng Bờ Đậu người lớn tuổi và trẻ em thường được giao cho làm các công đoạn như nhặt, rửa, phân loại và xếp lá, cắt dây và bán hàng…Những lao động này góp phần không nhỏ để giảm đi gánh nặng công việc của người phụ nữ và cả gia đình trong làng nghề.