Đặc điểm nổi bật về sản phẩm làng nghề bánh chưng là mang đậm sắc thái văn hóa truyền thống của dân tộc và vùng miền trong mỗi sản phẩm, chủ yếu được sản xuất bằng chính đôi tay, dựa trên kỹ thuật truyền thống; sử dụng chủ yếu bằng các nguyên liệu truyền thống ở địa phương. Bánh chưng Bờ Đậu phản ánh sâu sắc tư tưởng, tình cảm và quan niệm thẩm mĩ dân tộc Việt Nam, bản sắc văn hóa tộc người Tày - Nùng thông qua văn hóa vùng miền. Bánh chưng là sản phẩm mang nhiều yếu tố ẩm thực, có giá trị thẩm mỹ, trang trí, tâm linh, lại có giá trị kinh tế cao. Việc gói và kinh doanh bánh chưng như một sự bảo tồn một nét văn hóa truyền thống của người dân Bờ Đậu. Khi tạo ra các sản phẩm bánh chưng vuông hay dài chủ yếu là kỹ thuật thủ công tinh xảo, chủ yếu làm bằng tay và đầu óc thâm mĩ của người thợ hay các nghệ nhân. Từ khi phát triển đến nay, các công đoạn làm bánh đều không có thay đổi nhiều so với các cách làm bánh chưng truyền thống thường thấy ở mỗi gia đình người Việt.
Bánh chưng thường do người lớn tuổi trong gia đình thực hiện, kể cả trong những ngày tết nếu có thuê thợ đến phụ giúp thì khâu gói bánh vẫn là người có tay nghề và người chủ trong gia đình. Do kinh nghiệm nên các hộ thường đôi bàn tay điêu luyện của mình để gói chứ không dùng đến các loại khuôn gỗ, hay inox. Việc dạy nghề bánh chưng giữa những thế hệ với nhau cũng rất nhanh chóng. Nếu một người chú tâm vào học gói thì chỉ mất khoảng 30 phút quan sát, lắng nghe, thực hành thì sau đó cũng có thể gói được. Tuy nhiên, để đạt được mức độ gói nhanh, đẹp thì phải trải qua quá trình lao động lâu dài.
Trước khi gói bánh, người ta thường phải trải qua khâu chuẩn bị lá. Lá dong sau khi mua về, được các gia đình tiến hành rửa hàng loạt, sau đó cuộn lại với nhau thành từng cuộn khoảng 50 lá theo chiều dọc, bên ngoài của từng cuộn thường được bọc với nhau bằng chiếc bao tải, rồi đem dựng đứng lên.
Lá được chuẩn bị như vậy trước ngày gói khoảng từ 1-2 ngày cho ráo nước. Trong khi rửa, các hộ gia đình cũng phân loại thành từng kích cỡ to nhỏ để riêng. Sau khi rửa xong lá rong được cắt hai đầu và dùng dao mỏng, sắc tước bớt phần sống của lá nhằm mục đích bớt độ cứng và dễ thao tác hơn khi gói bánh. Gạo nếp cũng được vo và ngâm khoảng 1 tiếng, sau đó vớt ra giá để khô. Gạo thường ngâm với ít muối hoặc nếu không khi vớt ra người thợ sẽ phải cho muối vào trộn cùng với gạo trong giá. Việc làm này nhằm tạo ra sự đậm đà của các đồ nếp, không chỉ với bánh chưng mà khi đồ cơm nếp dân gian vẫn làm theo cách này. Lượng muối cho vào gạo tùy theo số cân của gạo, việc này không được các hộ gia đình cân đo mà chỉ làm theo sự ước chừng của người trực tiếp làm công đoạn này. Theo như dân gian gạo nếp phải được ngâm ít nhất 5 tiếng. Nhưng các hộ ở Bờ Đậu chỉ ngâm 30 phút đến 1 tiếng để bánh luộc không bị nát, nếu ngâm nhiều gạo hút nhiều nước, khi gói không chặt tay bánh sẽ dễ bị nát khi luộc.
Khâu gói bánh của một hộ thường bao gồm ba người làm theo dây chuyền có từ 3- 5 người: Người gói thô (nghĩa là gói gạo với nhân bánh tạo hình bánh ban đầu), người gói và buộc dây cho bánh. Cứ như vậy chỉ trong vòng gần 1 phút là xong 1 chiếc bánh. Điều này khác với cách gói bánh của các hộ gia đình gói bánh cổ truyền tại các vùng quê khác, vào dịp tết đến các công đoạn gói bánh dường như chỉ do 1 người gói mà thôi.Nếu được chuẩn bị các nguyên liệu có sẵn thì một người có thể gói hơn 60 chiếc bánh trong 1 giờ. Một người đàn ông gói nhanh cũng chỉ trong vòng gần 1 phút đã xong một cái bánh.
Trên đây là cách gói bánh chưng hình vuông, còn kiểu gói bánh chưng hình trụ “bánh Tày” . Với loại bánh này, lá dong được cắt hai đầu khoảng 3cm, để hai đến 3 lá theo chiều ngang rồi đổ gạo dọc theo chiều dài của lá, tiếp theo là nhân đỗ xanh và thịt lợn đã làm sẵn từng thỏi dài khoảng 20 - 30cm cho lên trên lớp gạo, lượt gọi đổ lên tiếp và gói lại thành hình trụ dài 30
cm. Khác với cách gói bánh Tày dân gian có hình trụ nhưng hai đầu có hình tam giác, các hộ làm bánh nơi đây gói hình trụ tròn như kiểu gói “giò”.
Trong khi gói bánh chưng, nếu là các hộ kinh doanh lớn nhận đơn đặt hàng của các đại lý thì nhân bánh phải làm một loại riêng. Nghĩa là thường có hai loại nhân, một loại nhân nhiều thịt và đỗ sẽ dùng gói các loại bánh để gia đình bán – tạo ra loại sản phẩm ngon có uy tín đảm bảo về mặt chất lượng và giá thành. Loại thứ hai dùng để bán buôn cho các đại lý trên địa bàn trong làng nghề và thành phố Thái Nguyên thì nhân thường nhỏ hơn, ít thịt và đỗ xanh hơn, lý giải điều này thì chủ hộ cho biết bán buôn không được lãi nhiều, chỉ từ 2 – 3 nghìn đồng, nên phải làm loại nhân nhỏ hơn không thì không có lãi. Tiêu chí của một chiếc bánh chưng đẹp về hình thức phải bao gồm nhiều khía cạnh như: Bánh phải dầy đều, vuông, và có màu xanh đặc trưng của lá dong, nhân bánh không được lộ ra bên ngoài.
Cách ăn bánh chưng
Bánh chưng là loại thực phẩm đồ ăn lạnh, nghĩa là thường được sử dụng ăn trong những tháng lạnh, và khi ăn bánh cũng thường để nguội mới dùng. Về truyền thống bánh chưng thường ăn kèm với hành muối làm giảm độ ngấy của bánh và kích thích được khẩu vị. Trong dân gian Việt thườnghoặc là không có hộ gia đình nào gói bánh chưng vào những tháng nóng. Bởi bánh chưng gói vào những ngày như vậy dễ bị ôi thiu và ăn bánh chưng những ngày như vậy sẽ gây cảm giác nóng. Nhưng hiện nay tại bánh chưng Bờ Đậu thì các du khách qua đây thường muốn ăn bánh chưng vừa mới được vớt lên hoặc ít nhất là vẫn còn nóng. Họ cho rằng khi ăn như vậy sẽ ngon và không có cảm giác bị ngấy, hơn nữa về mặt tâm lý họ sẽ không sợ ăn phải bánh chưng để lâu ngày. Tại các cơ sở bán bánh chưng họ còn bán thêm măng ớt cay, khi khách qua đường muốn ăn bánh chưng tại quán thì thường họ sẽ mang ra những bát măng ớt muối với vị cay nồng, chua và giòn giúp bánh chưng sẽ ngon hơn. Bánh chưng mới vớt ra khỏi nồi, lá dong được nấu
chính đã biến thánh màu xanh sẫm lớp mặt gạo nếp hấp thụ chất diệp lục từ lá dong, tạo thành một màu xanh nhạt trong suốt, mùi thơm quyện giữa lá dong và gạo nếp, đỗ xanh khiến các du khác không thể bỏ qua hương vị mùi mẫn và rất đỗi thân quen của chiếc bánh cổ truyền này.